Một số bài về việc Bộ Tài chính “điều chỉnh” tỷ lệ lạm phát. Để tạm đây.
Giá tiêu dùng giảm do... cách tính mới
Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Tá: Theo cách tính mới, CPI 11 tháng chỉ tăng 7,92%
Giá tiêu dùng thực chất tăng bao nhiêu %?
Phải chăng Thống kê Việt Nam đang bị phi chuyên môn hoá?
Định viết cái gì đó về bài này nhưng thôi đọc link bài của TS. Vũ Quang Việt cũng rõ ràng rồi.
Nói chung chuyện này cho thấy việc “nấu” số liệu cho đạt kế hoạch vẫn còn rất phổ biến. Điều lạ là số liệu lạm phát và cách tính mới lại do Bộ Tài chính thông báo chứ không phải Tổng cục Thống kê, trong khi từ trước tới nay công việc tính lạm phát là của TCTK. Vào trang web của TCTK không thấy có thông báo gì về cách tính lạm phát mới. Thực chất thì như TS. Vũ Quang Việt viết, cách tính mới này vẫn được TCTK áp dụng như là cơ sở để tham khảo.
Một vấn đề nữa là xem trả lời của ông Thứ trưởng Tài chính, người đọc vẫn không rõ là đã có thay đổi trong rổ hàng hóa hay chưa. Ông Việt cho rằng đã có thay đổi vì ông tính ra nếu theo cách tính mới thì tỷ lệ lạm phát trước cho 11 tháng năm nay so với trung bình 11 tháng năm trước phải là 8.3% chứ không phải 7.92%. Còn nếu theo cách tính cũ thì tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ là 10.01% và so với tháng 12/2006 là 9.45% theo số liệu của TCTK.
Ông Việt cũng cho rằng việc tính tỷ lệ lạm phát như trung bình các tỷ lệ lạm phát trong các tháng trong năm như cách tính cũ của TCTK là cách thức phổ biến trên thế giới. Ở đây, ý ông Việt còn cho rằng phát biểu của ông Thứ trưởng Tá là sai khi ông Tá nói “Cách tính hiện nay vẫn là cách tính so sánh với chỉ số CPI của tháng 12 năm trước.” trên báo Thanh Niên, vì thực ra TCTK khi tính lạm phát sẽ tính tỷ lệ lạm phát trung bình trong tất cả các tháng của năm sau chứ không phải so tháng 12 năm 2007 với tháng 12 năm 2006 (vì như thế là không tính tới yếu tố thời vụ). Phát biểu của ông Tá nếu vậy là sai về mặt khái niệm tính và do vậy lý do ông đưa ra là cách tính của Việt Nam không theo thông lệ quốc tế cũng là không chính xác.
Ông Tá cũng nói “Hiện nay, cái "rổ" (rổ hàng hóa - PV) để tính CPI cũng không hợp lý vì không có nước nào họ tính nhóm hàng lương thực, thực phẩm lại chiếm tới trên 42% trong các yếu tố để tính CPI như ta.” Câu này của ông Tá cũng võ đoán bởi vì cái chữ “không có nước nào” ở đây không hiểu ông Tá lấy từ đâu? Việc xác định tỷ trọng của lương thực, thực phẩm trong rổ hàng hóa căn cứ vào tỷ trọng chi tiêu của người tiêu dùng đối với cơ cấu hàng hóa dịch vụ. Với trình độ phát triển thấp như ở Việt Nam thì cơ cấu tiêu dùng có tỷ trọng lương thực thực phẩm cao là điều hòan tòan dễ hiểu. Ông Tá không thể lấy rổ hàng hóa của Mỹ để so với Việt Nam được.
Một ví dụ cho thấy phát biểu của ông Tá rằng không nước nào để lương thực, thực phẩm trên 42% là sai:
Đây là rổ hàng hóa để tính CPI của Philippines, một quốc gia có thu nhập trung bình còn cao hơn Việt Nam một mức. Nhóm hàng lương thực, thực phẩm chiếm tới gần 60% trong rổ hàng hóa để tính lạm phát của nước này
Weights for the CPI (1988 = 100)
Commodity Group | Philippines | Areas | Metro |
All Items | 100.00 | 24.42 | 75.58 |
Food, Beverage and Tobacco | 58.47 | 11.84 | 46.63 |
Clothing | 4.35 | 0.87 | 3.49 |
Housing and Repairs | 13.30 | 5.40 | 7.90 |
Fuel, Light and Water | 5.36 | 1.45 | 3.91 |
Services | 10.90 | 3.32 | 7.58 |
Miscellaneous | 7.59 | 1.53 | 6.06 |
Một vấn đề quan trọng nữa là tính định hướng chính trị và sự không rõ ràng về thông tin của các quyết định kinh tế. Liệu việc đột ngột áp dụng cách tính CPI mới và hùng hồn tuyên bố là lạm phát bây giờ “chỉ” chưa đến 8% có phải là một biện pháp nhằm thỏa mãn tính chính trị, nhằm “đạt mục tiêu” lạm phát thấp hơn tăng trưởng? Và ai là người chịu trách nhiệm tính lạm phát- Tổng cục thống kê hay Bộ Tài chính? Cách tính mới được áp dụng từ bao giờ, dựa trên các cơ sở nào? Việc áp dụng cách tính mới này liệu có đòi hỏi phải điều chỉnh các chỉ số lạm phát tính theo cách cũ không, bởi nếu không giữa các chỉ số lạm phát này sẽ không có tác dụng so sánh? Đã áp dụng rổ hàng hóa mới chưa, rổ này như thế nào, căn cứ nào để áp dụng rổ đó? …Có quá nhiều vấn đề liên quan tới một quyết định quan trọng như thế, nhưng người dân hầu như không có một thông tin gì cả, cũng không hề được tiếp cận một nghiên cứu nào có tính chi tiết chút ít về vấn đề này. Chỉ đùng một cái, chúng ta biết rằng lạm phát thực ra cũng không đến nỗi nào, và chuyện tôi mang ghế của mình ra để cá lạm phát không thể lên tới hai chữ số của ông Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cuối cùng cũng không khiến ông mất ghế (tất nhiên) hay phải xấu hổ đỏ mặt đỏ mày (cái này thì có thể)?
Một khi chính sách kinh tế bị thỏa hiệp bởi các quyền lợi cục bộ và vì nhu cầu chính trị ngắn hạn của một ít quan chức thì xem ra sẽ còn nhiều chuyện “buồn cười” mà cũng khó cười được như trên. Cuối cùng thì câu chuyện tổng kết cuối năm vẫn cứ là: tuy vất vả gian lao nhưng cuối cùng lạm phát vẫn cứ hoàn thành kế hoạch, không phụ lòng mong mỏi của các đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội vỗ tay khen bạn lạm phát nào!.
No comments:
Post a Comment