Sunday, April 13, 2008

Entry for April 13, 2008

Talawas chủ nhật khởi đăng cuốn "Vòng tròn ma thuật" (Darkness at Noon) của Arthur Koestler, dịch giả Phạm Minh Ngọc. Đây là cuốn tiểu thuyết kinh điển về việc Stalin thanh trừng các cán bộ Bolshevik cũ và trong quân đội vào năm 1938, mà hậu quả của nó về sau được Khrushev nhắc tới trong bản báo cáo nổi tiếng "Về sùng bái cá nhân và các hậu quả". Không hiểu việc chọn tên sách là "Đêm giữa ban ngày" của Vũ Thư Hiên có chịu ảnh hưởng bởi tên cuốn sách này không.

Nhân vật chính cuốn sách là Rubashov, một đảng viên Bolshevik lão thành tham gia cách mạng từ trước năm 1917 sau đó hoạt động quốc tế ở các nước khác (đáng chú ý là trong cuốn sách không một lần nhắc tới tên Liên Xô, Cộng sản hay những cái tên như Lenin, Stalin, Trosky, Bukharin... nhưng người đọc vẫn có thể hiểu là tác giả muốn nói tới Liên Xô thời Stalin). Rubashov bị bắt giữ và bị tra vấn trong chiến dịch thanh trừng của nhà nước mà do ông góp phần xây dựng. Cuốn sách mô tả rất lạnh lùng, sắc sảo những diễn biến tâm lý của Rubashov trong quá trình ông bị tra khảo.
Rất đáng đọc.
Bản thân cuộc đời tác giả cuốn sách Arthur Koestler cũng như một cuốn tiểu thuyết. Ông thuộc nhóm các nhà văn Trung Âu lớn lên trong sự tan rã của đế quốc Áo-Hung và là người Do Thái (giống như Kafka). Từng hoạt động nhiều năm cho đảng cộng sản Đức, là một nhân viên cao cấp của Quốc tế cộng sản, ông rời đảng cộng sản năm 1938 sau chiến dịch khủng bố của Stalin mà không chỉ các đảng viên Liên Xô mà rất nhiều người của Quốc tế cộng sản cũng trở thành nạn nhân. Sau đó ông gia nhập quân tình nguyện chiến đấu ở Tây Ban Nha và bị quân phát xít bắt và kết án tử hình nhưng may mắn thoát chết. Ông bôn ba ở châu Âu trong những năm thế chiến, gia nhập quân đội Anh và thành công dân Anh. Sau chiến tranh, ông viết nhiều tác phẩm chống lại chủ nghĩa toàn trị và có xu hướng thần bí học. Năm 1983, ông tự tử cùng vợ thứ ba (trước đó, ông đã có giao kèo với vợ trước khi cưới là hai người sẽ cùng tự tử với nhau). Vì việc này ông cũng bị nhiều người lên án vì tuy trước lúc tự tử, ông đang bệnh nặng nhưng vợ ông thì khỏe mạnh.
Ông cũng nằm trong số những nhà văn có thể viết được nhiều thứ tiếng. Ông viết thành thạo các thứ tiếng Đức, Hung, Anh, Pháp.

Vòng tròn ma thuật





Lời người dịch

"Đây là bản dịch tác phẩm Darkness at Noon, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Arthur Koestler, đã được nhà xuất bản Random House xếp thứ 8 trong 100 cuốn tiểu thuyết hay nhất trong thế kỷ XX. Người dịch cho rằng sẽ rất hợp lý nếu chuyển ngữ tên tác phẩm này thành Đêm giữa ban ngày nếu như trước đó chưa có một tác phẩm đã rất nổi tiếng cùng tên của nhà văn Vũ Thư Hiên. Nhưng những độc giả có đủ kiên nhẫn đọc hết tác phẩm cũng như lời bạt thì sẽ thấy rằng Vòng tròn ma thuật hoàn toàn không phải là ngẫu hứng của người dịch, đấy là tên nguyên bản bằng tiếng Đức (đã thất lạc) do chính A. Koestler chọn, còn tên của bản tiếng Anh lại do nữ dịch giả Daphne Hardy đặt ra sau này (bản tiếng Pháp tác phẩm này lại có tên là Số không và vô cực, còn trong bản tiếng Nga lại là Tối đến loá mắt).



Xin được nói thêm đôi lời về tác giả A. Koestler. Ông là người gốc Do Thái, sinh năm 1905 tại Budapest, thời thanh thiếu niên ông sống và học tập ở Hung, Áo và Đức. A. Koestler tham gia tích cực vào những cuộc xung đột xã hội và tư tưởng chủ yếu của thời đại mình. Trở thành đảng viên cộng sản trong những năm 1930 và đã đi thăm Liên Xô một thời gian, thất vọng và ra khỏi Đảng vào năm 1938. Cuối năm đó ông bị lực lượng phát-xít Tây Ban Nha bắt và bị kết án tử hình. Được tha vào phút chót nhờ sự can thiệp của chính phủ Anh, ông đến Pháp và năm sau thì lại bị bắt vì quan điểm chính trị. Sau khi được tha vào năm 1940 ông đến Anh và sống ở đây đến cuối đời. Những cuốn tiểu thuyết, những bài phóng sự cũng như các tác phẩm viết về văn hoá và chính trị đã đưa tên tuổi ông thành một trong những nhà bình luận quan trọng nhất về những nan đề của thế kỷ XX. Ông mất năm 1983.


PS: Đọc talawas thấy các trí thức Việt Kiều: Đoàn Cầm Thi, Nguyễn Đăng Thường, Phan Nhiên Hạo....tranh cãi quanh vụ ảnh cái chân và cái đít của ông Đỗ Kh có phải nghệ thuật không buồn cười quá. Nguyễn Đăng Thường thì bảo Đoàn Cầm Thi nhắng nhít ngợi ca cái đít Đỗ Kh. Đoàn Cầm Thi thì bảo "
Nguyễn Đăng Thường bị ám ảnh bởi “đít” và Phan Nhiên Hạo thì vào chửi hôi cả họ Đoàn lẫn họ Đỗ. Các bác Việt kiều này chửi nhau xem ra còn kém các bạn Tathy, cũng dâm đãng nhưng kém phần hào hoa (trí tuệ thì nói chung chả chỗ nào có mấy rồi).


No comments: