Như bài báo trên VNexpress thì số lượng trái phiếu mà khối đầu tư nước ngoài xả ra có thể được ước tính chừng 11,4 triệu trái phiếu (bán 20 triệu cả cổ và trái, mua 10 triệu cổ và trái, bán 660 nghìn cổ, mua 2 triệu cổ), tính sơ sơ cũng bán ra (tính net) chừng 1000 tỷ trái phiếu. Số tiền này nếu họ mua USD để chuyển về nước sẽ gây ra áp lực không nhỏ tới tỷ giá (họ sẽ cần mua vào hơn $600 triệu). Và nếu diễn biến này cứ tiếp tục thì thời điểm đầu tư gián tiếp của nước ngoài chuyển thành âm cũng không còn xa. Không biết có ai có số liệu cụ thể về thành phần đầu tư gián tiếp của khối đầu tư nước ngoài: bao nhiêu cổ, bao nhiêu trái không nhỉ?
(Note: các số liệu này là chỉ là tính thô trên cơ sở bài báo này)
Chứng khoán có một tuần bận rộn với giao dịch trái phiếu
"Tỷ lệ gần 92% của giá trị giao dịch thỏa thuận so với tổng giao dịch thị trường tuần qua đã cho thấy sự "tấp nập" của hoạt động này. Trong đó đáng chú ý là giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.
Ngày | Giao dịch trái phiếu của khối ngoại | |
Mua vào | Bán ra | |
2/6 | 5.228.000 | 7.728.000 |
3/6 | 2.500.000 | 2.500.000 |
4/6 | 2.000.000 | 7.228.000 |
5/6 | 0 | 3.000.000 |
6/6 | 0 | 500.000 |
Khối này vẫn giữ nguyên xu hướng mua mạnh hơn bán trong thời gian giao dịch khớp lệnh, mua vào chưa tới 2 triệu đơn vị cổ phiếu, bán ra hơn 660 nghìn đơn vị. Dù vẫn đều đặn thu gom cổ phiếu giá rẻ, nhưng khối lượng mua vào của nhà đầu tư nước ngoài giảm hẳn, trong khi giao dịch trái phiếu gia tăng đột biến, đặc biệt ở lượng bán ra. Thông qua hoạt động giao dịch thỏa thuận, khối ngoại đã "xả" ra xấp xỉ 20 triệu đơn vị cổ phiếu và trái phiếu. Lượng mua vào chỉ khoảng trên 10 triệu đơn vị.
Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài tại TP HCM nhận định khối ngoại đẩy mạnh bán trái phiếu có thể do những báo cáo không mấy tích cực gần đây của một số tổ chức tài chính nước ngoài về tình hình kinh tế Việt Nam và tâm lý lo sợ đồng Việt Nam mất giá. Vì thực chất lãi trái phiếu thấp, độ trượt giá của đồng tiền lớn khiến họ bị lỗ trong danh mục đầu tư.
2. Trên TBKTSG, nhà báo Nguyễn Vạn Phú cho rằng cần linh hoạt tỷ giá. Ông cho rằng tỷ giá chính thức VND/USD hiện nay không phản ánh đúng giá trị thực của VND.
Linh hoạt và cảnh giác
"(TBKTSG) - Cần có sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá, tức thị trường chấp nhận tỷ giá như thế nào thì chúng ta nên điều hành theo hướng đó để không ai có thể lợi dụng chính sách neo chặt tỷ giá mà làm lợi riêng cho mình.
Đối với đợt tăng giảm tỷ giá trong tuần qua, yếu tố đầu cơ hưởng lợi ngắn hạn là khá rõ. Tuy nhiên, có những yếu tố hỗ trợ cho giới đầu cơ không thể bỏ qua. Nếu nhìn vào bảng niêm yết tỷ giá của Vietcombank ngày 31-5-2008, chúng ta sẽ thấy 1 đô la Canada ăn 17.799 đồng và 1 đô la Úc ăn 16.819 đồng. Trong khi đó, tỷ giá trên thế giới cho thấy 1 đô la Mỹ đổi được hơn 1 đô la Canada một chút và bằng 0,95 đô la Úc.
Như vậy, so sánh một cách khách quan dựa vào quan hệ của các đồng tiền nói trên, 1 đô la Mỹ sẽ bằng 17.700 đồng. Hiện nay, giao dịch chuyển đổi từ tiền đồng sang đô la Mỹ thực tế cũng phải qua trung gian một ngoại tệ khác như đồng euro, tính ra 1 đô la Mỹ cũng bằng 17.600 đồng. Trong khi đó, tỷ giá của Vietcombank niêm yết vào cùng ngày chỉ là 16.247 đồng.
Người bình thường chỉ cần nhìn vào tỷ giá đồng đô la Úc, từng thấp hơn xa đô la Mỹ, nay lên tới 16.819 đồng như thế cũng có suy nghĩ tiền đồng hiện được định giá quá cao so với đô la Mỹ. Như vậy đô la Mỹ đang được “trợ giá” trên thị trường Việt Nam, rẻ hơn nhiều so với các ngoại tệ khác. Chính sự “trợ giá” này làm cho hàng nhập khẩu rẻ hơn, góp phần thúc đẩy nhập khẩu đủ loại hàng tiêu dùng, càng làm cho cán cân thương mại nghiêng về nhập siêu..."
No comments:
Post a Comment