Blog Minh Biện của một nhóm tác giả, trong đó có nhiều người là nghiên cứu sinh hay đã tốt nghiệp Ph.D. ở Mỹ. Blog này hay, sắc sảo, nhiều tri thức. Trước kia trên blog này rất ít cập nhật nhưng gần đây số lượng bài cập nhật khá nhiều, nói chung là nên đọc.
Một chuyện không liên quan, tôi nghĩ liệu có phải du học sinh Việt Nam ngành Luật ở các nước Anh-Mỹ hơi ít đúng không, nhất là học lên cấp tiến sĩ? Ở Pháp thì tôi biết rằng không phải là quá ít. Nhưng có lẽ Việt Nam cũng nên chú ý tới việc đào tạo ngành Luật ở các nước thuộc khối Anh- Mỹ, nơi có triết lý pháp luật khác về cơ bản so với ở châu Âu lục địa. Cũng liên quan là ngành chính trị học, hình như có rất ít sinh viên Việt Nam học sâu về Chính trị học?
Có lẽ với việc quỹ VEF dành cho sinh viên các ngành kỹ thuật và KHCB một cơ hội đáng kể để du học nước ngoài thì nguồn học bổng tiến sĩ của Nhà nước nên chuyển hướng ưu tiên cho những ngành không được cover bởi VEF như các ngành khoa học xã hội và nhân văn, trong đó theo tôi quan trong nhất là các ngành kinh tế, luật, chính trị.
- Đã thấy thông tin so sánh Việt Nam có tỷ lệ đầu tư 40% và tăng trưởng 8% với Đài Loan tỷ lệ đầu tư 26% và tăng trưởng 10% ở trên Vietimes, nhưng không ghi nguồn và được gán cho TS. Vũ Thành Tự Anh. Bài báo cũng phóng cho TS. Tự Anh chức “Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright” trong khi thực ra chức danh của anh Tự Anh là Giám đốc nghiên cứu chương trình này.
- Cũng Vietimes đang đăng loạt bài nói về bi kịch của GS. Phạm Vĩnh Cư, nhưng tôi có cảm giác GS Cư hơi lẫn lộn khi ông gộp vào khái niệm bi kịch cả những tiểu thuyết có tính sử thi như Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm, Bác sĩ Zhivago, thậm chí cả tác phẩm có tính chế nhạo là Nghệ nhân và Margarita. Khái niệm bi kịch nên được giới hạn chỉ trong lĩnh vực kịch thôi, không thể để lấn sang tiểu thuyết được. Ông cũng coi các “kịch phi lí” của Ionesco, Beckett, Adamov như là bi kịch, liệu có hợp lý không? Nhiều nhất cũng chỉ có thể coi nó là bi- hài kịch. Nói chung, chắc chắn nó không có gì chung với các bi kịch cổ điển rồi.
- Đang có ý kiến trái ngược nhau giữa hai chuyên gia kinh tế có tên tuổi về cách tính CPI mới. Một người là TS Vũ Quang Việt, chuyên gia thống kê Liên hợp quốc. Ông Việt cho rằng cách tính CPI cũ là bình thường và vẫn được nhiều nước áp dụng, trong khi ông tỏ ra nghi ngờ con số 7,92% theo cách tính mới. Người kia là TS. Trần Đình Thiên, viện phó Viện kinh tế. Ông Thiên là một trong số khá ít các nhà kinh tế có tiếng nói được chú ý nhiều hiện nay (cùng với Lê Đăng Doanh, Võ Trí Thành, có thể là Nguyễn Đình Cung và Vũ Thành Tự Anh nữa). Theo ông Thiên thì cách tính cũ không hợp với thông lệ quốc tế và việc thay đổi nó là cần thiết. Ông Thiên cũng cho biết là việc nghiên cứ thay đổi đã được thực hiện từ vài năm nay nhưng giờ mới thực sự được “quan tâm” do con số lạm phát cao. Nhưng như vậy có buồn cười không khi người ta thay đổi một chỉ số quan trọng chỉ vì lý do là giờ lạm phát cao? Thế nếu ngày mai, Tổng cục thống kê (TCTK) lại thông báo là theo cách tính mới, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam hiện nay là 15% chứ không phải 8% thì sao nhỉ?
Ý kiến hai người, ai có lý hơn thì tôi không nghiên cứu lạm phát nên không rõ, có bạn nào biết thì chỉ giúp. Nhưng hôm trước có vào mấy trang web về lạm phát của Mỹ thì thấy rằng họ công bố tỷ lệ lạm phát theo tháng, và căn cứ vào chỉ số CPI, với gốc là một thời điểm nào đó. Ví dụ lấy tháng 1 năm 2005 là gốc với chỉ số CPI là 100 thì tháng 10 năm 2007, chỉ số là 150, tháng 11 có chỉ số là 155. Trong khi đó theo trang web của Tổng cục Thống kê thì sẽ có rất nhiều chỉ số phức tạp một cách không cần thiết: tỷ lệ tăng so với tháng trước, tỷ lệ tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ tăng so với tháng 12 năm ngoái, nhưng lại không có chỉ số CPI căn cứ gốc. Việc đó gây nhiều bối rối cho người quan tâm, và tạo ra các tín hiệu khác nhau. Việc thiếu các chỉ số CPI được công bố rộng rãi khiến ngay cả nhà nghiên cứu chuyên nghiệp là ông Vũ Quang Việt cũng nghi ngờ là TCTK sửa số hay sửa rổ hàng hóa, vì áp dụng cách tính mới, ông Việt tính ra thành 8.3% chứ không phải 7,92%. Như vậy, để có thể hội nhập thì có lẽ việc quan trọng hơn là phải chuẩn hóa cả con số CPI cho người quan tâm.
Tuy nhiên công bằng mà nói thì trang web của TCTK vẫn là một trang web khá tốt, có nhiều thông tin, nếu so với các trang web của các bộ ngành khác thì hơn nhiều.
Xem thêm các bài này:
Áp dụng cách tính CPI mới, vì sao?
Phải chăng Thống kê Việt Nam đang bị phi chuyên môn hoá?
Lạm phát cao sẽ để "di chứng" nặng nề
Ở một khía cạnh khác, liệu có khía cạnh chính trị và “an dân” trong các phát biểu của ông Thiên? Như TS Nguyễn Đức Thành từng viết bài nhằm mục đích ổn định thị trường chứng khoán sau vụ bọn gì xui nhà đầu tư rút khỏi Việt Nam?
No comments:
Post a Comment