Monday, December 03, 2007

Thành Troy- sự thực hay/và huyền thoại



Map of Homeric Greece.

(Troy và Hy Lạp thời Homer)

Truyền thuyết thành Troy có lẽ là truyền thuyết nổi tiếng nhất trong lịch sử thể giới, trở thành bất tử nhờ trường ca Illiad vĩ đại của Homer (việc Homer là một người hay một tập thể tác giả truyền tụng từ đời này sang đời khác thì đến nay chẳng có ai biết được). Trước năm 1870, hầu hết các học giả đều cho rằng thành Troy chỉ là một huyền sử, không tồn tại và chưa từng có cuộc chiến thành Troy nào tương tự như trong Illiad cả. Cho tới khi vào khoảng năm 1870, nhà khảo cổ nghiệp dư người Đức Heinrich Schiliemann đã khai quật được dấu vết của thành này, ở Tiểu Á, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Các công trình khảo cổ của Schiliemann và những người kế cận tới nay cho thấy có chín lớp thành Troy trong lịch sử, kể từ khoảng 3000 năm trước công nguyên cho khoảng 100 năm TCN (chú ý là thời La Mã, hoàng đế La Mã Augustus cũng xây dựng lại một thành phố mới trên đất này, cũng lấy tên là Illium- một tên khác của Troy- thành phố này còn tồn tại cho tới tận thời Byzantine).

Map of the Troad (Troas).
Troy

Thành Troy của Homer được cho là lớp thành Troy thứ 7, vào khoảng 1200 TCN, phù hợp về mặt niên đại lịch sử với những gì Homer miêu tả. Ban đầu các công trình khảo cổ cho rằng thành Troy này nằm ở trên đỉnh đồi và về quy mô không thể lớn như được miêu tả trong sử thi của Homer. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy, phần đã được khai quật chỉ là một phần nhỏ của di chỉ Troy VII, và thành Troy trong lịch sử có thể có quy mô gấp 10 so với quy mô theo quan điểm trước đây, và có thể có cả vạn người sinh sống (tức là rất lớn so với quy mô các thành phố vào thế kỷ 13 TCN).

Người Hittite là dân tộc từng lập nên đế quốc Hittite hùng mạnh, từng làm bá chủ Tiểu Á, xâm chiếm Lưỡng Hà, tranh hùng với Ai Cập trong suốt từ thế kỷ 19 TCN tới 12 TCN (chú ý tính thời điểm khá gần với thời điểm của thành Troy). Giải mã một bức thư của vua Hittite gửi cho vua của người Ahhiyawa mà ngày nay người ta cho rằng chính là người Archaens (người Hy Lạp cổ trong chiến tranh Troy), người ta cho rằng thành Troy chính là thành phố có tên là Wilusa ([W]Ilios=Illium=Troy?) trong lịch sử. Trong bức thư có nhắc tới sự kiện xung đột của thành Wilusa với người Archaens. Vua thành Wilusa có tên là Alaksandus, và có thể đó chính là Alexandre của Troy- tức là hoàng tử Paris trong Illiad. Nếu xét về niên đại thì thời điểm của bức thư này cũng trùng hợp với thời điểm của thành Troy trong lịch sử.

Thành Wilusa trong lịch sử là một thành phố độc lập nhưng có quan hệ liên minh với đế quốc Hittite. Trong lịch sử tồn tại của đế quốc Hittite có xảy ra một trận chiến lịch sử giữa đế quốc Hittite và đế quốc Ai Cập là trận Kadesh. Trận đánh này được coi là trận đánh chiến xa lớn nhất ở Ai Cập- Lưỡng Hà cổ đại, xảy ra vào năm 1274 TCN. Hai bên tham chiến trận này với chừng 5000 chiến xa và tổng cộng chừng 50.000 bộ binh. Kết quả trận chiến này gần như là hòa (với thắng lợi chiến thuật không đáng kể của Ai Cập) nhưng dẫn tới sự suy yếu đồng thời của cả hai đế quốc Ai Cập và Hittite.

Trở lại chuyện thành Troy, sau trận chiến Kadesh do Hittite suy yếu nên liên minh Assuwa gồm các thành phố ở Tiểu Á và Lưỡng Hà (trong đó có Troy-Wilusa) là đồng minh và chư hầu của Hittite bèn trở mặt chống lại Hittite. Xảy ra chiến tranh giữa liên minh Assuwa và đế quốc Hittite. Cuộc viễn chinh của người Archaens đánh thành Troy có lẽ cũng xảy ra vào thời gian này. Chú ý là trong Illiad, đoàn quân Hy Lạp không chỉ đánh thành Troy mà còn đánh rất nhiều thành phố khác liên minh với Troy. Bản thân Troy cũng nhận được sự giúp đỡ của các thành phố liên minh, ví dụ như của Menon ở Ethiopia. Tương quan về mặt lịch sử thì có thể đây là chiến tranh giữa liên minh các thành phố của người Archaeans (với tư cách đồng minh của đế quốc Hittite?) và liên minh Assuwa- cựu chư hầu của Hittite- mà Troy là đại diện. Như vậy đó có thể là một phần trong cuộc chiến giữa Hittite và đồng minh với liên minh Assuwa. Phần thắng cuối cùng của cuộc chiến này thuộc về Hittite, nhưng đó cũng chỉ là chiến thắng tạm thời vì Hittite cũng nhanh chóng tan rã sau đó.

Như vậy, dù đây còn là một bức tranh chưa định hình rõ lắm nhưng cũng có thể có những hình dung nhất định về người Troy và bối cảnh lịch sử của họ ở Tiểu Á trong thời kỳ như miêu tả trong Illiad.

The Hittite Empire of Asia Minor in ca. 1300 BC (light red).

Đế quốc Hittie (màu đỏ). Màu xanh thuộc về đế quốc Ai Cập. Wilusa có thể là Troy


Còn về phía những người Hy Lạp trong Illiad, họ là ai? Người Archaeans là liên minh các thành phố- bộ lạc sinh sống ở Achaea, phía bắc bán đảo Peloponnese. Họ thuộc nền văn minh Mycenean, nền văn minh thứ hai ở Hy Lạp sau văn minh Minoan xuất xứ từ đảo Crete. Tôi
nghĩ sự suy sụp của văn minh Minoan và sự kế tiếp của văn minh Mycenean được hình tượng hóa trong thần thoại Hy Lạp chính bằng truyền thuyết về Theseus chính phục quái vật Minotaur ở đảo Crete, biểu hiện cho sự chiến thắng của văn minh Mycenean (ở đây là thành Athens- Theseus được coi là người sáng lập thành này) với văn minh Minoan. Các thành bang nổi tiếng nhất của văn minh Archaens là Athens, Thebes và Mycenea (tên nền văn minh này được gọi theo tên của Mycenea). Thành Mycenea là thành phố hùng mạnh nhất thời này, chứ không phải là Thebes (của Oedipus) hay Athens (của Theseus) hay Sparta (của Menelaus) dù đây cũng là các thành phố rất quan trọng. Thế nên cũng không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu thành Mycenea là Agamememnon cũng đồng thời là thủ lĩnh người Hy Lạp trong chiến tranh Troy.

Có một điều nghịch lý là sau chiến tranh Troy thì nền văn minh Mycenean cũng bị thoái trào và biến mất. Hầu hết các nhà lịch sử học cho rằng đó là hậu quả của việc người Dorian du mục từ phương Bắc tràn xuống các thành phố Hy Lạp, và xóa bỏ văn minh Mycenean- nền văn minh dựa trên thương nghiệp và hàng hải. Cũng từ đó bắt đầu thời kỳ Dark Age vì người Dorian man rợ hơn các cư dân thành phố Hy Lạp cổ. Thành Sparta trở thành trung tâm quyền lực của người Dorian, và con cháu của thần dân vua Menelaus và nàng Helens kiều diễm trở thành các helot, sống kiếp nửa nô lệ. Cũng trong thời kỳ lịch sử Dark Age này, nhà thơ Homer lang thang đi các thành phố Hy Lạp, kể lại câu chuyện về một thời kỳ huy hoàng trong quá khứ, khi văn minh Mycenean còn rực rỡ, và các chiến binh Archaens như Achiles, Ajax, Uylyssey... đã vượt biển tới Tiểu Á để chinh phục các thành bang nơi này.

Các chiến binh Hy Lạp sau chiến tranh Troy, họ đi đâu? Trong huyền thoại Troy, chỉ có rất ít người trở về. Một số còn lang thang xuống tận Ai Cập (ví dụ trong hậu Troy có nhắc tới chuyện Menelaus đi tới Ai Cập).

Theo nhiều nhà sử học, một trong các giả thuyết về người Sea Peoples được nhắc tới trong các văn tịch cổ Ai Cập là người Sea Peoples từng cướp phá Ai Cập- chính là người Archaens. Rất có thể người Sea Peoples chính là những người Archaens bị người Dorian đánh đuổi khỏi Hy Lạp, nên trở thành dân tộc du mục-cướp biển sống lang thang ở bờ biển Tiểu Á và Ai Cập. Cũng có thể người Ionian- người gốc Hy Lạp di cư sang Tiểu Á và lập ra các thành bang ở đây chính là con cháu người Archaens sau khi họ bị người Dorian đánh bại.

Theo giả thuyết vẫn được lưu truyền thì thi sĩ Homer cũng là một người Ionian sinh trưởng ở Tiểu Á. Và Illiad của ông có lẽ là một sử thi để tưởng nhớ về dân tộc Hy Lạp cổ oai hùng trong cuộc viễn chinh lớn nhất của họ, trước khi bị người Doryan đánh bại ở chính quốc.

Về quy mô chiến tranh Troy, có thể trận chiến Troy sẽ chỉ liên quan tới vài nghìn người mỗi bên là nhiều rồi, có thể có nhiều nhất là vài trăm cỗ xe của mỗi bên? Tất nhiên là cả người Hy Lạp và người Troy lúc đó không thể nào có đủ nhân lực và tài sản nhiều như đế quốc Hittie và đế quốc Ai Cập để có thể có được những trận chiến vĩ đại như trận Kadesh với 5000 cỗ xe và 50.000 bộ binh.


Nên nhớ là tới tận thế kỷ 8-9 TCN ở Trung Quốc, chiến trận mà mỗi bên có vài trăm chiến xa cũng là các trận đánh rất lớn rồi. Một nước ở thời Đông Chu được coi là rất lớn khi có được hơn nghìn chiến xa.




The image “http://www.vroma.org/images/mcmanus_images/aeneas_troy2.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.




Các hình khác đều từ Wikipedia

No comments: