Monday, June 16, 2008

Về lễ Quốc tang

Trên báo Tuổi Trẻ có bài của nhà báo Kim Hạnh, trong đó có đoạn bà Kim Hạnh thuật lại lời bà Hiếu Dân, con gái ông Võ Văn Kiệt.

"
Hiếu Dân lại nói: "Ba còn ước rằng hãy thiêu ba và mang tro của ba đến đúng khúc sông mà hồi xưa má và hai người em của em bị nạn chết, rải xuống đó để cuối đời ba được về sum họp với má. Ba nói em rằng có thể mấy chú ở Quân khu 7 giúp con...".

Bài viết không nói rõ tại sao ước mong của ông Kiệt không thành hiện thực, là vì gia đình không muốn thực hiện hay vì quy định của Đảng, theo đó ông Kiệt trước hết là người của Đảng, nên lễ tang của ông cũng như cách thức an táng phải theo chỉ đạo của Đảng.

Tôi thử kiểm lại có luật nào về tổ chức Quốc tang không. Rất tiếc không tìm thấy quy định nào về việc tổ chức Quốc tang ngoài điều được nêu trong chương II, Nghị định 62/2001/NĐ-CP quy định về tang lễ cho cán bộ, viên chức Nhà nước. Như vậy, có lẽ theo pháp luật hiện hành thì Quốc tang chỉ được dành cho đối tượng là cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước? Không rõ với các trường hợp đặc biệt khác (như thiên tai, thảm họa) thì có quy định nào về tổ chức Quốc tang không? Và ai là người có quyền quyết định việc này?

Theo điều 3 Nghị định nói trên thì các đối tượng sau được hưởng quy chế Quốc tang:

"
Điều 3. Các đồng chí đang giữ chức hoặc thôi giữ chức đối với các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức lễ Quốc tang

1. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng;

2. Chủ tịch nước;

3. Thủ tướng Chính phủ;

4. Chủ tịch Quốc hội."

Để so sánh, ở Mỹ thì Tổng thống Mỹ (và chỉ mình Tổng thống) được tổ chức Quốc tang (kể cả khi đã về hưu). Ở ta thì là 4 người đứng đầu Đảng và Nhà nước (đương nhiệm hay nghỉ hưu).

Về việc tổ chức an táng thì khoản 3, điều 9 nêu rõ:

"3. Trong trường hợp gia đình có nguyện vọng hoả táng hoặc an táng tại quê nhà, Ban Tổ chức lễ tang có trách nhiệm tổ chức chu đáo theo quy định tại các Điều 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16 và 17 Chương II của Quy chế này."

Như vậy, nguyện vọng của ông Kiệt (nếu đúng như lời nhà báo Kim Hạnh thuật lại lời bà Hiếu Dân) hoàn toàn không mâu thuẫn với Nghị định này, và nếu gia đình ông Kiệt có yêu cầu hỏa táng, tôi nghĩ Ban Tổ chức Lễ tang cũng không có lý do gì để từ chối yêu cầu hoàn toàn chính đáng đó. Vậy cũng không rõ việc không thực hiện nguyện vọng đó của ông Kiệt là do gia đình hay do Ban Tổ chức Lễ tang?

Cũng trong ngày 14/6, nếu như ở Việt Nam tổ chức lễ Quốc tang với cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì ở Kirghizia (hay
Kyrgyzstan), quốc gia Trung Á đất rộng dân thưa này cũng tổ chức lễ Quốc tang cho một người con của họ. Nhưng người đó không phải nguyên thủ hay cựu nguyên thủ, mà là một nhà văn- Chinghiz Aitmatov, nhà văn nổi tiếng thế giới của nước này mà độc giả Việt Nam hẳn cũng ít nhiều được biết qua những truyện ngắn và truyện vừa Giamilia, Cây phong non trùm khăn đỏ, Người thầy đầu tiên (nếu tôi nhớ không nhầm do hai dịch giả tiếng Nga hàng đầu là Cao Xuân Hạo và Phạm Mạnh Hùng dịch). Việc này làm tôi nghĩ, liệu có ngày nào Việt nam có thể tổ chức lễ quốc tang cho một nhà hoạt động, một nhà trí thức, một văn nghệ sĩ...có những đóng góp lớn lao nhất đối với dân tộc, với đất nước, chứ không nhất thiết chỉ dành cho các nhà lãnh đạo. Năm 2001, đám tang của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng từng là một sự kiện rất lớn, theo Wikipedia thì số người đi đưa tang ông chỉ ít hơn số người đưa tang Hồ Chí Minh năm 1969.

Và chúng ta cũng có thể có (và nên có) lễ Quốc tang cho những thảm họa không may có thể xảy ra với đất nước, như là một ngày để những người sống tưởng niệm người qua đời. Một ví dụ, năm 2006, một vụ sập mái nhà ở Ba Lan xảy ra khiến gần 70 người chết và Chính phủ nước này đã tuyên bố tổ chức Quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân. Còn ở Việt Nam, những thảm họa như cháy tòa nhà Trung tâm Thương mại Quốc tế ở Sài Gòn, sập cầu ở Cần Thơ ...cũng gây ra những tổn thất nặng nề về con người, nhưng như những gì tôi biết thì chưa bao giờ chúng ta tổ chức Quốc tang cho cái chết của những người dân thường cả.

No comments: