Ý nghĩa của việc dịch lại một bản dịch?
Bài này trên báo Tuổi Trẻ bàn về hai bản dịch của tác phẩm "Những ngọn nến cháy tàn" của Márai Sándor (Hungary), hiện đang gây ra tranh luận về việc có phải là dịch giả Nguyễn Hồng Nhung đạo dịch của dịch giả Giáp Văn Chung hay không?. Không tìm cách trả lời câu hỏi đó, tác giả Song Anh so sánh hai bản dịch và cho rằng bản dịch của Giáp Văn Chung thuần Việt hơn: "Tuy vẫn còn có đôi hạt sạn, bản dịch này, theo thiển ý của tôi, là một bản dịch rất tài, có hồn, câu chữ nhuần nhị, không bị "Tây" và cứng như nhiều dịch giả mắc phải khi chuyển ngữ một tác phẩm phương Tây."
Ở đây không bàn tới nội dung hai bản dịch này mà chỉ nhân đấy nói lan man về việc dịch thuật. Bài báo cho thấy tác giả ngầm cho rằng một bản dịch hay là một bản dịch không bị "Tây" và nhuần nhuyễn theo tiếng Việt hơn. Đây có lẽ cũng là quan điểm phổ biến đối với việc dịch ở Việt Nam. Tuy vậy, đây không hẳn là một quan điểm phổ biến lắm trên thế giới. Theo một số người, thì việc dịch một bản dịch từ tiếng "Tây" mà khi đọc nó không có cảm giác đọc là "Tây" chưa chắc đã là điều tốt.
Một trường hợp là nhà văn/nhà phê bình Sunsan Sontag. Khi bà này được thông báo là bản dịch tiếng Pháp tiểu thuyết của bà rất nuột nà và được công chúng Pháp ưa thích thì thay vì cảm thấy vui mừng, bà lại cảm thấy phiền lòng. Bà cho rằng bà viết tiểu thuyết đó bằng một thứ tiếng Anh không nuột nà cho lắm vậy mà khi chuyển ngữ lại thành một tác phẩm nuột nà thì đó liệu có còn thực sự là tác phẩm của bà nữa hay không. Vai trò của dịch giả, theo Susan Sontag, là nên trung thành với nguyên tác ở mức cao nhất có thể, không nên gọt đẽo, sửa chữa sao cho tác phẩm trở nên mềm mại hơn là nó vốn thế. Một trong những điều khó chịu nhất của các nhà văn biết ngoại ngữ là khi đọc tác phẩm của mình ở thứ tiếng đó và cảm thấy nó không phải là con đẻ của mình mà chỉ là đứa con hoang do mình vứt ra ngoài đường và người khác mang về nuôi. Nhưng nói khách quan thì hiếm có nhà văn nào lại hài lòng khi đọc bằng tiếng khác tác phẩm của mình. Thà không biết tiếng đó thì đã không sao. Chính vì thế mà một số nhà văn rất kỹ tính khi cho phép dịch tác phẩm của mình ra tiếng nước ngoài. Ví dụ như các bản dịch của Kundera sang tiếng Anh chỉ được phép do một dịch giả thực hiện trên cơ sở làm việc chặt chẽ với tác giả. Trước đây, Kundera từng lên án bản dịch tác phẩm của ông sang tiếng Anh được thực hiện trong thời gian ông còn ở Tiệp và không có khả năng kiểm soát hết việc dịch và xuất bản tác phẩm của mình.
Trong trường hợp sự tiếp cận của các nước nói tiếng Anh với văn học Nga, có thể nói người có công lớn nhất đưa các nhà văn viết tiếng Nga tới với công chúng tiếng Anh là Constance Garnett (1861-1946). Bà đã dịch hàng loạt tác phẩm của các nhà văn lớn Nga, từ Pushkin, Turgenev, Gogol, cho tới Dostoevsky, Tolstoy, Chekov...Công chúng đương thời đánh giá bà rất cao, coi các bản dịch của bà là rất mềm mại, nuột nà, dễ đọc. Danh tiếng và ảnh hưởng của Dostoevsky và của Tolstoy ở châu Âu có lẽ phải kể đến công đóng góp không nhỏ của Garnett. Tuy nhiên, về sau này, bà bị một số người phê phán rất gay gắt, trong đó nổi bật nhất là hai nhà văn Nga lưu vong nổi tiếng Vladimir Nabokov và Joseph Brodsky (giải Nobel). Brodsky nói rằng công chúng tiếng Anh không đọc Tolstoy hay Dostoevsky. Họ đọc Constance Garnett. Người ta cho rằng Garnett đã cắt bỏ những câu chữ mà bà cho là phức tạp, rườm rà trong tác phẩm của những nhà văn bà dịch và sử dụng một thứ văn phong thịnh hành đương thời để áp vào các tác phẩm của các nhà văn Nga. Cũng chính vì thế mà gần đây, hầu hết các tác phẩm của các nhà văn Nga viết bằng tiếng Anh đều được rà soát và dịch lại cho chính xác hơn.
Dịch giả từ tiếng Nga sang tiếng Anh được ưa thích nhất ở Mỹ hiện nay có lẽ là cặp vợ chồng Larissa Volokhonsky và Richard Pevear. Đôi vợ chồng này đã dịch hàng loạt các tác phẩm lớn của Dostoevsky, Gogol, Tolstoy, Chekov, Bulgakov sang tiếng Anh và được nhiều lời khen ngợi từ cả các nhà phê bình và công chúng. Đáng chú ý là người chồng Pevear thậm chí còn không đọc được tiếng Nga, mà chỉ đọc và chỉnh sửa trên bản tiếng Anh do vợ dịch. Bản dịch của hai vợ chồng này được khen ngợi vì chúng rất trung thành với nguyên tác nhưng vẫn dễ tiếp cận với người đọc.
Ở một thái cực khác là những người dịch như Nabokov. Nabokov là nhà văn rất nổi tiếng và nằm trong số ít ỏi các trí thức của thế kỷ 20 có thể đọc, nói, viết một cách thành thạo bằng cả ba thứ tiếng Nga, Anh, Pháp. Nabokov cho rằng dịch phải tuyệt đối trung thành với nguyên tác, và các bản dịch của ông nặng nề, khó hiểu, dầy đặc chú thích đến nỗi hầu như chẳng có ai đọc chúng. Nabokov là dịch giả chủ yếu dịch thơ của Pushkin và Lermontov sang tiếng Anh. Vinh quang của "mặt trời thi ca Nga" không được vinh danh nhiều ở các nước nói tiếng Anh, cũng có thể do việc dịch quá cứng nhắc của Nabokov (bản thân cũng là nhà thơ). Những bản dịch của Nabokov lại được người ta cho rằng thích hợp với những người muốn nghiên cứu cặn kẽ về Pushkin mà không biết tiếng Nga, thay vì đọc với mục đích giải trí thông thường.
Vậy một bản dịch thế nào là một bản dịch hay? Một bản dịch hay có lẽ là một bản dịch đúng với nguyên tác, không làm cho tác phẩm hay hơn hay dở đi, không làm cho tác phẩm có những vẻ đẹp mà nó không có trong nguyên tác hay mất những vẻ đẹp mà nó từng có trong nguyên tác. Các bản dịch của Trịnh Lữ, được nhiều người khen là hay, đẹp và đánh giá cao (hình như ông còn đoạt một giải thưởng dịch thuật) nhưng nếu như đọc Paul Auster hay Murakami, Yann Martel hay Moacyr Scliar mà đều không thấy họ đâu và chỉ thấy Trịnh Lữ trong đó thì không thể nói là Trịnh Lữ là một dịch giả giỏi, và có thể ví ông vời trường hợp của Constance Garnett.
Tất nhiên đó chỉ về nguyên tắc còn trên thực tế luôn phải có sự thỏa hiệp và cân bằng giữa việc trung thành với tác giả và việc làm sao cho người đọc tác phẩm dịch có thể tiếp cận và hiểu đ
ược. Ngoài ra còn phải tính tới khả năng thương mại và quan điểm phổ biến của giới độc giả/phê bình trong nước. Ví dụ trong trường hợp Việt Nam, các độc giả hay các nhà xuất bản sẽ ưa thích các tác phẩm dịch nuột nà, Việt hóa... coi những cái đó là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá một bản dịch, thay vì việc bản dịch đó trung thành với nguyên tác ở mức độ nào. Việc này cũng do truyền thống từ phong cách dịch trước đây, trong đó phóng dịch, trích dịch... là hiện tượng phổ biến (ví dụ Nguyễn Hiến Lê kể ông dịch Chiến tranh và Hòa Bình không cắt tí nào dù có nhiều đoạn ông cho rằng rườm rà, rất chán nhưng cắt tới 1/3 cuốn Kiếp người (Of Human Bondage) của Somerset Maugham vì ông cho rằng những đoạn đó không cần thiết, và ông không cắt Tolstoy trong khi cắt Maugham vì tuy cùng có những đoạn rườm rà, không cần thiết nhưng văn tài của Tolstoy lớn hơn Maugham. Và mặc dù cắt tới 1/3 Maugham nhưng hình như cuốn Kiếp người cũng không ghi là trích dịch?).
PS: Comment này ở blog bác Hoàng Linh, báo Nhịp cầu thế giới (Hungary) nhưng vì có liên quan nên cũng paste luôn ở đây.
Về bài báo của Song Anh. Bài này viết không đủ chặt chẽ, nhưng bỏ qua điều đó. Có điều bài này rất khó hiểu vì người đọc hoàn toàn không biết tác giả là ai: là nhà báo, hay là một nhà nghiên cứu/dịch giả (tức là giới chuyên môn) hay chỉ là một người đọc bình thường. Trong một cuộc tranh luận chưa rõ ràng liên quan tới bản quyền mà việc báo Tuổi Trẻ đăng ý kiến của một người mà không ai biết là ai (và cũng không một lời giới thiệu) như thế xem ra hơi kỳ lạ. Ý kiến của Song Anh cũng không có ý gì ngoài việc tôi đọc và tôi thấy bản dịch của anh C hay hơn chị N. Thế nếu ngày mai lại có một độc giả khác gửi thư viết là tôi đọc bản dịch của chị N thấy hay hơn bản của anh C và trích dẫn vài câu ra để minh họa thì báo Tuổi Trẻ có đăng không?
Ở đây chính là do sự không rõ ràng của báo chí. Nếu ở một tờ báo nước ngoài thì trong một "vụ án' văn học như thế các phóng viên văn hóa sẽ viết bài với tên tuổi rõ ràng và minh định chính xác. Ngoài ra còn có thể có ý kiến minh định từ giới chuyên môn. Bạn đọc hay người quan tâm cũng có thể có ý kiến nhưng sẽ đăng tải ở mục Opinions (Ý kiến bạn đọc). Đằng này lại chình ình ở mục Văn học, một bài viết của "một người quan tâm đến văn học dịch" làm cho người đọc báo cũng khó hiểu chẳng biết đường nào mà lần.
Saturday, April 12, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment