Nhà văn trẻ Phan Việt:
Suối nguồn - Hành trình tâm tưởng tuyệt vời
Nhà văn trẻ Phan Việt |
TT - Cũng khá lâu làng sách VN mới xuất hiện thêm một tác phẩm văn học lớn được tiến hành dịch nhóm, đặc biệt nhóm dịch giả của tiểu thuyết này khá trẻ, vốn là nghiên cứu sinh, thạc sĩ tại Hà Lan, Nhật, Mỹ...
Tuổi Trẻ đã phỏng vấn Phan Việt - tác giả từng đoạt giải nhì Văn học tuổi 20, và lần này là người tổ chức dịch và hiệu đính tác phẩm Suối nguồn (*).
* Việc lựa chọn Ayn Rand và The fountainhead (Suối nguồn) có phải vì một sự yêu thích đặc biệt dành cho tác giả này trong số các tác giả Mỹ?
- Có thể dùng một số con số thống kê để trả lời ngắn gọn cho câu này. Ví dụ như trong một cuộc bình chọn năm 1998 của Nhà xuất bản Modern Library về cuốn tiểu thuyết có ảnh hưởng nhất tới độc giả Mỹ trong thế kỷ 20, thì trong 10 vị trí đứng đầu có bốn cuốn là của Ayn Rand. Vị trí tác phẩm có ảnh hưởng nhất và thứ hai đều thuộc về Ayn Rand (Suối nguồn đứng thứ hai).
Tuy nhiên, cơ bản hơn, tôi nghĩ Ayn Rand quyết liệt triển khai thông qua văn chương một thế giới và mô hình con người mà tôi nghĩ là chúng ta đều hướng tới: con người sống say mê trong sáng tạo, coi sự sống của mình là thiêng liêng, bản thân mình là đáng quí và không hi sinh những thứ này cho những thứ có tính nhân danh khác.
* Chị có thể cho biết vì sao quyển này được dịch theo nhóm, việc dịch theo nhóm có khó khăn gì không cho người dịch cũng như cho tác phẩm, nhóm đã mất bao lâu để hoàn thành bản dịch?
- Lý tưởng nhất thì một tác phẩm văn học nên do một người dịch. Tuy nhiên, điều kiện lúc đó không tìm được người và hợp đồng dịch sách với phía Mỹ ràng buộc phải có bản dịch và sách trong thời hạn nhất định; thế nên tôi quyết định dịch theo nhóm.
Làm theo nhóm có nhiều cái khó khăn rõ ràng: giọng văn, vốn từ, vốn sống của mỗi người khác nhau. Chúng tôi cố gắng thận trọng và tổ chức dịch theo nhiều bước. Ban đầu, mỗi người dịch thử một trang, rồi post lên một website chúng tôi lập ra cho dự án dịch này; sau đó cùng nhau sửa và thống nhất từ vựng. Tiếp đó, mỗi người lại dịch thử tiếp 2-3 trang; lại post lên website và sửa. Rồi dịch tiếp 5-10 trang để sửa và thống nhất tiếp về văn phong, diễn đạt. Sau đó thì mỗi người tự dịch phần việc của mình; trong quá trình này ai có khó khăn thì trao đổi. Sau khi các bạn dịch xong, tôi tổng hợp bản dịch, biên tập và hiệu đính toàn bộ. Chúng tôi mất một năm cho việc này.
* Ngoài việc xuất hiện trong vai trò gần như là dịch giả khi hiệu đính tác phẩm này, chị cũng sắp ra mắt tác phẩm thứ hai sau Phù phiếm truyện. Chị có thể nói đôi chút về tiểu thuyết sắp xuất bản? Chị có định theo đuổi công việc dịch thuật dài hơi song song với công việc sáng tác?
- Tiểu thuyết của tôi có tên Tiếng người sẽ ra trong khoảng tháng tới. Đây là cuốn sách đầu tiên hé cho tôi thấy sự khó nhọc vô cùng của việc viết văn. Tôi sẽ nói kỹ hơn khi nào cuốn sách in xong và chị lại muốn phỏng vấn tôi về cuốn sách này (cười).
Tôi không định theo đuổi công việc dịch thuật dài hơn vì dịch thuật bản thân nó là một việc công phu, mất thời gian và đòi hỏi sự chuyên nghiệp như với viết văn, tôi chỉ muốn chuyên tâm vào một thứ. Tuy nhiên, phải nói là lần dịch thuật Suối nguồn này luyện cho tôi hai thứ rất quí cho việc viết văn: tính kỷ luật và cách theo dõi dòng suy tưởng của một nhà văn. Về phía người đọc, tôi xin cam đoan là nếu các bạn cầm sách lên, các bạn đang bước vào một hành trình tâm tưởng và cảm giác tuyệt vời.
Một thiết kế mạnh mẽ về con người
Ảnh: Thanh Đạm |
Ayn Rand (1905-1982) nói về những lý do cơ bản khiến tác phẩm này liên tục tái bản hằng năm (đến nay là 60 năm): "Nó tái khẳng định tinh thần của tuổi trẻ, nó tuyên bố về chiến thắng của con người, nó chỉ ra người ta có thể làm được những gì”. Và Ayn Rand đã đúng. Cuốn tiểu thuyết của bà có thể làm cho những ai quen bị cuốn đi trong tâm lý bầy đàn phải giật mình, buộc phải tự hỏi về chính kiến của mình, giá trị riêng có và sự tự tin tối thiểu của mình.
Như một bản vẽ tuyệt vời cho một công trình đáng tôn vinh nhất, Suối nguồn là một thiết kế tinh tế, mạnh mẽ về con người - những kẻ thứ sinh, ăn bám từ nhận thức đến cách sống, và những cá thể vĩ đại biết tư duy với một trí não độc lập, một niềm say mê chân chính của riêng mình. Con người - với các dòng chảy tư tưởng - hiện lên sống động qua một ngôn ngữ rành mạch, khúc chiết mà đầy lôi cuốn.
Việc xổ toẹt vào một xã hội nô dịch, đề cao chủ nghĩa cá nhân, lý tưởng giải phóng cá - thể - người khỏi mọi - người… của Ayn Rand trong Suối nguồn có thể gây ra nhiều cuộc tranh cãi giữa các luồng tư tưởng; nhưng trên hết, nó mang đến sự thú vị cho bất kỳ người đọc nào muốn tìm thấy ở đây một nhân sinh quan khá độc đáo về con người, cụ thể là con người - sáng - tạo. Với kiến trúc sư Howard Roak - nhân vật chính của tác phẩm, sáng tạo là nhu cầu tự nhiên nhất, là mục đích cao cả nhất. Anh chỉ có một niềm tin
- tin vào chân lý của chính mình, không chấp nhận mọi sự phục tùng, phụ thuộc, không tồn tại thông qua bất kỳ ai khác.
Người đọc có thể đồng ý hay không đồng ý với tư tưởng của Rand, nhưng đọc Suối nguồn sẽ hiểu vì sao cuốn sách trên 1.000 trang này đã xoay chuyển cuộc đời của nhiều người Mỹ và được xếp vào tiểu thuyết kinh điển cần đọc.
L.TH.
No comments:
Post a Comment