Friday, May 30, 2008

Entry for May 30, 2008

Bài này của TS. Lê Hồng Giang đăng trên Minh Biện phân tích các sai lầm của NHNN trong việc đối phó với lạm phát đáng chú ý.

Người cho vay cuối cùng và lòng tin vào ngân hàng trung ương

...

"Cũng như FED, NHNN Việt nam được trang bị chức năng LOLR với lãi suất tái cấp vốn như một cứu cánh cho các NHTM khi gặp khó khăn thanh khoản. NHNN cũng có chức năng giám sát cẩn trọng (prudential supervision) đối với các NHTM và cũng nắm quyền điều hành tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tỷ lệ vốn tự có trên tổng tài sản. Việt nam cũng đã thành lập cơ quan bảo hiểm tiền gửi độc lập cách đây vài năm với hình thức hoạt động giống hệt như FDIC. Nhìn chung, khung khổ pháp lý và cơ chế vận hành của NHNN và hệ thống tiền tệ của Việt nam đã được học hỏi và kế thừa kinh nghiệm của nhiều ngân hàng trung ương tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên điều mà NHNN Việt nam còn thiếu là sự tin tưởng của người dân và các NHTM vào khả năng cũng như sự nhất quán của mình.

Đầu tháng 2/2008, sau khi số liệu về lạm phát năm 2007 và tháng 1/2008 được công bố gây sửng sốt trong dân chúng và cả nhiều nhà hoạch định chính sách, NHNN đã đột ngột thắt chặt chính sách tiền tệ làm tình hình thanh khoản trong hệ thống ngân hàng xấu đi nhanh chóng. Với tình hình lạm phát cao, nhiều khả năng bắt nguồn từ nguyên nhân nới lỏng tiền tệ trong những năm trước đó như nhiều nhà kinh tế đã chỉ ra, thắt chặt tiền tệ vào lúc này là một chính sách đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên cách thức thực thi chính sách này của NHNN đã tạo ra một cú sốc lớn trong hệ thông ngân hàng vì nó quá bất ngờ và quá quyết liệt.

Ngay cả trong các cuộc khủng hoảng, FED đã từng cắt hay tăng lãi suất quá 1% trong một lần thay đổi Fed funds rate. Thường một chu kỳ cắt hay tăng lãi suất được rải đều trong khoảng 5-15 lần thay đổi, mỗi lần từ 0.25% đến 0.5%. Việc giãn các thay đổi lãi suất như vậy giúp các NHTM có thời gian thích ứng với môi trường tiền tệ mới mà FED mong muốn và giúp cho sự phân bổ lại thanh khoản trong nền kinh tế với tình hình lãi suất mới không xảy ra quá đột ngột. Bên cạnh việc giãn các hoạt động cắt hoặc tăng lãi suất, FED còn tìm cách “gợi ý” cho các NHTM biết trước xu hướng điều hành tiền tệ của mình bằng các thông báo về quan điểm tiền tệ (policy stand) trong các biên bản họp được công bố ra công chúng và những phát biểu có tính toán của các quan chức FED. Ví dụ, vào thời điểm hiện tại (tháng 5/2008) giới tài chính ngân hàng Mỹ đã nhận được tín hiệu về việc chấm dứt chu kỳ cắt giảm lãi suất thông qua một số phát biểu của các quan chức FED như Donald Kohn hay Frederic Mishkin và qua biên bản cuộc họp cắt lãi suất cuối cùng của FOMC.

Rất tiếc trong đợt thắt chặt tiền tệ vừa rồi NHNN chưa học được cách xử lý khéo léo như FED và cuộc khủng hoảng thanh khoản hiện thời là hậu quả tất yếu của sự vụng về của NHNN Việt nam. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các NHTM và các doanh nghiệp có các hoạt động tín dụng vào thời điểm này, nó còn làm sói mòn uy tín của NHNN trong mắt các NHTM và cả trong dân chúng. Kể từ đây, các NHTM sẽ phải luôn dè chừng những thay đổi chính sách đột ngột như vậy của NHNN và sẽ phải để thêm một khoản dự phòng cho những cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai. Vì cuộc khủng hoảng thanh khoản đã làm tăng mức độ rủi ro của hầu hết các NHTM, cũng kể từ đây các khoản cho vay sẽ phải mang thêm một khoản phí rủi ro (risk premium) không đáng có, làm tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng khi phải vay tiền từ ngân hàng.

Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra cuộc khủng hoảng thanh khoản, NHNN sau đó đã rất lúng túng khi xử lý nó và cuối cùng đã quay lại với cách thức điều hành bằng mệnh lệnh hành chính của thời kỳ bao cấp. Việc áp đặt lãi suất trần huy động 12%/năm dường như là một biện pháp đối phó vội vàng của NHNN nhằm ngăn chặn cuộc chạy đua lãi suất huy động của các NHTM. Biện pháp này vừa làm cuộc khủng hoảng thanh khoản thêm xấu đi vừa đi ngược lại những cố gắng thắt chặt tièn tệ mà NHNN mới thực hiện trước đó. Đáng lý ra, cuộc khủng hoảng này có thể được giải tỏa nhanh chóng nếu NHNN thực hiện đúng chức năng LOLR của mình cho tất cả các NHTM có nhu cầu tăng thanh khoản. Tuy nhiên vì một lý do nào đó, mà rất có thể là sức ép từ phía chính phủ không muốn tăng lãi suất lên nữa để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, đã ngăn cản NHNN thực hiện chức năng LOLR của mình.

Đến thời điểm này, NHNN đã tăng lãi suất tái cấp vốn lên 13%/năm nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy NHNN sẽ mở cửa cho tất cả các NHTM vay với lãi suất này một cách tự do và bình đẳng. Ngay cả việc tái chiết khấu trái phiếu chính phủ, các NHTM nhỏ cũng bị thiệt thòi rất nhiều khi NHNN đưa ra hình thức đấu thầu theo khối lượng. Dường như NHNN đang cố gắng áp đặt cả lãi suất lẫn lượng thanh khoản lưu thông trong hệ thống quá xa khỏi điểm cân bằng (equilibrium), điều mà chỉ có thể thực hiện được nếu NHNN tiếp tục can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính. Tất nhiên, sau một thời gian, hệ thống ngân hàng và nền kinh tế sẽ tự điều chỉnh để thỏa mãn các yêu cầu của NHNN nhưng cái giá phải trả sẽ là sự méo mó (distortion) trong phân bổ nguồn lực (mà ở đây là nguồn vốn) cho nền kinh tế. Đây cũng là một bước lùi trong công cuộc cải tổ nền kinh tế Việt nam theo hướng thị trường và làm suy giảm lòng tin của dân chúng và doanh nghiệp vào NHNN."

No comments: