Sunday, May 18, 2008

Tôi (không) biết tại sao chim trong lồng (không) hót

Tình hình quanh vụ hai nhà báo bị bắt đã hoàn toàn im lặng trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn nóng sốt trên các blog. Điều này cho thấy blog ngày càng trở thành phương tiện thông tin hiệu quả trong hoàn cảnh báo chí chính thức bị kìm kẹp và phần nào đó, bị thao túng như hiện nay. Có thể một số bạn thắc mắc khi thấy tôi dành quá nhiều post cho vụ này, nhưng tôi thấy đây là một trường hợp nghiên cứu lý thú, quan sát xem cách chính quyền đối xử với nhà báo, cách các tờ báo và nhà báo phản ứng, cách độc giả nhìn nhận vấn đề này...

Nếu như trước kia, hẳn mọi sự sẽ im lìm, các tờ báo sẽ phải im miệng nếu có lệnh bắt im miệng và độc giả sẽ hoàn toàn không hiểu điều gì đang diễn ra. Nhưng từ khi có blog, mọi sự không đơn giản thế, lệnh cấm nói về vụ việc này chưa đủ để cấm sự bàn luận của các blogger, trong đó có nhiều nhà báo.

Đã xuất hiện các blog mới được lập với mục tiêu đứng ra bảo vệ các bên liên quan. Ví dụ blog Nhà báo Việt góp nhiều ý kiến từ các nhà báo và để bảo vệ cho hai nhà báo bị bắt, blog Nguyễn Việt Tiến đưa ra các bài viết ủng hộ ông Tiến và phản đối việc đưa tin bài của các nhà báo trong vụ PMU 18 (trong đó đáng chú ý có bài của Nguyễn Nhật Anh, con rể ông Tiến từng được đăng trên báo Khoa học và Đời sống trước đây trước khi bị cấm đăng!). Có một blog ủng hộ tướng Quắc. Và các blog trên đều treo hình những người mà họ ủng hộ trên avatar: nhà báo Hải trên Nhà báo Việt, thứ trưởng Tiến trên Nguyễn Việt Tiến và tướng Quắc trên ủng hộ tướng Phạm Xuân Quắc. Độc giả có toàn quyền lựa chọn sự thật như họ muốn: theo lăng kính của nhà báo Việt, Nguyễn Việt Tiến hay
ủng hộ tướng Phạm Xuân Quắc.

Với những blog không nhằm mục đích rõ ràng là ủng hộ bên nào thì người đọc muốn hiểu thế nào được. Ví dụ blog Osin (nhà báo Huy Đức) có bài vừa cho rằng hai nhà báo bị bắt là không đúng, lại vừa cho rằng có sự thao túng báo giới trong vụ án PMU 18 (và nếu thế thì hóa ra cái danh xưng "nhà báo chống tham nhũng" cũng sẽ là hão). Blog 5xu có bài đả kích blog Osin theo hướng là Osin "bẻ cong ngòi bút", phù thịnh. Thế là bài của blog 5xu được blog Bùi Thanh (có thể là của phó TBT báo Tuổi Trẻ) khuyên blog Osin đọc vì "
hình như Osin dạy đời hơi nhiều rồi đấy" (trong phần quick comment ở blog Osin). Mỉa mai thay, cũng bài này lại được blog Nguyễn Việt Tiến đăng lại với lời cảm ơn "Bài này do anh 5xu viết tặng. Xin chân thành cám ơn anh!". Từ vị trí người hùng của làng báo-blog (the most cited blogger), Osin xem ra đã bắt đầu rơi vào vị trí ở no man's land- bị kẹp giữa hai vùng lửa đạn. (Trong việc này, tôi thấy bác 5xu cũng nên giải thích có phải entry của bác là "viết tặng" blog Nguyễn Việt Tiến hay không).

Cũng bắt đầu xảy ra chiến sự giữa các blog liên quan nói trên. Ví dụ, trên Nguyễn Việt Tiến có bài trả lời Nhà báo Việt, và trên Bút Lông có bài phản hồi về bài viết của Nguyễn Nhật Anh được đăng lại trên Nguyễn Việt Tiến. Âu cũng là điều tốt nếu như có một sự bút chiến nào đó, thay vì việc cắn răng ngậm bút nghẹn ngào.

Trên blog nhà văn Võ Thị Hảo có bài so sánh việc các tờ báo không dám nhắc tới đồng nghiệp bị bắt như những con chim họa mi phải im lặng, hay hót trại tiếng vì run rẩy sợ hãi. Tôi nghĩ là chị Hảo có phần hơi đánh giá thấp họa mi. Họa mi không hót theo lệnh, không ngừng hót theo lệnh. Tôi thấy so sánh trước đó của chị Hảo về việc bắt nhà báo như "giết chết con chim mocking" chính xác hơn. Chim mocking không có tiếng hót riêng, nó chỉ bắt chước những tiếng hót của các loài chim khác, nó vô hại. Vì thế giết chết những con chim mocking cũng như giết chết những gì đó vô hại và yếu ớt và là một tội lỗi khó tha thứ. Việc bắt các nhà báo-những người thuộc về một nền báo chí từ xưa tới nay vẫn cam chịu nhẫn nhịn, hót và ngừng hót theo lệnh - cũng như giết chết những con chim mocking vô hại, từ xưa tới nay vẫn chỉ hót nhại tiếng các loài chim khác (ở đây tôi nói chung, không đề cập cụ thể tới trường hợp hai nhà báo này mà tôi không rõ cụ thể, cũng có thể là họ là những con chim nghịch tiếng chứ không phải chim mocking và do đó họ bị bắt).

Nhân đây post lại bài thơ của
Maya Angelou về tiếng hót của chim trong lồng. Trong bài thơ này, nhà thơ đặt ra câu hỏi: tại sao dù trong lồng, chim vẫn hót? Và bà trả lời, đó là vì chúng hy vọng, chúng hót về tự do như một niềm hy vọng, cho dù sự tự do đó có làm chúng sợ hãi đôi chút. Còn việc báo chí cả nước đồng loạt im tiếng trước việc người của họ bị bắt thì cũng như việc những con chim trong lồng sợ hãi tới mức không dám hót. Việc sợ hãi là thường tình nhưng xin đừng bảo là không sợ hãi, đừng bảo im lặng không phải là khuất phục, cũng đừng bảo là chúng tôi vẫn tự do, chúng tôi không ở trong lồng và không hót/ngừng hót theo chỉ thị của ai.


Tôi biết tại sao chim trong lồng hót

Maya
Angelou

Con chim tự do nhảy múa trên ngọn gió
Thả mình theo nước cho tới tận cuối dòng
Nhúng đôi cánh của nó trong ánh nắng đỏ cam
Ngạo nghễ nhận riêng mình cả bầu trời sâu rộng

Con chim bức bối chôn chân trong lồng hẹp
Có thấy được những gì sau nhá
»¯ng chấn song?
Đôi cánh ủ rũ, đôi chân trói buộc
Cho nên chim há rộng cổ và hót

Chim trong lồng hót những âm láy sợ hãi
Về những thứ nó không biết, nhưng tràn đầy hy vọng
Tiếng hót của nó vang tới những ngọn đồi xa
Bởi chim trong lồng cất tiếng hót về tự do

Con chim tự do nghĩ tới một làn gió khác
Tới tiếng gió thì thầm thổi qua những hàng cây
Tới con sâu béo đang chờ đợi nó
Trên thảm cỏ vàng nhạt dưới ánh bình minh
Cả bầu trời kia, chim nhận của riêng mình

Con chim trong lồng đứng trong nấm mồ chôn những giấc mơ
Bóng tối của nó gào lên trong cơn ác mộng
Đôi cánh ủ rũ, đôi chân trói buộc
Cho nên chim há rộng cổ và hót

Chim trong lồng hót những âm láy sợ hãi
Về những gì nó không biết, nhưng tràn đầy hy vọng
Tiếng hót của nó vang tới những ngọn đồi xa
Bởi chim trong lồng cất tiếng hót về tự do.


No comments: