Friday, June 06, 2008

Entry for June 06, 2008

Tại sao vào thời điểm này, NHNN lại yêu cầu cấm các đại lý đổi ngoại tệ bán ngoại tệ cho nhân dân. Những việc làm như thế chỉ khiến thị trường ngoại tệ trở nên hỗn loạn và giá USD chợ đen tăng cao hơn nữa.

Trong khi tất cả các công ty tài chính đều dự đoán đồng VN sẽ mất giá ít nhất 30% thì NHNN vẫn khăng khăng giữ biên độ 1% và sử dụng biện pháp hành chính cấm bán ngoại tệ. Lẽ ra NHNN nên mở rộng biên độ để đồng VND xuống giá từ từ, thay vì việc nhất quyết bám lấy tỷ giá chính thức đó.

Tình hình này nếu tiếp diễn sẽ dẫn tới việc có hai tỷ giá ngày càng cách xa nhau: tỷ giá chợ đen và tỷ giá chính thức, cho tới thời điểm NHNN không thể chịu đựng được nữa và phải thả nổi đồng VND. Thay vào việc cố gắng níu giữ điều không thể, NHNN nên chủ động và linh hoạt trong chính sách tỷ giá.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì việc cấm bán ngoại tệ cho nhân dân như thế chưa từng xảy ra từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa kinh tế, nghĩa là từ chừng 20 năm qua. Một động thái cực đoan, tiêu cực như thế lại được đưa ra như một gì đó đơn giản, không đáng kể, và khi thị trường mới chỉ nhen nhóm có dấu hiệu lo lắng, chứ chưa tới mức hoảng loạn, theo tôi là một sai lầm không thể chấp nhận được. Người ta không thể kiểm soát đầu cơ ngoại tệ theo cách như đầu cơ gạo, bởi với đầu cơ gạo, có thể biết rõ người đầu cơ chủ chốt là ai (là các tổng công ty độc quyền xuất khẩu của Nhà nước) trong khi với đầu cơ ngoại tệ, đó có thể là bất kỳ ai. Vì thế, có thể sử dụng biện pháp hành chính trong chống đầu cơ gạo nhưng không thể áp dụng như thế trong bối cảnh thị trường tiền tệ như hiện nay. Hơn nữa, việc người dân mua ngoại tệ khi dự đoán đồng VN sẽ xuống giá hầu hết là một phản ứng hợp lý nhằm tự bảo vệ mình, chứ không phải là việc đầu cơ để hưởng lãi. Động thái trên của Chính phủ là một việc làm tối kỵ, và sẽ càng làm nhân dân mất lòng tin vào Chính phủ, mà trong những giai đoạn chấp chới như hiện nay thì lòng tin là yếu tố rất quan trọng, có thể giúp Việt Nam không sa vào khủng hoảng hay sẽ sa vào (trong kinh tế học có một khái niệm là self-fullfiling crisis, chỉ các khủng hoảng xảy ra vì người ta dự đoán rằng nó sẽ xảy ra).

Nhân đây cũng nói về năng lực điều hành của Chính phủ, theo tôi là rất có vấn đề. Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam hiện nay cũng không thiếu những người giỏi, nhưng có cảm giác vai trò của những chuyên gia, những nhà kỹ trị trong Chính phủ đang ngày càng mờ nhạt, tiếng nói của họ không được đếm xỉa và mọi quyết định quan trọng đều do các vị lãnh đạo đưa ra. Việc mở rộng Hà Nội vừa qua là một ví dụ của sự tùy tiện và cách quản lý hoàn toàn từ trên xuống bất chấp ý kiến của giới chuyên môn. Việc điều hành kinh tế thời gian qua cũng có những dấu hiệu như vậy: vai trò của một số chuyên gia kinh tế như Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế học), Lê Xuân Nghĩa, Nguyễn Đại Lai (NHNN)... có vẻ như chỉ là chạy theo, giải thích thay vì việc tích cực tham gia định hình chính sách (ít ra đó là những gì tôi cảm nhận). Chắc chúng ta cũng biết, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên cầm quyền, một trong những việc làm đầu tiên của ông là giải tán Ban Nghiên cứu Thủ tướng Chính phủ gồm các tên tuổi như Lê Đăng Doanh, Nguyễn Đình Cung, Võ Trí Thành, Võ Đại Lược...trong khi những nhà kinh tế này từng đóng vai trò đáng kể trong việc hình thành chính sách kinh tế dưới thời các thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải- đặc biệt là vai trò của ông Lê Đăng Doanh, người có thể coi là kiến trúc sư chính sách kinh tế Việt Nam thời kỳ đổi mới (ông Doanh giờ tham gia mở một viện nghiên cứu phát triển cùng với các ông Nguyễn Quang A, Nguyên Ngọc...). Trong khi Thủ tướng Dũng chưa bao giờ là người điều hành kinh tế xuất sắc (ông từng làm quyền Thống đốc NHNN một thời gian ngắn trước ông Lê Đức Thúy) thì việc ông giải tán Ban nghiên cứu là dấu hiệu hoặc ông quá tự tin vào khả năng của chính mình, hoặc ông muốn gạt đi khả năng các cố vấn sẽ có ý kiến thận trọng trước các dự án to lớn của ông, như xây dựng tập đoàn nhà nước theo mô hình Chaebol (từng được cựu Tổng bí thư Đỗ Mười đề xướng) hay các chương trình đầu tư quy mô lớn. Dự đoán này của tôi có lẽ không phải không có cơ sở khi mới hôm qua trên VNE có bài này của một cựu vụ trưởng ở NHNN và lời bình của ông Trần Hữu Dũng "
Nhưng quan trọng hơn, cần những lãnh đạo biết nghe những nhà kinh tế chuyên nghiệp."

Việt Nam cần những nhà kinh tế kỹ trị chuyên nghiệp


Và hậu quả của sự quá tự tin, sự chậm ứng biến trước các tín hiệu lạm phát (đã được Bộ Kế hoạch và đầu tư và một số nhà kinh tế cảnh báo từ giữa năm 2007) đã khiến Chính phủ trở nên hết sức bị động và chỉ mới thực sự chống lạm phát tích cực trong vài tháng gần đây. Và bây giờ, trước các báo cáo u ám dồn dập của các tổ chức tài chính (cả công lẫn tư) thế giới về triển vọng kinh tế và khả năng lạm phát thì Chính phủ vẫn cố bám vào tỷ giá cố định và chống sức ép tỷ giá bằng cách cấm bán ngoại tệ cho nhân dân với lý do "đầu cơ"! Nếu sau việc này mà đồng VN ngày càng mất giá trên thị trường chợ đen và người dân xao xác tháo bỏ đồng VN để mua vàng, mua đô-la với giá chợ đen thì tôi cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên.

Chính phủ Việt Nam cần có sự thay đổi trong tư duy quản lý, lắng nghe các nhà kỹ trị nhiều hơn, để họ có một vai trò quan trọng trong việc điều hành chính sách, phải tránh bệnh kiêu ngạo của các nhà lãnh đạo (mà trong sách giáo khoa Mác-Lenin gọi là bệnh kiêu ngạo cộng sản). Khi người ta nói Lý Quang Diệu làm ra thần kỳ Singapore, hay Đặng Tiểu Bình mang lại thần kỳ Trung Quốc thì không phải ông Lý, ông Đặng xoay xoay cái đũa như Harry Potter (và Harry Potter cũng còn phải đi học ở trường phù thủy) mà là họ biết sử dụng các nhà kỹ trị theo đúng cách để đưa lại sự thần kỳ kinh tế. Nếu nhìn nụ cười sảng khoái của Thủ tướng Dũng trong những bức ảnh trong kỳ họp
Quốc hội, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang hết sức khó khăn và chính bản thân Thủ tướng lên tiếng kêu gọi nhân dân "chia sẻ" khó khăn với Chính phủ thì người ta dễ có cảm giác rằng ông Dũng đang tin rằng mình có đũa thần.

Chúng ta chờ xem Thủ tướng sẽ sử dụng cây đũa thần của mình ra sao.

Các đại lý thu đổi không được bán ngoại tệ cho cá nhân

"Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm các đại lý vi phạm quy định hiện hành liên quan tới hoạt động thu đổi ngoại tệ. Toàn bộ số ngoại tệ tiền mặt thu được, các đơn vị này phải bán lại cho ngân hàng thương mại, không được bán cho cá nhân.

Theo quy định hiện hành, đại lý đổi ngoại tệ của các ngân hàng chỉ được mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân, chứ không được phép bán. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các bàn đại lý phải bán toàn bộ số ngoại tệ tiền mặt đổi được cho tổ chức tín dụng đã ủy quyền.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết tỷ giá hối đoái tiếp tục được điều hành theo hướng linh hoạt dựa trên cung cầu trên thị trường trong biên độ 2% đã được Thủ tướng chỉ đạo. Ngân hàng Nhà nước đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế."

Update:
+ Quy định mà NHNN nêu ra là từ 2003, quyết định mới của NHNN chỉ nhằm chấn chỉnh hiện tượng các đại lý vẫn bán ngoại tệ cho cá nhân. Như vậy, nhận định ở trên của tôi quy trách nhiệm quy định này cho Thống đốc NHNN ở thời điểm hiện nay là không có cơ sở.

Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng quyết định mới công bố của NHNN trong thời điểm hiện nay sẽ càng làm thị trường thêm nhiễu loạn và gây mất lòng tin của nhân dân, trong khi không có tác dụng gì trong việc làm giảm nhu cầu ngoại tệ của nhân dân (thậm chí còn ngược lại) hay giảm yếu tố đầu cơ. Trong điều hành kinh tế, có những việc bình thường không sao, nhưng nếu không đúng thời điểm thì có thể đưa tới những tín hiệu sai.

+ Ý kiến của IMF với Chính phủ:

Ý kiến này quá ngắn và quá chung chung để có thể thực sự thiết thực. Sự trợ giúp kỹ thuật của IMF với Chính phủ Việt Nam xem ra khá hạn chế.

+ Trao đổi giữa Thủ tướng và JPMorgan.
Thủ tướng Dũng hứa sẽ công bố rộng rãi hơn cho nhân dân các thông tin từ trước vẫn bị coi là bí mật như mức dự trữ ngoại tệ.

Chính phủ sẽ sớm công bố cụ thể mức dự trữ ngoại tệ bằng USD. Từ trước tới nay, Ngân hàng Nhà nước chỉ cung cấp thông tin này với các tổ chức quốc tế như WB và IMF. Để củng cố lòng tin của dân chúng, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu công bố rộng rãi mức dự trữ ngoại tệ của Việt Nam thường xuyên và cụ thể.

+ Kinh tế VN và ba yêu cầu cải cách cấp bách


Jonathan Pincus rất mạnh miệng, muốn Chính phủ Việt Nam phải cải tổ mạnh mẽ, cắt giảm đầu tư công thẳng thừng

"Vừa rồi, CP đã đưa ra thông báo số tiền hơn 200 triệu USD đầu tư công sẽ bị cắt giảm. Đó là việc tốt, nhưng VN cần giảm 10 lần số tiền đó.

CP nên lập danh sách 100 dự án đầu tư lớn nhất. Nhìn vào danh sách đó, CP sẽ xác định ra đâu là dự án kém hiệu quả, đâu là dự án chưa thật cần thiết vào thời điểm này. Từ danh sách 100 dự án đó, CP có thể tìm ra 10 dự án có thể tạm ngưng, từ đó, có khoảng 2 tỷ USD.

Phóng viên Phương Loan của tuanvietnam có những phóng vấn thẳng thắn và đi vào vấn đề. Xem thêm bài phỏng vấn Martin Rama của World Bank, và Ayumi Konishi của ADB.




+ Interesting! VNEconomy đăng tường thuật trao đổi giữa Thủ tướng Dũng và kinh tế trưởng của JPMorgan. Một việc làm tích cực trong thời điểm hiện nay để tăng cường thông tin cho người dân và tăng niềm tin của người dân.

“Chúng tôi đủ khả năng giữ ổn định VND”



"Thủ tướng: Năm 2007, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi, năm 2006 chúng tôi dự trữ có 10 tỷ USD, năm 2007 dự trữ của chúng tôi đã tăng lên 20 tỷ USD.

Năm tháng đầu năm 2008, cán cân thương mại tuy có thâm hụt nhưng cán cân thanh toán đã thặng dư 700 triệu USD, gần 1 tỷ USD.

Mục tiêu của Việt Nam năm 2008 là giữ tỷ lệ nhập siêu ở mức 30%, như vậy, cán cân thanh toán sẽ ở mức thặng dư 2 đến 3 tỷ USD. "
Thủ tướng khẳng định cán cân thanh toán năm nay sẽ thặng dư 2-3 tỷ USD, trong khi bọn Barclays Capital dự đoán cán cân thanh toán năm nay sẽ thâm hụt 9 tỷ USD!





No comments: