Ngày xưa vua Hùng ăn bánh chưng, bánh dầy của Lang Liêu xong rồi đẹp lòng mới truyền ngôi cho ông này. May là hồi đó tuy có thi đua sản xuất nhưng vẫn chú trọng chất lượng hàng hóa, thay vì chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá, độn bánh tiến vua nên vua ăn xong không bị đau bụng và Lang Liêu cũng không mang tội khi quân, hay ít ra cũng không bị mang tiếng là lừa cha ăn đồ dzỏm hoặc có dụng tâm đầu độc cha bằng thực phẩm ôi thiu.
Tăng trưởng kinh tế có lẽ cũng giống như làm bánh chưng bánh dầy, cứ làm cho thật to, thật nặng để rồi bánh chưng thì vựa, bánh dầy thì vừa mốc vừa độn mút xốt, ăn vào là đau bụng, táo bón, tiêu chảy cấp. Buồn cười là các bác Đầm Sen còn bảo là lẽ ra không nên ăn (lời phó giám công viên Đầm Sen-“ "Ban tổ chức Lễ hội không nên cắt bánh dầy, vì thực chất họ cũng biết đó chỉ là khối bột nếp tượng trưng giống như những năm trước.”) Thế hóa ra bánh chưng, bánh dầy to nhất chỉ là bánh vẽ? Chắc các bác này nghĩ các vua Hùng đằng nào chết cũng lâu rồi thì thực phẩm ôi thiu tiến cống cũng chẳng hề gì. Chỉ giận là bánh tiến người chết mấy nghìn năm trước (chữ “mấy” dao động từ 2 cho tới 4 tùy quan điểm sử học) thì chỉ có các cụ mới được ăn thôi, sao người sống lại dám ăn- nhất là trong thời dịch tả (hay dịch tiêu chảy cấp, tùy quan điểm dịch tễ học của giáo sư Việt kiều Nguyễn Văn Tuấn hay Bộ Y Tế Việt Nam).
Chính ra các câu chuyện cổ tích thời Hùng Vương có ý nghĩa phết: truyện Lang Liêu là đề cao tính sáng tạo, tạo ra sản phẩm mới, có chất lượng tốt và tạo ra cả thói quen tiêu dùng mới. Truyện An Tiêm là về Marketing và thử nghiệm sản phẩm (chim ăn được thì người ăn được). Truyện Thánh Gióng là bài học tăng trưởng thần kỳ nếu có sự tích lũy đủ nội lực và thời cơ cũng như thử thách đòi hỏi. Truyện Sơn Tinh- Thủy Tinh là bài học cơ bản về lựa chọn: trong điều kiện thông tin không hoàn hảo mà phải chọn giữa một anh buôn gà và một anh buôn vịt thì nên làm thế nào. Trong cuộc thi đua do vua Hùng đặt ra, anh buôn vịt thì thật thà chỉ biết “Có jì dùng jì – Có nấy dùng nấy,” nên phần thắng thuộc về anh buôn gà- anh này đã có thành tích sáng tạo trong việc tạo ra sản phẩm mới (lắp thêm cựa vào gà cho nó bốc). Truyện Chử Đổng Tử- Tiên Dung thì là bài học biết cách đầu tư đúng cách trên cơ sở vốn tự có (tất nhiên vốn tự có ở đây hẳn cũng phải hơn người, trường hợp cụ Chử thì chữ “của quý” đúng nghĩa của nó) và còn nêu lên triết lý sâu sắc: không chỉ chuyện Tái Ông mất ngựa mà còn là triết học Có Có Không Không. Chử Đồng Tử không có khố mà lại thành có vợ, không có của cải mà thành tổ nghề buôn, không có nhà ở mà thành có lâu đài cung điện. Còn truyện Mỵ Châu, sâu xa mà nói cũng nêu lên việc áp dụng chữ tín chưa hẳn đã là tốt, và trong làm ăn thì không được tin bố con thằng nào cả, đến kẻ đầu gối tay ấp còn lừa ta, đến con gái (mà vợ) rút ruột sinh ra còn hại mình….
No comments:
Post a Comment