Wednesday, June 25, 2008

Về minh bạch thông tin


img


Hỏi: Làm thế nào để tránh nguy cơ khủng hoảng ngân hàng?
Trả lời (
Nguyễn Văn Giàu): Cấm báo chí đưa tin!

Bài trên Thanh Niên

Vụ hai xác chết trong khách sạn: Người chết là nhân viên ngân hàng

"Theo hồ sơ công an, hai nạn nhân đều là nhân viên của một ngân hàng tại TP.HCM có chi nhánh tại TX Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Trong đó Hằng là nhân viên, Tường là phó phòng giao dịch. Cả hai người đã thông đồng nhau "mượn" tạm một khoản tiền rất lớn của ngân hàng này để đầu tư vào sàn giao dịch vàng, tuy nhiên sau đó do thị trường giá vàng có nhiều biến động khiến cả hai bị lỗ hơn 1.000 lượng vàng. Biết khó có khả năng hoàn vốn cho ngân hàng nên cả hai uống thuốc ngủ tự tử."

Công văn của NHNN gửi Bộ 4T và Ban Tuyên giáo đề nghị hai cơ quan này cấm báo chí đưa tin về vụ việc.

Công văn về việc chỉ đạo các cơ quan báo chí.

Xem ra NHNN vẫn giữ tư duy giải quyết khủng hoảng theo cách bưng bít thông tin, bằng các biện pháp hành chính từ cấm bán ngoại tệ cho nhân dân tới tìm cách cấm báo chí đưa tin nhân viên ngân hàng chiếm dụng vốn ngân hàng để kinh doanh và thua lỗ hơn 1000 lạng vàng. Và trong khi bưng bít thông tin như thế thì họ lại luôn sẵn lòng trách móc nhân dân chịu ảnh hưởng bởi "tâm lý đám đông", nghe theo những "tin đồn" xấu, mang tâm lý "đầu cơ"....mà không thấy mối quan hệ nhân quả giữa việc hành xử theo tâm lý đám đông với việc thiếu minh bạch thông tin với công chúng và khách hàng.

Qua vụ này còn phải đặt vấn đề về cách quản lý kinh doanh của các ngân hàng. Làm thế nào mà chỉ hai nhân viên giao dịch ở một chi nhánh cấp tỉnh của Sacombank lại có thể chiếm dụng nhiều vốn như thế? Họ thua lỗ 1000 lạng vàng (hơn 1 triệu USD) cũng có nghĩa là họ phải chiếm dụng hàng ngàn lượng vàng, hay hàng triệu đô-la từ quỹ của ngân hàng. Và chuyện đó xảy ra ở Sacombank, một ngân hàng được coi là hàng đầu trong các ngân hàng thương mại cổ phần. Vậy thì ở các NHQD hay ngân hàng cổ phần khác thì việc kinh doanh trái phép, quản lý quỹ thiếu hiệu quả này liệu còn có thể xảy ra ở mức độ như thế nào?

Trong khi đó, kết quả kiểm tra các ngân hàng thương mại của NHNN vẫn rất lạc quan:


"Ngân hàng Nhà nước cho hay, các ngân hàng thương mại đều đang hoạt động ổn định, tăng trưởng khá và đảm bảo an toàn trong hoạt động."

Nhưng liệu có đáng tin không? Có lẽ tốt hơn hết, NHNN cần công bố kết quả kiểm tra hoạt động của các ngân hàng thương mại trên trang web của mình, thay vì việc tìm cách cấm báo chí đưa tin về một vụ tự tử như thế.

Trên TBKTSG, TS. Nguyễn Ngọc Điện (ĐH Cần Thơ) viết:

"Cũng vì quyền được biết của công dân về cuộc sống xã hội mang tính nguyên tắc mà quyền của nhà chức trách giữ bí mật thông tin về cuộc sống đó chỉ có thể là ngoại lệ. Rõ hơn, những giới hạn đối với quyền được biết phải được minh định trong luật: ngoài những loại thông tin được ghi nhận rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, không có gì được gọi là bí mật và không thể tiếp cận đối với công dân.

Theo đúng logic suy nghĩ đó, thì từ chối cung cấp hoặc bưng bít, cản trở lưu thông thông tin phải được coi là hành vi vi phạm pháp luật và phải bị chế tài. Trong trường hợp từ chối hoặc bưng bít, cản trở lưu thông thông tin mà gây thiệt hại vật chất cho xã hội, thì người thực hiện hành vi đó phải có trách nhiệm bồi thường....

Và hệ quả tất yếu của việc sống trong môi trường thông tin nhiễu loạn là sự trỗi dậy của bản năng ứng xử theo bầy đàn: người này trông người kia làm, rồi bắt chước làm theo. Một trong những biểu hiện của bản năng ứng xử đó là việc đổ xô đi mua gạo, đô la Mỹ hay thứ gì khác nữa, tạo nên các cơn sốt giá mà mọi người đã chứng kiến. Trong bối cảnh chữ tín và sự minh bạch không được coi trọng, trách người dân nhẹ dạ tin vào những lời đồn đoán và hành động thiếu cân nhắc là không công bằng."

Trong lựa chọn giữa "bưng bít thông tin" và "minh bạch thông tin", NHNN đã chọn cách bưng bít, che đậy. Liệu việc bưng bít này có giúp cho Sacombank và NHNN được tin tưởng hơn không? Điều này chưa thể biết, nhưng có điều chắc chắn là động thái này làm xói mòn lòng tin của người dân vào năng lực quản lý, điều hành của NHNN. Có khác nào NHNN nói với nhân dân: "Tôi không có bệnh. Hãy để tôi bịt mắt bạn, bạn sẽ thấy tôi vẫn rất khỏe mạnh". Và nếu bạn bị bịt mắt mà đi lại quáng quàng, vấp ngã dúi dụi thì đó là lỗi ở bạn không nhìn thấy đường, đi lại với tâm lý bầy đàn, thiếu hiểu biết chứ không bao giờ là lỗi của chúng tôi- những người luôn đi đúng đường!.

No comments: