Dạo này thấy Orhan Pamuk có vể được lăng xê khá kỹ trên báo chí Việt Nam, chắc do việc Nhã Nam xuất bản một loạt các tác phẩm của ông này, thậm chí còn tổ chức hội thảo về ông. Pamuk là một tác giả quan trọng nhưng có lẽ khó bán chạy được, văn ông này đơn giản nhưng thuộc loại khó nhằn, đòi hỏi độc giả phải kiên nhẫn. Ví dụ Tên tôi là Đỏ xoay quanh cả chục nhân vật xưng tôi rồi kể 101 câu chuyện lan man từ việc ông nghệ nhân tên là XYZ gì tự chọc mù mắt 300 năm trước cho tới ông nghệ nhân ABC đi lang thang sau khi người Thổ Nhĩ Kỳ đánh nhau với người Ba Tư sau khi người Ba Tư bị thua người Mông Cổ....Mà nghe nói Tên tôi là Đỏ còn được coi là tương đối dễ đọc so với các cuốn như Tuyết hay Sách đen của Pamuk. Lâu đài trắng thì mỏng nên chắc cũng không khó đọc lắm. Tôi thì mới đọc Tên tôi là Đỏ và Istanbul. Không biết Istanbul có sắp xuất bản ở Việt Nam không, theo tôi đây là một cuốn rất hay, vừa thể loại memoir vừa là hồi ức về một thành phố. Trong sách còn có những bức ảnh đen trắng rất đẹp chụp thành phố Istanbul, và những miêu tả của Pamuk về Istanbul cũng rất đẹp. Pamuk viết về Istanbul như một nghệ nhân tiểu họa, vừa chứa chan tình cảm nhưng lại như giữ một khoảng cách nào đó với thành phố ấy (cái thành phố đổ nát, hoang hóa, mang trong mình những bóng ma của một thời vĩ đại là trung tâm của đế quốc Ottoman hùng mạnh, và đang dần tự đổi mình hiện đại hóa thành một thành phố hiện đại tầm thường), cũng như tuổi thơ của mình- vừa là mình mà cũng vừa không phải là mình.
Đọc Never Let Me Go (Mãi đừng xa tôi) sau khi được sự giới thiệu nhiệt tình của một số bạn. Cảm giác hơi mixed feeling. Đọc xong không rõ là cuốn sách đó hay hay là dở, buồn hay là buồn ngủ nữa (vì ngủ gật một số lần trong khi đọc). Mãi đừng xa tôi là một cuộc Chờ đợi Godot, nhưng là một sự chờ đợi dai dẳng, vô vọng, tội nghiệp và buồn thăm thẳm chứ không có tính hài hước nhạo báng và tự thương xót như trong cuộc chờ đợi của Beckett. Đó là sự đổ vỡ của một thế giới xưa cũ, cái thế giới của những giai điệu yêu đương nhẹ nhàng, đơn giản "Never let me go, never let me go, baby, baby.", của tuổi thơ buồn mênh mang nhưng cũng hạnh phúc và trong sáng, là sự giã biệt kỷ niệm để đến với sự tầm thường, mệt mỏi, buồn bã, vô vọng và kết thúc.
Tuesday, April 08, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment