Dạo này đúng là không thể nghe được nhạc Trịnh, dù vẫn là người thích nghe TCS từ xưa. Có khi đến nửa năm không nghe bài nào của Trịnh hết, từ hồi nghe album mới của em GT. Hôm nay thử nghe một ít Trịnh nhân dịp em gái ông đòi tiền bản quyền làm xôn xao báo giới và kỷ niệm 7 năm ngày mất (nhanh thế, mình ngày một già :( ), nhưng cũng không thể vào được. Cứ cảm thấy gì đó hơi vô duyên. Nhạc đỏ thì từ ngày sang Mỹ đã gần như không thể nghe được (nhưng hôm trước đi chơi nghe trên xe vài bài cũng thấy OK). Phạm Duy, Văn Cao thì chắc cả năm không nghe, đã qua lâu lắm cái thời cảm động khi nghe Ánh Tuyết hát Văn Cao hay Thái Thanh hát Phạm Duy rồi. Giờ thấy nhạc Văn Cao hơi tẻ tẻ, thiếu gần gũi với cuộc sống và con người, còn Phạm Duy thì overdramatic, cày xới cảm xúc người nghe không tiếc sức.
Có bài này trên blog bạn Trương Quý buồn cười phết. Mình cũng chưa bao giờ thích nghe Riêng một góc trời, chỉ thấy overdramatic, sến, vô cảm, phô phang kiểu gì, mọi thứ cứ kéo dài ra não nuột mà không thấy một ly cảm xúc. Nhạc Ngô Thụy Miên thích những bài nhẹ nhàng, ấm áp như Paris có gì lạ không em, Tình khúc tháng Sáu, Mùa thu trong em, Dấu tình sầu, Niệm khúc cuối...chứ rất ghét bài Riêng một góc trời.
Tóm lại là giờ nghe nhạc Việt thì nghe nhạc gì nhỉ. Các bài Quốc Bảo Quốc Biếc thì nghe cứ nhàn nhạt kiểu gì, như người cày không có ruộng đứng giữa đường phố Sài Gòn đông đúc nhờ về cái thời phồn hoa tuổi trẻ phi dê quần loe. Chính ra Việt Nam chưa có một thứ nhạc nào mang tinh thần kiểu Alternative của Tây, một không khí đô thị hiện đại. Rock thì tất nhiên chưa thực sự có, Pop thì rất thịnh hành nhưng vẫn là thứ pop nhàn nhạt nuông chiều cảm xúc người nghe dù là Pop cho tuổi teen (ngày xưa là Ưng Hoàng Phúc, giờ là ai nhỉ), tuổi 20 (Mỹ Tâm, Phương Thanh...), hay Pop cho tuổi 30 (Quốc Bảo, Dương Thụ...).
Cái tinh thần của nhạc Rock, nhạc Alternative, Blues, Jazz hay ngay cả nhạc Folk, Country là tinh thần đứng một mình, lấy mình làm trung tâm, khác với nhạc Pop là cái mình ấy cũng nhạt nhòa với đám đông. Những dòng nhạc trên khó sống ở Việt Nam có lẽ bởi hơi thiếu cái tinh thần đứng một mình ấy. Thực ra âm nhạc tự sự ở Việt Nam cũng không hiếm: nhạc của Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn, Dương Thụ, Trần Tiến, Quốc Bảo... cũng có thể coi là những thứ nhạc tự sự dù cái tôi của những tác giả này không phải lúc nào cũng rõ ràng rành mạch, mà khá dễ bị hòa vào trong cái tôi của đám đông. Người xuất sắc trong số này tất nhiên là Trịnh Công Sơn và đó cũng là lý do ông trở thành nhạc sĩ nổi tiếng nhất- cái tôi trong âm nhạc của ông vừa có tính riêng đặc thù (một Trịnh Công Sơn trong âm nhạc và có thể không nhất thiết giống với TCS ngoài đời) vừa có nhiều điểm chung của thời đại. Về mặt này có thể so sánh Trịnh Công Sơn với một singer-songwriter-poet khác là Bob Dylan, người được coi là mở ra trào lưu âm nhạc tự sự trong nhạc folk. Hiện tượng Trịnh Công Sơn quả thực là một hiện tượng độc đáo và khá khác thường trong nhạc Việt.
Thiếu vắng một cái tôi độc đáo có lẽ là điểm khiến nhạc Việt Nam muôn đời vẫn chỉ là nhạc Pop, dành cho quần chúng, hát cho đồng bào tôi nghe, lãng đãng nước trôi, gió thổi, đêm tối, em cô đơn.
Wednesday, April 02, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment