Mở rộng HN: Đồng ý chủ trương nhưng cân nhắc thời điểm
"Mở rộng Thủ đô, là việc lớn, tuy rất tôn trọng ý kiến đại biểu HĐND các tỉnh nhưng tôi thấy vẫn chưa đủ thông tin. Về Hà Nội họp, tôi thấy trong dư luận nhân dân cũng như trong giới khoa học đang còn có nhiều ý kiến khác nhau. Làm một công trình nhỏ cũng phải thăm dò ý kiến nhân dân, huống gì đây là một quyết định lớn", bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM nói.
ĐB Huỳnh Thành Lập chia sẻ: "Thông tin cũng đến với tôi trong lúc trà dư tửu hậu, hoàn toàn bất ngờ".
GĐ Bưu điện TP Nguyễn Việt Dũng cũng thú nhận "chưa biết sẽ quyết định đúng sai thế nào, tâm lý rất hoang mang". "Chúng tôi không được cung cấp thông tin, thời gian quá ngắn, hôm qua được tiếp cận lần đầu tiên tờ trình của Bộ Xây dựng"
Ngay ĐB Trần Đông A, Ủy viên UB Đối ngoại QH, cầm trên tay một xấp tài liệu dày dặn, báo cáo kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Bộ Xây dựng với các chuyên gia vùng lle de France (Cộng hòa Pháp) mà ông mang theo từ TP.HCM, cũng phải phân bua: "Nhờ làm ở UB đối ngoại nên tôi được cung cấp tài liệu nghiên cứu về vùng thủ đô từ trước, nhưng hôm qua nghe tờ trình của Chính phủ về mở rộng địa giới HN tôi vẫn bị bất ngờ".
GĐ Sở Tư pháp Ngô Minh Hồng giải thích cho sự bất ngờ này, đó là, các chuyên gia nước ngoài tham gia góp ý kiến vào quy hoạch vùng, liên quan đến Hà Nội và 7 tỉnh thành phía Bắc, đặt trong tương quan tổng thể của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. "Họ cho ý kiến về quy hoạch vùng chứ chuyên gia nước ngoài không cho ý kiến về mở rộng địa giới Thủ đô HN", bà Hồng quả quyết.
Cùng chung những băn khoăn như các ĐB TP.HCM, tại tổ Hà Nội, nhiều ĐB như Nguyễn Hồng Sơn, Phạm Thị Loan, Nguyễn Minh Hà, Đặng Văn Khanh đều từng bấm nút thông qua nghị quyết về mở rộng Hà Nội ở cuộc họp bất thường của HĐND thành phố nhưng cho rằng khi đó "còn thiếu thông tin", "chưa được bàn", nay có đủ thông tin mới thấy băn khoăn."
"Tôi sẽ không bấm nút tán thành, còn ai bấm thì đấy là trách nhiệm của họ. Tôi sợ nhất là khi chúng ta bấm nút tán thành thì sau này một Chính phủ mới phải bận tâm và quan trọng hơn nữa, là nhân dân mình phải bận tâm....Tôi cho rằng mỗi đại biểu Quốc hội, trước hết là đại diện cho dân, dù là Đảng viên thì mình cũng vì dân. Hãy vì dân mà bấm nút."
"Thứ nhất, tờ trình nói cử tri 4 tỉnh thành liên quan "nhất trí cao với phương án 1". Chúng tôi không biết phương án 1, 2 nào cả. Khi họp HĐND tỉnh Hà Tây đâu được biết phương án 2, tôi xin nói thật như thế. Nếu chúng tôi được bàn 2 phương án, có lẽ có ý kiến khác nhau nhưng tại sao không đưa 2 phương án cho chúng tôi bàn? Điều này có lẽ hôm thảo luận tôi sẽ hỏi Chính phủ.
Việc thứ hai mà tôi không đồng tình cao là khi nói "HT là địa bàn phân lũ, chặn lũ để bảo vệ thủ đô HN. Nếu bây giờ về HN thì chính quyền có điều kiện chỉ huy", tôi cho là không đúng. HT chúng tôi bao nhiêu năm, đê sông Hồng, đê sông Đáy, bao cái kè trọng điểm là ra sức chống đỡ, có sự chỉ đạo của TƯ chứ không phải của HN, có những năm nước lên cao như 1971, HT hy sinh để bảo vệ HN.
Tôi xin cam đoan như thế. Sao các đồng chí lại nói, nếu bây giờ về HN thì chính quyền mới ra tay còn HT tôi ngày xưa thì sao? Tôi cho viết thế chưa phải là chuẩn.
Trong tờ trình còn có chi tiết khiến dân HT thắc mắc là: Nếu về HN thì mới đảm bảo vùng rau sạch. Thế HT trồng rau bẩn xưa nay à? HT cung cấp hàng tấn rau mỗi ngày, cá biệt có thể không sạch nhưng chủ yếu là sạch chứ. Nếu HN không có rau HT thì chắc cũng thiếu nhiều chứ Vĩnh Phúc, Hưng Yên mang lên đây được mấy."
" Về phần mình, chắc chắn tôi sẽ không bấm nút thông qua...
Ông bộ trưởng Bộ Nội vụ đã khẳng định rằng tất cả quy trình đề án này là hợp pháp, không cần lấy ý kiến nhân dân, vì các vị đại biểu HĐND là đại diện cho dân rồi và đại biểu QH cũng là đại diện của dân rồi. Với tư cách ĐBQH, chúng tôi không dám đảm nhận cái chức trách quan trọng như thế
. Nếu đề án này được chuẩn bị kỹ, cung cấp cho chúng tôi trước thì tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp QH này, chúng tôi sẽ hỏi ý kiến người dân hoặc những nhà chuyên môn, những tổ chức nghề nghiệp xã hội, từ đó mới có cơ sở biểu quyết. Còn đến đây mới nhận văn bản liên quan đến việc này thì tôi không thể yên tâm khi mình đại diện cho người dân để biểu quyết một quyết định trọng đại như thế.
Ở đây, việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội là công việc quan trọng, cá nhân tôi đánh giá quan trọng ngang với việc Lý Công Uẩn dời đô mà lại diễn ra bằng những hội nghị bất thường của HĐND các địa phương. Tại sao chúng ta không biến những ý tưởng dù là tốt đẹp nhất mà đề án này đưa ra thành những ý tưởng để chúng ta thảo luận? QH có thể chấp nhận đưa vào chương trình để thảo luận và để trong thời gian tới, từng bước một, chúng ta thực hiện các công việc tiếp theo. Điều này đòi hỏi QH thông qua nghị quyết sáp nhập xong rồi mới bắt đầu tổ chức nghiên cứu xây dựng đề án. Nhưng nay người ta lại làm ngược lại.
Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt:
"Thay vì chứng minh bằng đồ án, Bộ Xây dựng chỉ mới trình bày với Thủ tướng Chính phủ một ý tưởng. Một ý tưởng đưa ra ở mức độ cảm tính, giống như trước đây, Bộ đề xuất phá bỏ Hội trường Ba Đình....Thủ đô của cả nước, của cả dân tộc và cả của lịch sử. Không nên và không được phép đưa thủ đô làm nơi thí nghiệm cho bất cứ mục đích gì."
Thế nhưng người dân, nhiều đại biểu Quốc hội, ít nhất như ông Dương Trung Quốc chẳng hạn, đến các cựu quan chức cấp rất cao như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng thấy bất ngờ.
Song không phải vậy, họ không có thông tin, họ không được thông tin, thậm chí các vị “đại diện của dân” cũng chỉ mới có thông tin và phải ra quyết định dựa trên những thông tin đó, họ không có đủ thời gian để nghiên cứu, để tham khảo, để xem xét.
Ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói “nếu nói bất ngờ hay gấp quá thì không phải”, vì “chủ trương này đã có từ năm 2000”, “khi tiến hành các bước theo quy trình để chuẩn bị việc sáp nhập chưa đến giai đoạn trình Quốc hội, chưa có thông tin rộng, có thể đồng bào thấy là gấp”.
Có vấn đề lớn về cách thức ra quyết định, cách thức cung cấp thông tin. Một việc trọng đại của cả dân tộc, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người, đến hơn 80 triệu dân Việt trong và ngoài nước, đến những người “chủ”. Thế mà các ông chủ không được “các công bộc” của mình cho biết thông tin..
Nó có thể khiến nhiều người dân nghi ngờ rằng có những động cơ nào đó ở đằng sau. Nó khiến người ta nghi hoặc và đặt ra những câu hỏi đại loại như: có phải những người biết thông tin, hay kiếm được thông tin từ mấy năm nay đã có thể có nhiều héc ta đất ở các vùng dự kiến mở rộng đó (với giá đền bù của vùng sâu vùng xa) nay bỗng dưng trở thành tỷ phú một cách hợp lệ? "
No comments:
Post a Comment