Tin 1: Nhiều phóng viên Việt Nam bị thẩm vấn
Họ được coi là liên quan tới việc đưa tin về các vụ án tham nhũng tại Việt Nam trong thời gian qua.
Các phóng viên liên quan cho biết họ không được thông báo cụ thể mà chỉ được biết một cách chung chung rằng cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước và lợi dụng quyền tự do dân chủ liên quan tới các bài báo viết về vụ PMU 18 và vụ siêu lừa Nguyễn Đức Chi.
Cơ quan điều tra cũng không nói là đã xin lệnh phê chuẩn việc gọi hỏi phóng viên của Viện Kiểm sát hay chưa.
Tin 2: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp: Tiếp cận cái mới để đưa đất nước đi lên
“- Công tác quản lý báo chí ở Bộ Thông tin và Truyền thông có gì mới, thưa bộ trưởng?
Về mặt quản lý báo chí, chúng tôi sẽ tập trung làm 5 vấn đề lớn. Thứ nhất, sẽ sửa đổi Luật Báo chí để việc quản lý được tốt hơn. Quy hoạch lại báo chí, hình thành những tập đoàn báo chí mạnh, với nhiều loại hình báo chí chứ không phải rải ra nhiều loại hình mà không có đầu mối chung. Đào tạo lại công tác cán bộ, từ tổng biên tập đến phóng viên. Thứ hai là hoàn chỉnh các quy chế quản lý, để mỗi người trên mỗi cương vị đều quản lý đúng trách nhiệm của mình. Ví dụ quy chế trách nhiệm của tổng biên tập, vì nếu không nêu cao trách nhiệm quản lý của tổng biên tập, thì Cục báo chí có đông bao nhiêu cũng không làm được. Tổng biên tập là người của Bộ Thông tin và Truyền thông sau này cắm ở từng tờ báo.”
Cũng ông Lê Doãn Hợp:
"Lâu nay báo chí bị quản lý theo mệnh lệnh, bị một số điều hành làm mất tự do. Báo chí sẽ có tự do nếu đi đúng lề đường bên phải. Tôi sẽ cố gắng để cho báo chí có một lề đường rộng, thông thoáng hơn", Tân Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp trao đổi với báo giới.”
Thực ra tranh luận về giữa quyền tự do báo chí và bí mật của nhà nước là một vấn đề không chỉ ở Việt Nam ( Nhưng trong khái niệm bí mật Nhà nước thì cũng còn quá nhiều chuyện phải bàn, bởi vì chẳng có ai ở Việt Nam kể cả công an hay Bộ trưởng Bộ Thông tin là biết được chính xác cái gì là bí mật nhà nước, cái gì không phải?). Ví dụ ở Mỹ gần đây có vụ văn phòng của Phó TT Cheney ngứa mắt với một ông chuyên gia cứ bô bô trên báo là ngày xưa không tìm thấy việc Iraq mua uranium ở Nigeria thế là phím cho báo chí là vợ ông này là nhân viên tình báo ngầm của CIA. Việc này là bất hợp pháp nên tòa án xử đòi nhà báo phải cung cấp tên người tiết lộ bí mật đó. Có hai nhà báo chịu cung cấp thông tin cho tòa án còn người thứ ba thì nhận ngồi tù thay vì tiết lộ nguồn tin.
So sánh việc này với việc xảy ra ở Việt Nam sẽ thấy khác nhau thế nào.
Thứ nhất, trong vụ trên là nhà báo không có tội gì khi viết bài tiết lộ thông tin trên (nếu nhà báo mà bị có tội thì đã chả có các vụ như vụ Watergate). Người có tội là người cung cấp tin cho nhà báo. Ở VIệt Nam, các nhà báo bị công an gọi lên thẩm vấn, thậm chí có thể bị truy tố (trường hợp Lan Anh báo Tuổi trẻ khi xưa), nếu không thì cũng bị thiệt hại trăm bề.
Thứ hai, chỉ tòa án mới có quyền yêu cầu nhà báo phải trả lời các câu hỏi ai là người cung cấp tin, chứ không phải công an. Ở Việt Nam, cả Bộ Thông tin, công an vào cuộc mà chẳng thấy nói tới tòa án ở đâu? Và tất nhiên trong vụ việc ở Mỹ kia, không có chuyện các nhà báo phải viết bản kiểm điểm. Lại càng không có chuyện một tờ báo bất kỳ nào cũng bắt buộc phải có Tổng Biên tập là người do Bộ cắm về các tòa báo (tức là thỉnh thoảng chắc chắn ông TBT sẽ phải tới vận động dạ thưa, ơn anh, vợ con em vẫn khỏe ạ, có chút quà cháu nó đi Trung Quốc về biếu anh ạ.., dạ, thằng đó ngựa non háu đá nên không biết, mai em sẽ tổ chức kiểm điểm nó ạ, anh đừng lo…).
Những sự việc phản dân chủ và công khai đi ngược lại tự do báo chí như thế mà một số người lại cảm thấy đương nhiên và đáng mừng (?). Tất nhiên, trong việc này có thể hiểu là họ quan tâm tới khía cạnh thực tế của vấn đề tức là việc Bộ Văn hóa đặt ra một cái khung rõ ràng hơn cho hoạt động báo chí như lời ông Hợp nói “Tôi sẽ cố gắng để cho báo chí có một lề đường rộng, thông thoáng hơn". Nhưng hiện còn chưa biết cái khung đó có rộng rãi hay không chỉ thấy là những hành động như trên thể hiện công khai việc đi ngược lại quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Chả nhẽ lại tiếp tục thở dài mà than “Cái nước mình nó thế” à (trong khi cả trăm nước khác thì nó không thế).
Nào các nhà báo, hãy cùng nhắm mắt mà đi về bên phải, đằng trước dù sao đã có tấm biển chỉ đường rồi, cứ bám thật sát, thật sát lề bên phải mà đi là khỏi lo ngã hay chẳng may bị xe đâm phải.
Còn cứ loạng quạng ngó nghiêng sang phía bên kia đường là chẳng may dễ bị xe cán lắm.
No comments:
Post a Comment