Nhân vật chính của “The Curius Incident” là Christopher, một cậu bé bị mắc chứng tự kỷ (autism). Cuốn tiểu thuyết được viết theo ngôi thứ nhất, là lời của cậu bé kể, với cách nhìn thế giới xung quanh theo cách nhìn của một người tự kỷ.
Nếu ai chưa biết bệnh tự kỷ là gì thì có thể google để biết thêm chi tiết, ở đây tớ chỉ nói sơ qua là bệnh tự kỷ là một chứng bệnh bẩm sinh khá phổ biến (có lần vào trang webtretho thấy ngạc nhiên về có nhiều người có con bị tự kỷ thế trong một topic về trẻ tự kỷ). Người tự kỷ hầu như không có khả năng cảm nhận được người khác nghĩ gì, cảm giác gì, và gặp rất nhiều khó khăn để có đối thoại được với người khác do họ không đoán được tư duy của người khác, không hiểu được các ngôn ngữ body language cũng như không hiểu được các khái niệm có tính trừu tượng. Đa số người tự kỷ có chỉ số thông minh thấp và gặp khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên cũng có nhiều người tự kỷ lại có thể có chỉ số thông minh cao hơn người bình thường. Và tỷ lệ những người có suy luận bằng hình ảnh và có khả năng tính toán siêu việt (ví dụ có thể nhẩm tính được 2 mũ 30 là bao nhiêu) dựa trên cách xử lý thông tin bằng hình ảnh (những người này gọi là savant) trong số người tự kỷ cũng cao hơn rất nhiều so với người bình thường. Một ví dụ của savant là nhân vật do Dustin Hoffman đóng trong phim Rainman (nhưng anh này là người tự kỷ hay không thì không chắc).
Quay lại với cuốn sách. Câu chuyện bắt đầu khi Christopher phát hiện chú chó nhà hàng xóm bị giết. Vốn hâm mộ Sherlock Holmes, cậu bé tự kỷ quyết định điều tra về cái chết của chú chó này, bất chấp sự ngăn cấm của người cha. Và trong quá trình điều tra, cậu phát hiện ra nhiều điều bất ngờ. Và những bí mật đó đưa cậu đến một chuyến phiêu lưu- một chuyến đi nếu với người bình thường thì chẳng có gì đáng kể nhưng với một người tự kỷ, không hiểu gì về thế giới bên ngoài bản thân mình thì lại đầy những bất trắc và sợ hãi.
Bằng tài năng của mình, Haddon đưa người đọc vào thế giới của Christopher, cảm nhận được những gì Christopher nghĩ. Nhiều quan sát về cách nghĩ của Christopher rất thú vị. Ví dụ Christopher không hiểu được ý nghĩa của ẩn dụ vì chỉ có thể hiểu những gì trực tiếp nhìn thấy hay suy luận bằng logic. Ví dụ khi nghe ai đó nói câu thành ngữ tiếng Anh là “trông chàng ngon nghẻ như trái táo trong mắt nàng” thì Christopher sẽ không hiểu vì không thể hình dung được trái táo trong mắt ai đó thì có ý nghĩa gì?. Christopher cũng không bao giờ nói dối, không phải vì có ý thức gì về đạo đức (với cậu bé, những khái niệm như đạo đức, thậm chí cả tình yêu là quá trừu tượng, và không thể hiểu được) mà vì nếu nói dối, cậu ta sẽ phải hình dung ra những tình huống không tồn tại và điều đó làm cậu ta sợ hãi và đau đầu. Thế nhưng Christopher lại là một savant, có khả năng toán học rất tốt, và dự định một ngày kia sẽ vào Đại học và trở thành một nhà khoa học.
Đọc “The Curious Incident”, người ta dễ liên tưởng tới hai cuốn tiểu thuyết mà vĩ đại của thế kỷ 20, đều kể chuyện bằng ngôi thứ nhất từ những người có troubled mind: Đó là Âm thanh và Cuồng nộ của Faulkner và Bắt trẻ đồng xanh của Salinger. Và có lẽ còn một cuốn thứ ba (cuốn này có lẽ gọi là truyện vừa) cũng vĩ đại không kém là Của chuột và người của Steinberg trong đó một trong hai nhân vật chính là một chàng khổng lồ nhưng có đầu óc của một đứa trẻ (ghi chú: cả ba cuốn này đều đã dịch ra tiếng Việt). Và cũng như các cuốn trên, bên cạnh tài năng kể chuyện thì điều mà “The Curious Incidend” gợi ra là những cảm xúc có tính nhân đạo, xuất phát không phải từ phía những người “bình thường” tới những người “bất bình thường” mà là từ cách nhìn của những người “bất bình thường” về thế giới chung quanh và về những người “bình thường”. Để rồi người đọc nhận ra rằng bên trong những người “bất bình thường” ấy có những vẻ đẹp trong sáng, dễ thương mà chúng ta đã (sẽ) đánh mất và đã (sẽ) hoài nghi: tình yêu trong lành mà anh chàng thần kinh trong “Âm thanh và cuồng nộ” với người chị gái; tình cảm âu yếm cảm động của Holden Caulfield trong “Bắt trẻ đồng xanh” với cô em gái nhỏ hay sự gần gũi đầy thích thú của Christopher với chó và cả với con chuột cống cậu ta nuôi. Chúng ta vẫn bực bội, khó chịu với những đứa trẻ không chịu lớn lên hay những kẻ lập dị do bẩm sinh hay do lựa chọn, không chịu trở thành những người bình thường như chúng ta. Nhưng hẳn là sẽ có đôi lúc nào đó, nhiều người sẽ thầm muốn ước gì mình chỉ như những đứa trẻ, có thể nhìn thế gian bằng một cái nhìn trong lành và đơn giản, không phải cảnh giác và hoài nghi.
Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Mark Haddon (gần đây ông này mới xuất bản cuốn thứ hai). Mark Haddon đã có thời gian làm việc nhiều năm với trẻ em mắc chứng tự kỷ. Những quan sát về người tự kỷ trong cuốn sách này được nhiều chuyên gia về tự kỷ cho là chính xác. Nhưng cũng có một số chi tiết được coi là không đúng, nhất là đối với người tự kỷ savant chẳng hạn cách mà người tự kỷ savant tính toán các con số và phép tính p
hức tạp (ví dụ tính nhẩm ngay lập tức 678 * 715 là dựa trên việc xử lý hình ảnh trong não chứ không phải bằng logic như Christopher trong truyện). Hình như các bạn Nhã Nam cũng sắp dịch cuốn này ra tiếng Việt?
No comments:
Post a Comment