Tuesday, May 13, 2008

Entry for May 13, 2008

Như vậy, vụ án "tham ô tài sản và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại PMU 18 sẽ được dự kiến đưa ra xét xử vào tháng 7 này.
Bị can chính là Bùi Tiến Dũng sẽ chỉ bị đưa ra xử với tội danh "
cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" trong khi các đệ tử của ông ta bị đưa ra xử với tội tham ô. Sếp của Bùi Tiến Dũng là Nguyễn Việt Tiến thì đã được đình chỉ vụ án.

Chú ý là trước đó Bùi Tiến Dũng đã bị xử tội đánh bạc (với số tiền trên 1 triệu USD) và tội đưa hối lộ (với số tiền trên tỷ đồng VN) với tổng hình phạt 13 năm tù. Nhưng ông ta không hề bị mắc tội "tham ô" mà chỉ bị tội "cố ý làm trái". Không hiểu sao cơ quan điều tra lại không làm rõ được nguồn gốc số tiền này của ông Dũng: nếu không phải là tham ô thì từ đâu mà ra?

Như vậy theo cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát thì Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến đều không hề tham nhũng: điều 165 tội cố ý làm trái của ông Dũng thuộc nhóm "Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế", điều 289 về tội đưa hối lộ của ông Dũng thuộc nhóm "Các tội phạm khác về chức vụ. Ông Thứ trưởng Tiến thì tất nhiên không tham nhũng và còn được khôi phục Đảng tịch và có thể sắp trở lại cơ quan công tác. Những người duy nhất sẽ bị đưa ra xét xử về tội tham ô (trong nhóm tội tham nhũng) là năm thuộc cấp của ông Dũng. Một nguyên tắc luôn có giá trị: cấp trên không bao giờ tham ô và nhận hối lộ, chỉ có cấp dưới thôi! (hay gần tương đương: trên không bao giờ sai, chỉ ở dưới làm sai !)

Mỉa mai
là ở chỗ những kẻ bị tố cáo "tham nhũng" thì được kết luận là không tham nhũng, còn người điều tra tham nhũng lại bị xử theo nhóm tội tham nhũng. Hai viên sĩ quan công an, một tướng, một tá, và hai nhà báo bị khởi tố theo "Điều 281. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" thuộc nhóm "Các tội phạm về tham nhũng".

Mọi sự đã đổi chiều: người chống tham nhũng bị khởi tố vì tội tham nhũng, còn người bị coi là tham nhũng thì trở thành không phạm tội tham nhũng. Công lý giống như bình nước đục, trắng đen lẫn lộn, ai thích khuấy thế nào thì khuấy, bảo trắng thì là trắng, bảo đen thì là đen, hươu là ngựa, ngựa trắng không phải là ngựa. Nếu ngày mai, tòa án kết tội những người kia tội "lợi dụng chức vụ..." thì ông Tiến, ông Dũng hoàn toàn có thể chỉ tay vào mặt hai nhà báo mà mắng rằng "chính các người mới là tham nhũng. Còn chúng ta thì không hề tham nhũng."

Một điều hài hước nữa ở vụ PMU18 là ông Dũng và một số bị can khác bị kết tội đưa hối lộ nhưng chẳng có ai bị kết tội "nhận hối lộ" cả. Có thể là ông Dũng đưa hối lộ cho chính ông chăng? Tức là chỉ có việc cấp dưới đưa hối lộ, chứ không có chuyện cấp trên nhận hối lộ (dù là để làm từ thiện đi chăng nữa).


Xét về khung hình phạt thì khung hình phạt của điều 281 (với các nhà báo và tướng Quắc, tá Huynh) và khung hình phạt của điều 165 (với ông Dũng) có mức độ nặng tương đương nhau. Vâng, chỉ cần viết báo sai (hoặc bị coi là sai) vài chi tiết là có thể bạn sẽ vào tù mọt gông, có lẽ còn lâu hơn những kẻ đánh bạc triệu đô, và đưa hối lộ hàng tỷ đồng.


Cụ thể như sau.

Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (cho bị can Bùi Tiến Dũng)

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

`

Điều 281. Tội lợi dụng chức vụ, qu
yền hạn trong khi thi hành công vụ (cho bốn bị can công an- nhà báo mới bị bắt)

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.



But who will watch the watchmen?

No comments: