Monday, June 23, 2008

Entry for June 23, 2008

Bài trên sina.com bàn về cách Trung Quốc gây ảnh hưởng kinh tế với Đông Nam Á và Việt Nam, bản dịch được in trong Bản tin tham khảo đặc biệt của TTXVN (là bản tin được lưu hành nội bộ trong các cán bộ, các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Việt Nam) và bản trên mạng đăng bởi talawas. Bài viết đề cập tới việc Trung Quốc cần ra tay "giúp đỡ' Việt Nam về kinh tế, để dần khống chế kinh tế Việt Nam hay ít ra là lái kinh tế Việt Nam, khiến Việt Nam nhập vào "vành đai kinh tế" của Trung Quốc (có lẽ là cách gọi hoa mỹ của thị trường cho phế phẩm và nguồn cung cấp tài nguyên giá rẻ).

Hiện nay dữ trự ngoại tệ của Trung Quốc đang cực lớn, lớn nhất thế giới với hơn 1700 tỷ USD, nhiều hơn cả Nhật Bản và khối EU cộng lại, gấp 80 lần Việt Nam, trong khi dự trữ ngoại tệ của Việt Nam chỉ là 20,7 tỷ USD. Trung Quốc có lẽ rất sẵn lòng cho các nước Đông Nam Á, nhất là Việt Nam vay trong trường hợp dự trữ ngoại tệ của các nước này bị cạn kiệt. Tuy nhiên nếu NHNN Việt Nam vay ngoại tệ của Trung Quốc để bảo vệ tỷ giá và tránh nguy cơ khủng hoảng thì có thể sẽ dẫn tới những hậu quả lâu dài về chính trị-kinh tế, hoàn toàn có thể trở thành một sân sau, vệ tinh về kinh tế- chính trị cho đế quốc Trung Quốc tranh hùng trong thế kỷ 21.

Từ trước tới nay, các khoản viện trợ hay cho vay của Trung Quốc cho các nước đang phát triển thường không kèm theo các điều khoản như phải chống tham nhũng, cải cách cơ cấu, tăng tính minh bạch thông tin, bỏ chế độ tỷ giá cố định, tự do hóa thương mại và tư nhân hóa DNN... như các điều kiện của IMF, hay World Bank nhưng lại thường gắn với các yếu tố có tính chính trị và tài nguyên (ví dụ ủng hộ Trung Quốc trong các tổ chức quốc tế, ưu tiên các doanh nghiệp Trung Quốc trong khai thác khoáng sản...). Với Việt Nam, có lẽ người Trung Quốc còn muốn ràng buộc yếu tố địa-chính trị trong sự hỗ trợ kinh tế nhiều hơn nữa, đơn giản vì Việt Nam ở sát cạnh Trung Quốc và Trung Quốc sẽ "an toàn" và mạnh mẽ hơn nhiều nếu có Việt Nam như một đồng minh trung thành.


Vai trò của Trung Quốc đối với Đông Nam Á và Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế
...

"Thế thì Trung Quốc cần làm thế nào? Rất đơn giản, làm một người tốt là được, 11 năm trước Soros và IMF là một kẻ xấu, còn Trung Quốc là một người tốt, đó chính là thực tâm thực lòng giúp Việt Nam vượt qua khó khăn hiện nay. Cho dù về mặt kinh tế hay tài nguyên, đều cần tiến hành giúp đỡ thực sự, giúp Việt Nam vượt qua khó khăn kinh tế này. Phải chăng Trung Quốc chỉ cần làm như vậy là xong? Đương nhiên không phải, quan hệ quốc tế hiện nay đặt lợi ích là hàng đầu, thuần túy đạo đức không thể tồn tại được. Nếu Trung Quốc giúp đỡ, nhất định cần được đền đáp, Trung Quốc trước đây chẳng phải đã nếm mùi phản bội của Việt Nam đấy sao. Vậy báo đáp như thế nào? Dưới đây xin đề xuất một số điểm để tham khảo:
  1. Nếu lớn thì yêu cầu Chính phủ Việt Nam chấp thuận những gì mà trước đây họ không thể chấp nhận, nhưng không thể quá đáng, mà nên là những điều kiện có thể chấp nhận được. Ví dụ như được góp 30% cổ phiếu trong Ngân hàng của Việt Nam, trước đây Chính phủ Việt Nam không thể chấp thuận điều này. Nhưng nếu có chấp thuận thì Chính phủ Việt Nam cũng không mất đi quyền khống chế ngân hàng. Những yêu cầu như vậy Trung Quốc hoàn toàn có thể đưa ra.
  2. Yêu cầu Việt Nam tuyên truyền rầm rộ sự giúp đỡ của Trung Quốc trên các phương tiện thông tin đại chúng, như vậy một mặt có thể làm giảm nhẹ đi rất nhiều sự thù địch đối với Trung Quốc của người dân Việt Nam, mặt khác là để làm cho các nước Đông Nam Á khác thấy được.
  3. Yêu cầu Việt Nam thực hiện chính sách ưu đãi để các công ty Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam có thể gia tăng được ưu thế cạnh tranh.
  4. Trong giao dịch năng lượng giữa hai nước đưa ra điều kiện có lợi cho Trung Quốc nhưng Việt Nam vẫn có thể hoàn toàn chấp nhận được.
  5. Yêu cầu Việt Nam tiến hành hàng loạt cải cách kinh tế, đương nhiên đó không phải những cải cách kinh tế tự hủy hoại mình giống như IMF, mà cần thực sự làm cho mối liên hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc mạnh lên, cuối cùng thực hiện nhất thể hóa kinh tế Việt-trung, thực sự là những cải cách làm cho Việt Nam nhập vào vành đai kinh tế của Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc có thể nhận được những báo đáp trên, Trung Quốc dù không thể thực sự khống chế kinh tế Việt Nam, nhưng có thể lái được phương hướng kinh tế của Việt Nam, ràng buộc Trung Quốc và Việt Nam lại với nhau, như vậy dù Việt Nam muốn phản bội cũng không thể. Riêng về lĩnh vực lãnh thổ cần hết sức tránh, vì vấn đề này quá nhạy cảm, nếu không cẩn thận thì trong con mắt của các nước Đông Nam Á, Trung Quốc từ chỗ là người bạn "tiếp lửa trên tuyết" trở thành kẻ xấu "thừa cơ cháy nhà để hôi của"."

No comments: