Cuối cùng Quốc hội Việt Nam vẫn chỉ là Quốc hội CHXHCN Việt Nam thôi. 92% đại biểu QH bỏ phiếu tán thành việc mở rộng thủ đô cho dù chỉ 1 tuần trước đó, Quốc hội còn phải hoãn việc bỏ phiếu lại vì chưa cảm thấy tin tưởng đề án này. Trong 1 tuần đó, các báo bị cấm đăng các bài viết nếu những mặt hạn chế của việc mở rộng Hà Nội, tỷ lệ bỏ phiếu đồng ý với phương án mở rộng Thủ đô vào tháng 7/2008 trên Vnexpress tăng vọt (và khi VNE bỏ poll này xuống thì nghe nói văn phòng Thủ tướng gọi điện xuống bảo đưa poll này lên lại) và VTV tập trung quảng bá các lợi ích của mở rộng Hà Nội.
Vẫn biết đề án mở rộng Hà Nội kiểu gì cũng được thông qua, khi mà Chính phủ đã đặt cược uy tín chính trị của mình trong việc ủng hộ đề án này, nhưng tỷ lệ 92% đại biểu QH bỏ phiếu thông qua, và chỉ có 4 đại biểu phản đối, vẫn là một cái gì đó hơi bất ngờ. Nếu tỷ lệ là 70% chẳng hạn thì vẫn còn có gì đó có thể hy vọng vào Quốc hội Việt Nam, vào các đại biểu Quốc hội với vai trò là người đại diện cho nhân dân, dù ở mức độ hạn chế. Nhưng hơn 92% đại biểu Quốc hội tán thành với một đề án khả nghi, thiếu minh bạch và không được sự ủng hộ của tầng lớp trí thức, giới chuyên môn và được đưa ra một cách vội vàng trong tinh thần gây sức ép và thiếu tôn trọng Quốc hội thì quả là điều đáng buồn. Một tỷ lệ còn cao hơn cái poll dối dá, đáng xấu hổ của VNexpress (hiện giờ là 76%-một góp ý nhỏ: các bạn VNExpress nên điều chỉnh để hôm tới cái poll này đạt tỷ lệ 92% thì mới thực sự thể hiện là ý chí các đại biểu Quốc hội đại diện cho nhân dân.
Chẳng trách báo chí phương Tây vẫn gọi Quốc hội Việt Nam là rubber stamp.
Thôi, đợt này bác kiến trúc sư Thảo tha hồ làm Haussmann, xây dựng Thủ đô ta hoành tráng từ A tới Z cho bõ tầm đại bác. Bác Thủ tướng Ba Dũng thì đã làm được những điều mà bác Ba Duẩn xưa không làm được, vẫy đũa một cái, thủ đô ta thành rộng gấp ba, thủ đô lớn thứ nhì thế giới.
Đoạn này của bác Dũng nghe sang sảng như chiếu dời đô của Lý Thái Tổ xưa:
""Tựa vào dãy núi Ba Vì và hướng ra dòng sông Hồng, Hà Nội sẽ luôn giữ được thế rồng cuộn hổ ngồi tiện hướng nhìn sông dựa núi; tiếp nối được giá trị khoa học và nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị Việt Nam là luôn gắn với môi trường sống của con người với môi trường cảnh quan thiên nhiên", Thủ tướng nói."
"Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời."
Thursday, May 29, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment