Saturday, May 17, 2008

Entry for May 17, 2008

Bài trả lời đài RFA của ông Dương Trung Quốc: đọc xong chả hiểu quan điểm ông ấy thực sự là gì.


Sử gia và nhà báo Dương Trung Quốc thận trọng đối với dư luận về hai nhà báo bị bắt

Việt Hùng, phóng viên đài RFA
2008-05-16

Việc hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị cơ quan công an khởi tố bắt giam do họ viết bài phanh phui vụ án PMU 18 đã không chỉ gây sửng sốt trong dư luận mà ngay cả với những đối với những đồng nghiệp tại Việt Nam.

Ông Dương Trung Quốc, một nhà sử học và hiện là đại biểu Quốc hội Việt Nam, và cũng là Tổng Biên tập tạp chí Xưa & Nay nhận định về việc này với phóng viên đài RFA Việt Hùng:


Ông Dương Trung Quốc: Có lẽ không phải riêng tôi mà dư luận xã hội rất quan tâm. Chúng tôi còn có tình cảm nghề nghiệp, bản thân tôi cũng là người làm báo. Hai nhà báo từng tham gia việc phanh phui vụ PMU 18 có thể nói cách đây chỉ một thời gian không lâu vẫn được anh em chúng tôi coi là biểu tượng của những người chống tham nhũng và cùng với hai nhà báo này không thể không nói đến một số sĩ quan bên ngành an ninh cũng tham gia vào việc điều tra này.

img
Đại biểu Quốc Hội và nhà báo Dương Trung Quốc. photo courtesy of wikipedia

Việc những người nói trên bị bắt vào thời điểm này làm mọi người hết sức là sửng sốt. Mặc dầu được giải thích rõ ràng về tội danh, nhưng tội danh ấy trớ trêu thay lại là tội danh dành cho kẻ tham nhũng.

Việc bắt giữ này xảy ra vào thời điểm Quốc hội đang họp cũng như thời điểm đang có những sinh hoạt quốc tế rộng lớn ở Việt Nam đó là Đại lễ Vesak 2008 tại Việt Nam, đó là điều không bình thường. Rõ ràng những lời giải thích đưa ra cho việc bắt hai nhà báo này chưa có sức thuyết phục với đông đảo quần chúng. Vừa bất ngờ về lôgíc hình thức người từ cực này sang cực kia.

Về tình đồng nghiệp thì chúng tôi hết sức chia sẻ với hai tờ báo lớn Tuổi Trẻ và Thanh Niên cũng như với cá nhân hai nhà báo.


Việt Hùng:
Việc hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải mà ông gọi là đi đầu trong việc chống tham nhũng trong vụ PMU 18. Do đâu mà lại “lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước…”.

Ông Dương Trung Quốc: Ở đây những vấn đề liên quan đi sâu vào pháp luật thì tôi không muốn giải thích mà tôi chỉ muốn nói rằng việc hai nhà báo này tham gia vào việc chống tham nhũng trong vụ PMU 18 có lẽ cũng không ai đề cập lật lại vấn đề, nhưng trong đó có một chi tiết hành nghề là việc khai thác những nguồn tin được gọi là không chính xác, mặc dù nguồn tin đó sau đó đã được công khai cải chính trên chính các tờ báo đã đăng.

Điều quan trọng nữa mà chúng tôi cũng hơi băn khoăn về vụ PMU 18 cho đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng, tức là những cái gọi là bí mật vẫn chưa được rõ thì làm sao dư luận xã hội hiểu được cái bí mật đó như thế nào?

Đây cũng là câu hỏi đứng về nghề nghiệp chúng tôi cũng rất quan tâm, bởi vì theo tôi biết những cái được gọi là “lộ bí mật” tức là liên quan đến những nhân vật có hành vi tiêu cực thì cho đến giờ cũng chưa ai biết thực hư như thế nào? nhiều hay ít? Và những con số được đưa lên báo của hai nhà báo này thì sau đó cũng được cải chính từ nguồn tin chính thức của cơ quan điều tra, cho nên việc quy kết cho đó là biểu hiện vi phạm thì tôi nghĩ chắc chắn việc này luật pháp phải vào cuộc. [câu này đọc không hiểu ý ông Quốc là sao?]


Việt Hùng: Cũng liên quan đến bức màn hậu PMU 18 mà vừa rồi ông có đề cập tới cơ quan an ninh có khởi tố thiếu tướng công an Phạm Xuân Quắc và thượng tá Đinh Văn Huynh là những quan chức công an từng trực tiếp điều tra vụ án. Nhìn vào sự việc này dư luận có thể hiểu như thế nào?

Ông Dương Trung Quốc: Có thể về lôgích hình thức thì chúng ta thấy người ngày xưa phanh phui vụ án thì giờ đây lại là người bị dính vào vòng lao lý cũng như ngược lại với ông Nguyễn Việt Tiến trước đây bị kết tội thì nay được giải oan. Tôi nghĩ những chuyện đó cuối cùng chỉ luật pháp trả lời được mà thôi. [câu này thì đầy tính mỉa mai, có thể ngoài dụng ý của ông Quốc. Luật pháp nào cơ chứ? Tức là phán quyết sau cùng (thế nào là sau cùng?) sẽ là phán quyết đúng đắn?]



Việt Hùng
: Nhưng dường như thời gian qua người ta thấy có một chuỗi sự kiện xảy ra, chẳng hạn việc phục hồi công tác cho ông tướng Cao Ngọc Oánh (thiếu tướng công an) liên quan đến việc chạy án cho Bùi Tiến Dũng; rồi gần đây ông thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Việt Tiến có phán quyết từ Viện Kiểm sát là vô tội, được phục hồi đảng tịch; liệu những dấu hiệu này phải chăng chỉ là những tảng băng chìm đang diễn ra trong hậu trường?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ sự suy luận thì vô cùng, nhưng rõ ràng tất cả những hiện tượng đó đều nằm trong sự việc chung thôi. Câu hỏi ở đây ai có tội hay không có tội thì dư luận xã hội kể cả chúng tôi với tư cách là đại biểu Quốc Hội chúng tôi sẽ giám sát trên tinh thần pháp luật. [giám sát cụ thể thế nào khi dư luận bị buộc phải im miệng (báo chí không dám viết) và đại biểu Quốc hội sẽ không chất vấn về vấn đề này?]


Việt Hùng
: Cách đây không lâu Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao quyết định đình chỉ vụ án trong đó có ông Nguyễn Việt Tiến, một mặt miễn trách nhiệm về việc thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng, mặt khác lại khởi tố hai quan chức công an về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm hại đến lợi ích nhà nước. Câu hỏi được đặt ra những quan chức này điều tra chống tội phạm nay bị khởi tố là phạm tội? Dư luận có thể hiểu những chuyện này như thế nào?

Ông Dương Trung Quốc: Dư luận thì vô cùng, nhưng dư luận có thể hiểu một cách chính xác khi sự thật được đặt ra. Tội danh mỗi người ra sao? Oan uổng mỗi người ra sao? Tôi nghĩ việc này cũng không thể chỉ suy luận được nhưng đương nhiên xã hội vẫn bị tác động những yếu tố mang cảm tính. Cá nhân tôi, tôi cho rằng nên chờ đợi với tinh thần hết sức tỉnh táo để có thể nhận chân ra được bản chất sự việc là cái gì. [thực chất không phải là giám sát mà là chờ đợi!. Chờ đợi Godot. Chờ đợi ai, chờ đợi cái gì thì ông Quốc chắc cũng không biết, hoặc biết nhưng không thể gọi tên. Thực chất là chờ đợi xem các ông nhớn đánh nhau thế nào, ông nào thắng thì là chân lý. Đại biểu Quốc hội thì cũng chỉ nên ngồi chờ thôi.]


Việt Hùng: Trở lại việc hai nhà báo bị bắt, vấn đề này có được đặt ra tại diễn đàn Quốc hội hay tại hành lang phiên họp Quốc Hội?

Ông Dương Trung Quốc: Có nói đến nhưng không đặt ra tại diễn đàn Quốc Hội. Đương nhiên bên hành lang Quốc hội được đặt ra nhất là anh em nhà báo chúng tôi cũng có trao đổi với nhau. [không chỉ bên hành lang, ngoài quán bia chắc các đại biểu Quốc hội và anh em báo chí cũng có trao đổi]


Việt Hùng: Nhưng mà bên hành lang Quốc hội báo chí có đặt vấn đề với ông Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng như với ông Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh về việc bắt giữ hai nhà báo này thì dư luận thấy mọi người tránh né không trả lời câu hỏi này của báo chí?


Ông Dương Trung Quốc: Sự việc cũng mới diễn ra. Tôi nghĩ những người có trách nhiệm trong vụ này cũng không nên suy luận một cách đơn giản, mặc dầu bản chất của vấn đề hết sức phức tạp nên tôi nghĩ cách ứng xử như thế tôi nghĩ là đúng mức.

Việt Hùng: Cá nhân ông, ngoài tư cách là Đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam, ông còn là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam thì ông sẽ nói gì?

Ông Dương Trung Quốc: Cá nhân tôi cũng trao đổi với các đồng nghiệp ở các tờ báo khác kể cả tờ Tuổi Trẻ và Thanh Niên. Mối quan tâm đầu tiên của chúng tôi là làm thế nào để bảo vệ cho đồng nghiệp của mình nhưng phải bảo vệ dựa trên cơ sở luật pháp. Chính vì thế đứng về phía tình cảm đồng nghiệp chúng tôi rất chia sẻ với những hình thức khác nhau. Nhưng còn những vấn đề luật pháp thì phải để cho luật pháp làm sáng tỏ.

Việt Hùng: Ông nói với tư cách đồng nghiệp thì các đồng nghiệp sẽ bảo vệ hai nhà báo đó, ông có thể nói rõ bảo vệ là bảo vệ như thế nào?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ hiện nay có hai người đại diện cho giới báo chí chúng tôi là Hội Nhà báo Việt Nam mà anh Đinh Thế Huynh là người đại diện và chị Hằng Nga là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh, thì cả hai vị trên các phương tiện thông tin đại chúng đều nói sẽ làm việc với cơ quan có trách nhiệm để thu thập thêm tài liệu. Còn cá nhân chúng tôi chủ yếu là chia sẻ là về phương diện cá nhân với các nhà đó mà thôi.


Việt Hùng: Thế còn với các đồng nghiệp báo chí ngoại quốc thì sao trong khi những ngày vừa qua một số hãng thông tấn, đài báo quốc tế cũng đã lên tiến về việc bắt giữ hai nhà báo này.

Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ các vị, các bạn đồng nghiệp báo chí quốc tế cũng có những tiêu chí riêng cũng như hoạt động trong những tổ chức hướng tới một mục tiêu chung tức là tạo điều kiện cho tự do báo chí ở tất cả các quốc gia. Có những tiếng nói tôi nghĩ rất có ý nghĩa, nhưng đồng thời tôi nghĩ cũng phải nhìn vào thực tế của báo chí tại Việt Nam.

Chúng tôi nghĩ việc quan trọng nhất hiện nay là làm sao cho rõ ràng, vi phạm luật pháp cụ thể là như thế nào nhất là trong tình hình thực thi luật pháp ở Việt Nam cũng chưa phải là có nề nếp. Rất nhiều hành vi xuất phát từ chỗ chưa thích ứng được với luật pháp báo chí ở Việt Nam. [vấn đề ở đây không phải cụ thể luật pháp báo chí Việt Nam thế nào, mà với tư cách đại biểu Quốc hội, ông Quốc hay các đại biểu khác có thể chất vấn yêu cầu Bộ Công An và Viện Kiểm sát có trả lời chính thức về vấn đề này trên tinh thần bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin của công dân như được nêu trong điều 69 Hiến Pháp]

No comments: