Một buổi chiều và tối thứ bảy đọc Vietnamese chick-lit trên Vnthuquan. Sau “Tìm trong nỗi nhớ”, hồi ức của cựu du học sinh ở tuổi 40 là hai cuốn chick-lit (dịch: văn cho gái) của một tác giả 8x và một tác giả 7x.
Cuốn 1 là “Phải lấy người như anh” của Trần Thu Trang.
Cuốn này mở đầu cũng không đến nỗi tệ nhưng càng đọc thì càng phô. Được cái đọc cũng buồn cười cho dù lý do buồn cười là vì nhiều cái phi lý, ngớ ngẩn trong đó. Từ trước, tớ vẫn có cảm tính với em One/Thiếu-iốt trên mạng và khá thích cái mục Thư hàng tuần trên blog của em ấy nhưng mà truyện này thì đúng là một soap opera ngớ ngẩn. Việc truyện này bán chạy và được nói nhiều thế trên báo chí cho thấy đúng là văn hóa đọc của Việt Nam có nhiều vấn đề, kể cả ở mức độ đại chúng. In any case, it's absolutely not well-written.
Ví dụ đọc đoạn văn như thế này thì tớ không thể không buồn cười: "Những sợi tóc ngắn bết trên vầng trán khôi ngô, đôi mắt nâu sau cặp kính và đôi môi mím chặt khiến anh mang một vẻ trầm mặc u uẩn như thể triết gia. Chiếc quần jeans hơi bạc, chiếc sơ mi kẻ sọc nhỏ bên trong và chiếc áo gió bên ngoài đều không có gì đặc biệt nhưng toát nên vẻ thanh lịch. Và nếu anh không gọi cà phê bằng tiếng Việt có lẽ mọi người vẫn tưởng anh là một khách du lịch Nhật Bản Hàn Quốc nào đó như khi mới bước vào."
Mà trong truyện này thì những đoạn văn kiểu kiểu thế, thậm chí còn nhàm và sến gấp bội lại hơi bị nhiều. Kể ra cũng có vài đoạn được được như khi tả cảnh ở Hội An. Vài đoạn thể hiện tâm trạng nhân vật cũng có thể coi là được. Nhưng plot của truyện thì rất ngớ ngẩn, rất có chất của một kịch bản phim truyền hình hạng B của Việt Nam.
Sau kết thúc fantasy của chị Thu Trang về một anh Việt Nam nhưng nếu không nói tiếng Việt thì mọi người sẽ tưởng là khách du lịch Hàn Quốc thì tớ chuyển sang fantasy của chị Dương Thụy về một anh Bồ Đào Nha có cách nói chuyện rất Việt Nam trong “Oxford thương yêu” (tên rõ kêu, theo style kiểu Chuyện tình Harvard). Oh, My God, "Oxford thương yêu" nước ốc gọi bằng cụ :(. "Phải lấy người như anh" ít ra còn có cốt truyện có thắt nút mở nút khiến tớ còn chịu khó đọc chứ "Oxford thương yêu" là một thứ phế phẩm lảm nhảm và tự huyễn hoặc. Ngày xưa hồi còn Hương Đầu mùa thỉnh thoảng đọc truyện ngắn của Dương Thụy cũng không đến nỗi nào mà sao sau 10 năm chị này không những không tiến bộ lại càng ngày càng phô phang, vô duyên và ngô nghê đến thế. Đến chịu với một số văn sĩ Việt Nam :(. Cứ lảm nhảm các câu chuyện ngớ ngẩn, những mẩu đối thoại không đầu không cuối như thế mà cũng thành tiểu thuyết quá bằng tè vào văn học. Mà tớ đọc một số truyện của chị Dương Thụy còn cảm thấy chị này hơi bị ẩn ức ám ảnh về sado-masochism, hoặc là fantasy về kiểu mẫu thiếu nữ ngây thơ và bướng bỉnh, luôn được đàn ông ngưỡng mộ hay thèm thuồng (thông minh thì tất nhiên rồi- là alterego của Dương Thụy mà lại).
Một chị văn sĩ 32 tuổi mà vẫn chọn alter-ego là thiếu nữ ngây thơ, trong trắng và tương đối đức hạnh nhưng vẫn khiến đàn ông dễ turn on- nhân vật này trong truyện còn rất thích được các anh gọi là Lolita bé nhỏ, lol (không hiểu chị Thụy đã đọc Lolita của Nabokov bao giờ chưa?). The unbearable lighness of stupidity?
Hôm trước nghe bạn nào bảo là ở nước Nam mình, ai viết đúng chính tả thì có thể thành nhà văn, mà sai chính tả thì thành nhà thơ. Kể cũng đúng. Mà chắc cũng chẳng cần viết đúng chính tả lắm vì đằng nào cũng có biên tập rồi, nếu biên tập có không để ý nữa thì bạn đọc chịu khó vậy. Chắc vì thế mà các nhà văn của chúng ta ít khi chịu học cách viết văn (cần gì học cũng đã là nhà văn/nhà thơ rồi).
Chọn một đề tài thời thượng (tình yêu du học sinh thời a còng ở một trường đại học uy tín hay quan hệ tình cảm của gái văn phòng thời mở cửa) xong rồi ngoáy bút hí hoáy là có thể thành nổi tiếng rồi.
No comments:
Post a Comment