Con số này thực sự khiến tớ ngạc nhiên vì tớ không thể nghĩ là Đài Loan lại có thể tăng trưởng tới 10%. Nước duy nhất đạt được tốc độ tăng trưởng này một cách ổn định trong chừng 10 năm gần đây là Trung Quốc.Tại sao Việt Nam đầu tư tới 40% GDP mà chỉ tăng trưởng có 8%, trong khi Đài Loan đầu tư có 26% GDP mà tăng trưởng tới 10%?
Thử kiểm lại một số thông tin thì thấy không hẳn như vậy.
Theo trang web này của chính phủ Đài Loan thì tăng trưởng của Đài Loan trong vài năm gần đây chỉ hơn 4% chứ hoàn toàn không phải 10%. Tớ không nghĩ là Pincus lại có thể nhầm đến thế, nên đặt giả định là Pincus muốn nói tới thời kỳ tăng trưởng đỉnh cao của Đài Loan là giai đoạn 1986-1987. (Cũng lưu ý là theo nguồn này trong gần 30 năm từ 1979-2007, chỉ có 3 năm Đài Loan đạt tăng trưởng trên 10% và đều trong thập kỷ 80. ) Nhưng ở đây hoặc Pincus đã không nói rõ (vô tình hay cố ý) hoặc do phóng viên ghi sót nên dễ dẫn tới hiểu nhầm là hiện nay Đài Loan đầu tư 26% GDP mà tăng trưởng tới 10%.
Tiếp tục, tớ kiểm tra con số đầu tư của Việt Nam, theo IMF ở đây (trang 3) thì tỷ lệ đầu tư ở Việt Nam năm 2005 là 35% (trước đó trong khoảng 30-35%). Có thể năm 2007 là 40% nhưng tớ không biết số liệu nên không thể nói (rất có thể vì năm nay luồng tiền vào khá nhiều). Do Đài Loan không phải thành viên IMF nên không có số liệu để so sánh nhưng nếu theo bài viết này thì trong suốt thập kỷ 70,tỷ lệ đầu tư của Đài Loan đều trên 30% (trừ vài năm ngoại lệ), tức là không thua kém gì nhiều so với Việt Nam những năm 2000. Sang thập kỷ 80, tỷ lệ đầu tư của Đài Loan giảm nhưng đó là sự giảm sau khi đã có những đầu tư cơ bản đáng kể ở thập kỷ 70.
Do đó việc so sánh đầu tư của Đài Loan là 26% trong khi tăng trưởng 10% với đầu tư Việt Nam 40% và tăng trưởng 8% là rất khập khiễng. Tỷ lệ đầu tư 40% quả thực có cao (nhưng bản thân Đài Loan cũng đầu tư tới 40% GDP vào năm 1974) nhưng mối quan hệ giữa đầu tư và tăng trưởng thường có một độ trễ nhất định.
Chất lượng tăng trưởng cũng là một việc đáng quan tâm nhưng các nhận xét của ông Pincus đơn giản hóa quá, và còn dễ gây các ngộ nhận.
Nói chung việc xác định chất lượng tăng trưởng thế nào, bao nhiêu phần do tăng input, bao nhiêu phần do tăng năng suất là một việc không đơn giản, và phụ thuộc khá nhiều vào cách tính của người nghiên cứu. Cũng đã có một vài nghiên cứu về năng suất tổng hợp của Việt Nam, bạn nào quan tâm có thể google xem sao (tớ biết có một nghiên cứu của Trần Thọ Đạt và Nguyễn Quang Thắng từ cách đây vài năm).
Bản thân tớ nghĩ khá nhiều dự án đầu tư của Việt Nam là thiếu hiệu quả nhưng thiếu hiệu quả đến đâu thì không biết.
No comments:
Post a Comment