Người nông dân gửi thư cho Thủ tướngBức thư nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều độc giả, hầu hết đều khen ông dũng cảm. Chẳng hạn, có độc giả viết
"Khi 1 người nông dân "dám" gửi thư cho Thủ Tướng để bày tỏ nỗi thống khổ không chỉ của riêng mình mà cho mọi người nông dân trên đất nước VN này, đó thật sự là 1 người dũng cảm và chính là tiếng nói sự thật của hiện thực nông thôn ngày nay."
hay
"Tôi rất cảm phục hành động của bác Lê Văn Lam, một người nông dân rất bình thường, chân chất, giản dị đã dũng cảm lên tiếng cho bà con quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời", dù biết rằng điều đó chỉ là bật một "que diêm trong bóng tối".
Nghĩ cũng buồn, khi mà trong xã hội việc viết thư cho Thủ tướng từ một người không phải là dân oan, không phải đang kiện cáo được coi là hành động dũng cảm. Tôi nói như thế không phải phủ nhận sự dũng cảm của ông nông dân, đúng là khi viết thư cho Thủ tướng, có thể chính quyền địa phương sẽ tìm cách hoạnh họe ông. Nhưng trong một xã hội dân chủ thì việc một công dân viết thư cho nguyên thủ là việc bình thường (còn nguyên thủ có đọc thư ông ta hay không thì lại là việc khác) chứ không được coi là hành động dũng cảm. Trên trang web của các nhà lãnh đạo, các nghị sĩ thường có địa chỉ thư tín và cả điện thoại để các công dân nêu các thắc mắc của mình, và yêu cầu sự giúp đỡ nếu cần. Nhưng trong những vụ việc như thế này, thông thường người dân sẽ liên hệ với vị dân biểu đại diện cho nơi mình sống chứ không gửi thư trực tiếp cho người lãnh đạo hành pháp. Còn ở Việt Nam thì hầu hết người dân không có lòng tin vào vai trò của các đại biểu Quốc hội.
Việc gửi thư cho Thủ tướng thực ra là một việc bình thường ở các nước phát triển. Nhưng ở Việt Nam thì việc làm như thế lại thành "dũng cảm".
Ông Lam là người dũng cảm nhưng những dân oan biểu tình nằm ngồi trước cửa Văn phòng Chính Phủ, Văn phòng Trung Ương Đảng, Văn phòng Quốc Hội hẳn cũng là người dũng cảm, thậm chí còn dũng cảm hơn vì họ gặp phải sự đối xử thô bạo của công an và cả sự thờ ơ của báo giới trước việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi của họ. Nhưng báo chí có bao giờ (dám) viết về họ? Những người khởi đơn kiện giúp họ còn bị bỏ tù.
Mà ở Việt Nam, cái gì cũng đổ vào đầu Thủ Tướng, từ vụ em Vàng Anh (phê bình của Thủ Tướng với VTV về chương trình Vàng Anh chia tay), cho tới việc VNN tách khỏi VNPT...
Hình như có một cuốn sách bán khá chạy ở Việt Nam là cuốn "Tôi nói thật với Thủ Tướng" với tác giả là một cán bộ xã ở Trung Quốc. Xem ra việc dân thường dám "nói thật với Thủ Tướng" quả là hành động hiếm hoi, cả ở Trung Quốc và Việt Nam.
Nhớ tới bài "Nói" của Yevtushenko: "Khi sự chính trực bình thường cũng giống như lòng can đảm"
Nói
Yevgeny Yevtushenko
Anh là người can đảm, họ bảo tôi.
Không phải.
Can đảm chưa bao giờ là phẩm chất của tôi
Chỉ có điều tôi nghĩ
Thật bất công nếu tự hạ mình như nhiều kẻ khác.
Có những nền móng chẳng được phép lung lay.
Và giọng của tôi không làm gì hơn là
Cười nhạo những dối lừa rỗng tuếch;
Tôi không làm gì hơn viết, tôi không tố giác ai,
Không tự gạch bỏ những gì tôi nghĩ,
Tôi bảo vệ những người xứng đáng,
Và gọi đúng tên những kẻ bất tài
(làm điều dù sao cũng phải làm).
Và giờ đây họ bảo tôi rằng tôi can đảm.
Con cái chúng ta sẽ phải xấu hổ nhường nào
Khi cuối cùng chúng được báo đáp cho những nỗi khiếp sợ này
Chúng sẽ nhớ về cái thời kỳ lạ
Khi sự chính trực bình thường cũng giống như lòng can đảm
+ Trong bài này trên SGTT, một người Việt là cộng tác viên báo SGTT đã gọi điện thoại cho cả chục vị Thượng nghị sĩ Mỹ để tán róc là họ có đồng ý ra tranh cử phó Tổng thống nều được mời không.
Hỏi thăm các thượng nghị sĩ
No comments:
Post a Comment