Cách đây một vài tuần, nhà thơ Lê Đạt, một thành viên quan trọng của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm qua đời. Ông bị cấm xuất bản trong gần 40 năm.
Sự kiện Nhân Văn Giai Phẩm từ 50 năm trước là một vết nhơ trong nền văn nghệ Việt Nam. Chưa từng có thời kỳ nào trong lịch sử, văn nghệ sĩ bị trừng phạt vì ngòi bút của mình như thế. Nếu tôi nhớ không lầm thì trường hợp duy nhất thời phong kiến là vụ Nguyễn Văn Thuyên, con trai Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành bị xử tử vì viết thơ có ý phản. Và đó là thời Gia Long, vị vua khắc nghiệt và đa nghi bậc nhất thời Nguyễn.
Nhưng ngay cả trong thế kỷ 21 thì những sự kiện như Nhân văn giai phẩm cũng không phải là quá hiếm. Chẳng hạn là vụ cấm thơ Trần Dần, dẫn đến việc hơn một trăm trí thức, nghệ sĩ ký tên phản đổi. Và mới đây là việc đạo diễn Song Chi bị cấm làm phim bằng một thứ lệnh miệng của một cấp nào đó. "Tội lỗi" của chị là gì? Chỉ là việc chị có mặt trong những người biểu tình phản đối Trung Quốc lấn chiếm Trường Sa- Hoàng Sa ở trước cửa nhà hát Thành phố. Và việc chị viết trên blog cá nhân của mình, bày tỏ những suy nghĩ của chị về các vấn đề chính trị-xã hội của đất nước. Những bài viết của chị theo tôi, hoàn toàn không cực đoan và rất chân thành, thể hiện sự quan tâm của một công dân đối với tình hình đất nước. Cái án của chị là "có vấn đề về chính trị, phức tạp về mặt tư tưởng...".
Và đó đã là nửa thế kỷ sau Nhân Văn Giai Phẩm.
Vâng, chúng ta đang sống trong một xã hội đơn giản, với tư tưởng đơn giản. Vì thế, cho nên "phức tạp về mặt tư tưởng" cũng là một cái tội (dù không được ghi trong luật nào).
Monday, May 12, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment