Sunday, December 16, 2007

Entry for December 15, 2007

Vài ghi nhận về cuộc biểu tình

Công an làm dữ hơn, cứng rắn hơn, tuy không có xô xát nhưng cũng gây khá nhiều bất mãn cho những người tham gia biểu tình. Ví dụ các hành vi lột áo người tham gia (tôi không chứng kiến nhưng nghe tường thuật ở đây), công an chìm chặn hỏi một số người, . (khi tôi chụp ảnh cảnh sát cơ động, cũng có một anh công an mặc thường phục ra hỏi han), tịch thu băng-rôn khẩu hiệu của người biểu tình. Có vài người bị bắt, ở khu vực Giảng Võ như tôi thấy có ít nhất hai người bị đưa lên xe của cảnh sát 113.

Về phía người biểu tình, lần này có tổ chức chặt chẽ hơn, có lẽ chủ yếu nhờ có sự chuẩn bị trên các diễn đàn như Thăng Long, TTVN... Tuy ban đầu không khí trùng xuống khi bị cảnh sát chặn đường và lùa ngược trở lại nhưng sau đó, đoàn người không vì thế mà giải tán mà vẫn tiếp tục tuần hành dọc các phố, tuy bị tách ra làm vài ba nhóm.
Có vài khẩu hiệu tôi muốn được nghe thấy người biểu tình hô mà không thấy, ví dụ như “Đả đảo Trung Quốc”- một khẩu hiệu tôi nghĩ phản ánh tâm tư của nhiều người nhất. Nhưng khẩu hiệu này có lẽ bị coi là “nhạy cảm”. Vì thế cũng chỉ nghe được các khẩu hiệu như Hoàng Sa- Trường Sa- Việt Nam, Hoàng Sa là của người Việt Nam… Trên băng-rôn thì có các khẩu hiệu phản đối chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc nhưng lại được viết bằng tiếng Anh.

Không kể những người biểu tình, thái độ của dân chúng nói chung là thơ ơ. “Văn minh biểu tình” vẫn chưa có chỗ đứng ở Việt Nam, hoặc là nó từng có nhưng đã bị quên lãng. Trong quán café sau khi biểu tình, tôi cũng nghe thấy các ý kiến như: “thế biểu tình là để cho vui à”… Khi chứng kiến cảnh cảnh sát 113 đang bắt một vài người lên xe (tôi không rõ lý do) thì có ông già đứng cạnh tôi nói “chắc Trung Quốc nó cài người vào để chống phá.” Nói chung còn có nhiều vấn đề trong cái tâm thức (mindset) của người Việt mình. Một quan điểm phổ biến khác là đó là việc lớn của hai quốc gia, đã có bao nhiêu chuyên gia uyên thâm đảm nhiệm công việc đó rồi, người dân biết gì mà tham gia biểu tình, nên tập trung làm ăn…Quan điểm này thực chất là một sự kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa ngu dân và chủ nghĩa mị dân. Xưa Tần Thủy Hoàng với Lý Tư cũng trị dân trên nguyên tắc đó.

Vậy cuộc biểu tình có thành công không? Tuy không thành công như mong muốn ban đầu của một số người (ví dụ như có vài nghìn người tham gia) nhưng tôi nghĩ như thế cũng là tương đối thành công, nhất là trước sự quyết liệt và chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước của lực lượng công an. Cuộc biểu tình ôn hòa và có khí thế, ít nhất cũng tạo được một sự thay đổi nhất định trong mắt những người chứng kiến, rằng mỗi người dân chúng ta có quyền lên tiếng phản đối khi cảm thấy quyền lợi của bản thân mình, của dân tộc mình bị xâm phạm, chứ không phải chỉ mãi "lòng ta là con rối, cho ngườigiật dây", gật và lắc theo sự điều khiển của người khác

No comments: