Thursday, May 15, 2008

Về bài báo của Bùi Chí Vinh trên BBC

Nguyên văn bài này ở đây

Không ai độc quyền chống tham nhũng'

Tớ thấy phản ứng của các bạn báo chí với bài trả lời của Bùi Chí Vinh trên BBC có phần hơi quá. Dường như đó là sự phẫn nộ khi thấy ý kiến của một cựu nhà báo khác mình. Trên blog của Măng còn tỏ thái độ phẫn nộ trước các phóng viên BBC, cho rằng như thế là thọc mũi dao sau lưng chiến sĩ. Điều đó thật buồn cười vì tớ nghĩ quan điểm của BBC là muốn đưa ra một cái nhìn đa chiều về vấn đề này, không chỉ để bảo vệ tự do báo chí mà còn làm rõ những vấn đề mà báo chí Việt Nam đang phải đối mặt, trong đó có cả việc lợi dụng báo chí nhằm các mục tiêu thiếu trong sáng (đánh ông nọ, ông kia chẳng hạn).

Thực ra việc lợi dụng báo chí vì các mục tiêu cá nhân (hay tập thể cũng thế) đã không ít người nói đến. Trong các post trên blog Osin chẳng hạn, bác Osin cũng nói khá nhiều về vấn đề này. Ngay trong vụ PMU18, bác Osin cho rằng đã có một thế lực, mà trực tiếp là tướng Quắc, đã lợi dụng các nhà báo để đánh các thế lực kia (tướng Oánh, thứ trưởng Tiến…). Như vậy, theo Osin, đã có sự thao túng báo chí xảy ra trong các vụ điều tra tham nhũng gần đây. Chỉ có điều trong trường hợp này, các nhà báo Chiến và Hải là vô tình mắc phải chứ không phải là người tòng phạm. Blogger Dong A cũng đôi lần đề cập tới khả năng thao túng báo chí của những thế lực nào đó.

Trên BBC, Bùi Chí Vinh cũng nói về việc thao túng báo chí, nhưng đề cập một khả năng sâu hơn, đó là việc Tổng biên tập một số tờ báo ra lệnh cho phóng viên mình “đánh” người này, người kia, như là một phần trong việc thao túng báo chí của một số thế lực nào đó. Đúng sai của việc này, tôi không có thông tin gì, xin miễn bàn, nhưng dù sao, dư luận như thế cũng không phải là mới. Bùi Chí Vinh không khẳng định có sự thao túng như vậy trong vụ PMU (trong khi Osin khẳng định có sự thao túng nào đó- nhưng dù vậy, phóng viên vô tội- trong vụ PMU) nhưng ông ta lấy ví dụ về vụ Đường Sơn Quán khi xưa (tôi không tường tận vụ này). Và việc Bùi Chí Vinh từng làm ở báo Tuổi Trẻ khiến người đọc có thể hiểu rằng ông ta muốn ám chỉ việc TBT lệnh cho phóng viên đánh người này, người kia có thể đã từng tồn tại ở tờ báo này trước đây và có thể cả bây giờ.

Chính việc này khiến báo Tuổi Trẻ và nhiều người trong báo giới phẫn nộ. Cùng đề cập tới sự thao túng báo chí nhưng bài của Osin được đông đảo dư luận báo giới trên blog ca ngợi và trích dẫn thì Bùi Chí Vinh trở thành đối tượng bị chỉ trích, phê phán và cả chửi rủa trên rất nhiều blog của các nhà báo. Sự khác nhau là ở chỗ Osin tuy cho rằng có sự thao túng nhưng nói chung rằng thì là mà báo chí vô tội và chỉ mắc mưu kẻ xấu (ít nhất trong trường hợp này), còn Bùi Chí Vinh cho rằng có sự thao túng rõ ràng trong cả hệ thống đối với việc báo chí chống tham nhũng, và báo chí không chỉ là nạn nhân mà còn đóng vai trò không nhỏ trong đó.

Điều này, cộng với việc một cựu phóng viên (và là một trong những sáng lập viên- theo BBC- hay một trong những người làm công đầu tiên- theo nhiều blogger nhà báo) của tờ Tuổi Trẻ lại phát biểu trên BBC ám chỉ khả năng báo chí cũng tham nhũng và thao túng dư luận khiến rất nhiều nhà báo tấn công Bùi Chí Vinh trên blog, mà danh xưng phổ biến nhất gọi ông Vinh là “nhà thơ lưu manh” (hình như bắt đầu từ blog Bùi Thanh, phó TBT Tuổi Trẻ), cả việc ông Vinh bị đuổi việc vì ăn cắp xe đạp (thực hay hư tôi không rõ) cũng được đưa ra để chứng minh cho sự không trong sáng của ông Vinh (hay để chứng tỏ là ông ta “lưu manh”?). Nhưng nếu đọc kỹ thì sẽ thấy ông Vinh không hề nói là các phóng viên Việt Chiến và Văn Hải làm như thế. Ngoài ra, một lý do nữa dẫn tới phản ứng quá mức kia có thể còn là từ sự phẫn uất của các nhà báo khi bị cấm nói, cấm khóc, cấm bảo vệ đồng nghiệp bằng những mệnh lệnh từ trển trền trên, họ biến đau thương thành hành động cách mạng, làm thịt cái "thằng trọc" đang “cười đểu” trên BBC cho đỡ tức.

Cũng có một số ý kiến rằng những việc ông Vinh nói có thể đúng, nhưng ông nói giờ này không đúng lúc, khác nào đâm sau lưng bạn bè, tạo ra dư luận xấu nghi ngờ đối với các nhà báo bị bắt và các tờ báo liên quan. Ý kiến này cũng có lý nhất định. Nhưng việc suy ngược lại cũng có lý. Tức là việc ông Vinh nói như thế vào thời điểm này lại là cần thiết. Nếu việc ông ta nói là có lý, tức là có sự việc một số thế lực qua các tổng biên tập, ra lệnh cho các báo đánh người này, người kia thì đây cũng chính là lúc để giới báo chí nhìn lại mình, để các phóng viên cẩn trọng hơn trong những việc làm của họ, tránh để rơi vào các mưu mô toan tính nào đó, biến họ thành những con tốt chỉ biết tiến chứ không biết lùi, và khi cần thì "You-Know-Who" sẽ sẵn sàng thí tốt.

Rất có thể nhiều nhà báo sẽ nói rằng, họ biết tất cả việc đó, rằng không cần ai phải lên giọng dạy đời, nhưng nếu quan sát thái độ của các nhà báo trước việc đồng nghiệp họ bị bắt, và nếu giả sử rằng Osin nói đúng, tức là có sự thao túng báo chí trong các vụ án chống tham nhũng, và ngay cả những người giàu kinh nghiệm như anh Chiến, anh Hải cũng mắc bẫy thì rất có thể những cái họ tưởng là biết lại chưa phải là biết.

Hơn nữa, nếu như báo chí có thể tạo ra dư luận ủng hộ mình thì những ý kiến như của ông Vinh cũng hoàn toàn có quyền tạo ra dư luận cho ông ta chứ. Tại sao có người muốn mình được tự do bảo vệ đồng nghiệp, muốn tạo ra dư luận ủng h
ộ mình trong việc đó mà lại không muốn một cựu nhà báo phát biểu quan điểm của mình về hiện trạng báo chí theo ý kiến của ông ta, cũng không muốn BBC đăng một quan điểm có thể gây ra những dư luận trái chiều? Nguyên tắc cơ bản của tự do ngôn luận là tôn trọng những ý kiến khác biệt mình. Tất nhiên tôi biết những nguyên tắc cơ bản nhất của tự do ngôn luận nói chung, và tự do báo chí nói riêng không được thực sự coi trọng lắm ở Việt Nam, kể cả trong giới báo chí. Và nói chung, báo chí cũng không nên quá đánh giá cao "sứ mệnh" tiên phong chống tham nhũng của mình, nhất là khi chỉ bằng một lời nói nào đó, 600 tờ báo (trừ vài ngoại lệ nhỏ nhoi) đồng loạt im lặng.

Tôi viết thế này có thể sẽ khiến nhiều bạn nhà báo khó chịu, trong đó có nhiều người là bạn tôi và cho rằng tôi “bênh” Bùi Chí Vinh và không ủng hộ các nhà báo. Nhưng nếu có thế thì cũng chịu thôi.

No comments: