Báo Tuổi trẻ cuối tuần có bài phỏng vấn Cao Việt Dũng do Lê Hồng Lâm thực hiện về tác phẩm Những kẻ thiện tâm mới được CVD dịch ra tiếng Việt từ cuốn Les Bienveillantes của Jonathan Littell và sắp có mặt ở các hiệu sách. Ngoài bài phỏng vấn còn có giới thiệu tác giả và trích đoạn tác phẩm, tính ra tổng cộng dài tới 6 trang báo trong số 40 trang, trong đó có ảnh của bạn Cao chiếm 2/3 trang báo, trông khá đẹp trai và trí thức. Cuốn Những kẻ thiện tâm cũng là một cuốn sách dầy, được in 2 tập khổ lớn, độ dày chắc hơn 1100 trang, tôi có nhìn lướt qua bản sách của một người bạn, thấy không dễ đọc chút nào, vì hầu hết là các tự sự miên man của nhân vật chính, một tay sỹ quan SS trí thức đầy mình (cũng lưu ý rằng trong số các tên đồ tể mang sắc phục tử thần của đội quân SS có rất nhiều trí thức đầy mình, giáo sư đại học hay tiến sĩ này nọ, hình như có cả trưởng khoa kinh tế của một đại học danh tiếng của Đức cũng là một sỹ quan cao cấp của SS. Cái này trong cuốn Sự trỗi dậy và suy tàn của đế chế thứ Ba, Shirer có nhắc tới và cho rằng đó là một phần do truyền thống các trường đại học Đức thường có tính chất phò chính thống và ảnh hưởng của tư tưởng Hegel tràn ngập trong giới hàn lâm Đức).
Như vậy trong vòng 2 tuần qua, có hai cuốn sách có độ dày đồ sộ trên 1000 trang được giới thiệu trên báo chí và đã có mặt hay sắp có mặt ở các nhà sách. Cuốn thứ nhất là Suối nguồn dịch từ The Fountainhead của Ayn Rand và cuốn thứ hai là Những kẻ thiện tâm. Suối nguồn được đánh giá là một trong các cuốn sách có ảnh hưởng nhất tới tinh thần và tư tưởng người Mỹ kể từ khi nó ra đời khoảng 50 năm trước- một thứ Thánh kinh cho một người của chủ nghĩa tư bản, với sự đề cao tới mức tôn sùng các giá trị như chủ nghĩa cá nhân, tinh thần sáng tạo và nghị lực con người. Nói tóm lại là một cuốn sách rất Mỹ cho dù tác giả của nó là một người Nga nhập cư, nói tiếng Anh đầy accent Slavic cho tới hết đời (như Greenspan kể lại trong hồi kỳ của ông). Tôi có tham gia cộng tác dịch cuốn này trong một nhóm gồm 5 người dịch và một người tổng hợp và hiệu đính, nhưng phần dịch của tôi là ít ỏi nhất (chừng 150 trang tiếng Việt). Cuốn thứ hai là Những kẻ thiện tâm cũng là một hiện tượng thú vị khác. Tác giả của nó là một người Mỹ viết bằng tiếng Pháp và tác phẩm của ông đã đạt liền hai giải thưởng quan trọng nhất của văn học Pháp là giải Goncourt và giải thưởng Viện hàn lâm Pháp. Việc người Pháp nổi tiếng là trịnh thượng với người Mỹ về mặt văn hóa lại trao các giải thưởng văn học hàn lâm và danh giá nhất cho một người Mỹ tự thân nó cũng là một việc bất ngờ và gây ra sự tò mò nhất định về tác phẩm này. Mặc dù chủ đề trại tập trung và Holocaust từng được khai thác gần cạn kiệt trong văn học thế giới sau thế chiến Hai (có câu gì của bác nào nhỉ, hình như là sau Holocaust thì người ta không thể nói tới văn học nữa) với một loạt các tác giả nổi tiếng nhưng cuốn này có một góc nhìn khá mới mẻ, do không phải từ góc độ của nạn nhân mà là của kẻ tham gia vào việc gây tội ác, một gã Eichmann, một gã Rudolf Hoss của chế độ. Cuốn này hứa hẹn khá thú vị còn ở một ý mà Cao Việt Dũng nêu ra trong bài trả lời phỏng vấn: “Những kẻ thiện tâm được đặt trên hai trục chính: âm nhạc của Bach và triết lý về tội lỗi của Hy Lạp”. Và hình như tác phẩm này chịu ảnh hưởng từ bi kịch Orestes của Euripides (Sartre viết vở kịch hiện sinh nổi tiếng Bầy ruồi cũng dựa trên bi kịch này) kể chuyện Orestes giết mẹ và bị các nữ thần báo oán theo đuổi trừng phạt. Hơi tò mò về triết lý về tội ác được đề cập trong tiểu thuyết này như thế nào. Là sự tầm thường (Hannah Arendt), là định mệnh (Hy Lạp cổ) là sự thể hiện ý chí quyền lực (Nietzsche) hay là thế nào?
Tuy nhiên, để đọc hết 2 cuốn sách dầy trên 1000 trang kia cũng là một thách thức không nhỏ, chưa kể việc bỏ ra chừng 150.000 cho mỗi cuốn.
Thôi, đến giờ ăn trưa rồi.
PS 1: Tôi thích tên sách “Những kẻ thiện tâm”
PS 2: Ngoài bài phỏng vấn CVD còn thấy có bài về phim Cú và chim sẻ của Lâm Lê, đoán cũng là bác Lê Hồng Lâm. Bác Lâm tuần này đại thắng trên báo Tuổi trẻ rồi.
No comments:
Post a Comment