Số bản in và uy tín sách
"TT - Cho đến tháng 3-2008, thông tin từ phía Nhà nước cho thấy thị trường sách VN vẫn còn đang nhập siêu, với mức chênh lệch giữa xuất nhập khẩu sách báo năm 2007 là: xuất khẩu 2,5 triệu USD/nhập khẩu 8,7 triệu USD.
Tại sao sách ở VN không thể nâng cao số lượng bản in? Điều này chưa từng được đặt ra để tìm phương hướng giải quyết tại các cuộc hội nghị giao ban xuất bản của cơ quan quản lý nhà nước. Có lẽ người ta nhìn nhận vấn đề này ở sự điều tiết của thị trường. Nhưng trong nhiều năm qua, thị trường sách VN đã không có khả năng điều tiết số ấn bản sách một cách lành mạnh. Trong bối cảnh hiện tại, khi có những tựa sách nóng sốt, bán chạy, số lượng bản in vẫn ghi ở mức vài nghìn cuốn. Điều này tạo ra một khoảng trống giữa cung - cầu và trở thành mảnh đất màu mỡ cho hoạt động in lậu."
...
Trong khi đó, các thương hiệu sách tư nhân mới nổi lên gần đây cũng chỉ lấy chất lượng làm thương hiệu, và việc ấn định số bản in cũng rất dè dặt do không đo lường được thị trường và nhất là khâu phát hành luôn thiếu chủ động. Và cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản cũng không có ý tưởng gì cho việc này.
Chúng ta đang làm nên những bản sách tốt, đang săn tìm các sách hay để dịch và xuất bản, đang huy động các tác giả thực hiện nhiều bản thảo có giá trị... Nhưng những điều ấy vẫn còn đọng lại một nỗi buồn: sách in ra quá ít, sách lậu lan tràn. Khối tư nhân đang có ý thức xây dựng các thương hiệu sách, trong đó uy tín của mỗi thương hiệu là phần tài sản vô hình mà ai cũng chú ý. Nhưng điều này sẽ hợp lý hơn khi mỗi thương hiệu của đơn vị làm sách phát triển trong một thị trường có thương hiệu. Cho đến nay, điều này vẫn còn xa vì cách thức tạo uy tín bằng nâng cao số lượng bản in cho một thị trường sách đến nay vẫn chưa ai tính tới."
Thế ý của tác giả Lam Điền là sao? Là cơ quan nhà nước ra chỉ thị in sách với số lượng lớn hơn để khắc phục thất bại của thị trường tư nhân? Hay là nhà nước tài trợ để tư nhân hay nhà xuất bản in sách với số lượng lớn?
Bán sách thì cũng như đi câu, có quyển bán chạy thì sẽ nhanh chóng được tái bản, nếu dự kiến bán chạy thì sẽ được xuất bản với số lượng lớn, có quyển bán ra dù chỉ 1000 quyển vẫn lay lắt không bán hết, ở đâu cũng vậy thôi, Việt Nam hay Anh, Mỹ, Pháp thì đều thế....Vai trò của cơ quan quản lý trong chuyện này chỉ là việc nhanh chóng tạo điều kiện để tư nhân hay các nhà xuất bản xuất bản và tái bản sách một cách thuận tiện với số lượng in như họ muốn. Chứ không phải là cơ quan nhà nước quyết định hay can thiệp vào quyết định về số bản in sách, nhằm gây uy tín cho sách!.
Hơn nữa, với các thị trường sách kém phát triển như Việt Nam thì việc nhập siêu sách báo là điều đáng mừng chứ không phải đáng lo ngại. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang ở thế tiếp nhận tri thức của thế giới.
Trong bài có một ý là vì cung-cầu không cân bằng, các nhà xuất bản in sách ít quá so với nhu cầu người đọc nên mới xảy ra nhiều sách lậu. Ý này thật rất vớ vẩn, tớ không nghĩ việc cung ứng sách ở Việt Nam lại quá mức xơ cứng để cho người tiêu dùng không mua được sách thật nên phải mua sách lậu. Vấn đề ở đây có hai khía cạnh, thứ nhất là số bản in ghi ở sách là sai, và các nhà sách tư nhân cố tình in nhiều hơn số bản in đó (lý do là gì thì tôi không rõ), tức là “lậu” so với số bản in được ghi. Nếu thế thì cách giải quyết là xét lại khâu lưu thông, tại sao lại để xảy ra chuyện đó. Thứ hai là sách lậu theo nghĩa sách giả, được in lậu, nhái trên thị trường các sách bán chạy. Cách giải quyết thì không có gì khác là pháp luật và kiểm tra chặt khâu lưu thông, phân phối.
Bài báo này theo tôi đặt vấn đề sai và giải quyết vấn đề cũng sai nốt. Có thể người viết hoài nhớ về cái thời bao cấp, sách in 2-3 vạn bản trên giấy đen ngòm và cả nước, từ chốn thành thị tới nơi nông thôn, ai cũng đọc những quyển sách giống nhau?
No comments:
Post a Comment