Bài này chỉnh sửa từ một comment trả lời trên blog bác 5xu. Dạo này mình hay đạo ý tưởng và lấy cảm hứng từ entry ở các blog khác để viết blog mình (thật ra là vì comment dài quá nên tiếc công type mới bê về blog mình :D)
.
1. Dương Vân Nga
Sử chỉ ghi thái hậu họ Dương còn chữ Dương Vân Nga sau này người ta cho thêm vào chứ không có trong Đại Việt sử ký toàn thư. Thời đó, việc các vua lấy vợ là vợ của các vua trước là bình thường, chỉ là củng cố liên minh chính trị giữa các dòng tộc lớn. Ảnh hưởng của Nho giáo không đáng kể thời này. Khác với các vua thời sau này hay khác với Trung Quốc (nhưng lại giống với Chiêm Thành trong việc có thể có nhiều hoàng hậu), các vua thời Đinh- Tiền Lê đều lập tới 5 hoàng hậu, và lấy các hoàng hậu thuộc các dòng tộc có thế lực.
2. Đinh Toàn
Về số phận của Đinh Toàn thực ra sử ghi lại cũng rất mập mờ, Tớ nhớ là chính sử không ghi gì tới số phận của Đinh Toàn sau khi bị cướp ngôi. Nhưng dù có làm gì thì Đinh Toàn lúc đó cũng như con gà trong chuồng, Lê Hoàn muốn bảo gì, làm gì chẳng được, thậm chí ngay cả cái chết trên chiến trường (nếu quả thực như vậy theo một số tài liệu phái sinh sau này) cũng là đáng nghi- trong lịch sử rất nhiều trường hợp những kẻ truất phế bị giết khi tới tuổi trưởng thành. Mà tướng Trịnh Minh Thế của Cao Đài cũng từng chết trên chiến trường!
3. Có phải Lê Hoàn giết Đinh Bộ Lĩnh
Nếu quả thực Lê Hoàn giết Đinh Bộ Lĩnh, tại sao Nguyễn Bặc, Đinh Điền không hỏi tội Lê Hoàn ngay sau sự biến cung đình? Có thể giải thích như sau. Thứ nhất họ chưa có cơ sở ngay để kết tội Lê Hoàn giết vua (có thể do Đỗ Thích không khai?). Thứ hai, quân ở kinh đô đều do Lê Hoàn nắm, Nguyễn Bặc- Đinh Điền tuy là trọng thần nhưng không trực tiếp nắm quân đội (Lê Hoàn là tổng chỉ huy quân đội và quân cấm vệ- sau này Lý Công Uẩn lấy được ngôi vua cũng nhờ là chỉ huy quân cấm vệ, Triệu Khuông Dẫn ở Tàu cũng thế). Và đây cũng là lý do hai trọng thần bậc nhất này lại nhanh chóng bị thua Lê Hoàn. Việc Lê Hoàn là tướng của Đinh Liễn mà lại có thể giết hai cha con Tiên Hoàng thì chẳng có gì là lạ, trong lịch sử thiếu gì trường hợp như thế, nhất là ở Trung Quốc. Lê Hoàn lại là một kẻ hùng tài, thao lược, không ngán cả Tống- Chiêm thì có ngại gì mấy vị chủ cũ giờ suốt ngày hoan hỉ yến tiệc rượu chè.
4. Tại sao Đinh Liễn giết em mà Tiên Hoàng không trừng trị.
Cuối cùng việc Đinh Liễn giết em trai mà vẫn làm đại quan thì cũng dễ hiểu. Đinh Liễn không phải là kẻ tầm thường, thế lực rất mạnh trong triều lại giết đi kẻ có thể tranh chấp với mình thì còn ai dám làm gì (trừ khi ám sát như đã làm). Như khi Lý Thế Dân giết Kiến Thành, Nguyên Cát xong thì Lý Uyên cũng chỉ tần ngần khóc chứ đâu dám làm gì Thế Dân nữa. Đinh Liễn giết Hạng Lang cũng là học tập Thế Dân thôi (hình như Lý Thế Dân cũng sùng đạo Phật còn tài giỏi với công lao thì khỏi phải nói rồi). Ngoài ra còn một ý nữa là trên phương diện ngoại giao mà nói thì Đinh Liễn chứ không phải Tiên Hoàng mới đang là người cai trị ở Việt Nam- Đinh Liễn được nhà Tống phong là Giao Chỉ quận vương, là người cai trị An Nam trong con mắt của nhà Tống. Chính vì cái chết của cha con họ Đinh nên nhà Tống mới có cớ để đánh Việt Nam.
5. Về niên hiệu Đại Hành.
ĐVSKTT ghi:
Mùa xuân, tháng 3, vua băng ở điện Truường Xuân, gọi là Đại Hành Hoàng Đế, sau nhân đó dùng làm miếu hiệu mà không đổi, chôn ở sơn lăng châu Trường Yên
Lê Văn Hưu nói: Thiên tử và hoàng hậu khi mới băng, chưa chôn vào sơn lăng, thì gọi là [25a] Đại Hành Hoàng Đế333 . Đại Hành Hoàng Hậu. Đến khi lăng tẩm đã yên thì hợp bầy tôi bàn xem đức hạnh hay hay dỡ để đặt thụy là mỗ hoàng đế, mỗ hoàng hậu, không gọi là Đại Hành nữa. Lê Đại Hành thì lấy Đại Hành làm thụy hiệu mà truyền đến ngày nay là làm sao? Vì Ngọa Triều là con bất tiếu334 , lại không có bề tôi Nho học để giúp đỡ bàn về phép đặt thụy cho nên thế.
(Đại Hành: khi vua mới mất chưa đặt thụy hiệu thì gọi là Đại Hành Hoàng Đế. Có sách giải thích "đại hành" là đi xa hẳn không trở lại. Có sách giải thích "đại hành" là đức hạnh lớn (hành và hạnh viết cùng một chữ, âm cổ đọc như nhau).
Một số sử gia sau này vin vào nghĩa thứ hai và cho rằng Đại Hành là vua được dân chúng yêu quý nên mới đặt tên thụy là “Đức lớn” như thế. Trong khi thực ra là Đại Hành không có tên thụy do sau khi chết, các con ông nội chiến, đánh giết nhau hàng mấy tháng trời, chẳng thèm bận tâm tới việc chính thức đặt tên thụy cho ông.
6. Quan điểm hai sử gia Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên về Lê Đại Hành
Nhận định của hai sử gia Lê Văn Hưu và Ngô Sỹ Liên về Lê Đại Hành đập nhau chan chát. Lê Văn Hưu có lẽ ở vào thời Nho giáo chưa thịnh lắm, đứng trên tinh thần dân tộc nên ca ngợi Lê Đại Hành do ông này dẹp yên nội loạn và nguy cơ nội chiến, phá Tống thành công. Ngược lại Ngô Sĩ Liên chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo nhiều hơn, nên đứng trên lập trường Nho giáo phê phán việc Đại Hành cướp ngôi, cũng như phạm vào cương thường đạo Nho (lấy 5 vợ, lấy vợ của chủ cũ…). Ngô Sĩ Liên cũng tỏ ra thương tâm cho số phận của Nguyễn Bặc, Đinh Điền, những người bị thua trận và không thể thanh minh trước lịch sử thuộc về phe thắng trận. Ông còn trách móc sử gia cũ như Lê Văn Hưu chỉ ghi lại lời Lê Hoàn mắng Nguyễn Bặc mà không ghi lại lời Nguyễn Bặc (có thể) mắng Lê Hoàn. “Nay xem lời Đại Hành kể tội Nguyễn Bặc tựa như vạch tội mình. Khi Bặc chết, ắt phải có nói một lời để bày tỏ chính nghĩa, nhưng không thấy sử chép, thế là bỏ sót.”.
Lê Văn Hưu nói: Lê Đại Hành Giết Đinh Điền, bằt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện [14b], Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được.Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư ? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên nói theo họLý.
Sử Thần Ngô Sĩ Liên nói: Tam cương là đạo thường của muôn đời, không thể một ngày [15a] rối loạn. Khi Đại Hành giữ chức nhiếp chính, Vệ Vương tuy còn nhỏ nhưng vẫn là vua, thế mà Đại Hành tự xưng là Phó Vương, rắp tâm làm điều bất lợi. Đạo làm tôi không được rắp tâm, rắp tâm thì ắt phải giết. Đó là phép của sách Xuân Thu, người người điều được nêu lên mà thi hành. Nguyễn Bặc, Đinh Điền sao có thể nhẫn tâm điềm nhiên mà nhìn ? Rồi lui về dấy quân hỏi tội, mưu giữ xã tắc, thế là bầy tôi trung nghĩa đấy. Việc không xong mà chết, thế là bề tôi tử tiết đấy. Lời bàn của Văn Hưu lái đánh đồng với hàng loạn tặc, khiến cho đạo nhân luân không được sáng tỏ với đời sau, gây mầm mống tiếm đoạt, để cho những kẻ có quyền lực tranh nhau bắt chước, quét sạch cương thường, vì thế không thể không biện bác.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Chu Công là người vương thất rất thân, giúp vua nhỏ tuổi còn không tránh khỏi những lời gièm pha phao truyền. Lê Hoàn là đại thần khác họ, nắm giữ binh quyền, làm công việc như Chu Công, thường tình còn ngờ vực, huống là Nguyễn Bặc ở chức thủ tướng và Đinh Điền là đại thần cùng họ hay sao? Bọn họ khởi binh không phải làm loạn, mà là một lòng phù tá nhà Đinh, vì giết Hoàn không được mà phải chết, ấy là chết đúng chỗ. Nay xem lời Đại Hành kể tội Nguyễn Bặc tựa như vạch tội mình. Khi Bặc chết, ắt phải có nói một lời để bày tỏ chính nghĩa, nhưng không thấy sử chép, thế là bỏ sót.
Sử Thần Ngô Sĩ Liên nói: Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chổ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, [16a] con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đàu mối họa đó sau ?
7. Nhận định của Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên về Ngô Quyền và Đinh Tiên Hoàng:
Đọc các nhận định của Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên có thể thấy quan điểm hai người tương đối khác nhau. Lê Văn Hưu có tinh thần dân tộc rất mạnh, hẳn là vì sinh ra vào thời nhà Trần đang trong giai đoạn chống Nguyên với hào khí Đông A. Ngô Sĩ Liên thì đánh giá thiên về quan điểm đạo đức Nho giáo, về khả năng tạo ra sự ổn định của triều đại, và cả theo quan điểm lịch sự thăng trầm theo “vận trời đất, bĩ rồi ắt thái”, ít đánh giá công trạng cá nhân hơn so với Lê Văn Hưu.
Nhận định về Ngô Quyền và Đinh Tiên Hoàng: Lê Văn Hưu ca ngợi quân công lấy lại đất nước của Ngô Quyền “làm cho người phương Bắc không dám sang lại nữa” nhưng lại ngầm chê “Ngô Quyền” chưa hoàn toàn độc lập và ngang hàng với phương Bắc vì mới chỉ xưng vương chứ chưa xưng đế. Do đó, Lê Văn Hưu có phần đánh giá cao Đinh Tiên Hoàng hơn Ngô Quyền do ông này đã xưng đế, ngang hàng với Trung Quốc, nối được cơ nghiệp của Triệu Vương.
Ngô Sĩ Liên thì lại bàn trên khía cạnh trị nước của Ngô Quyền, ông cho rằng Ngô Quyền đã có công lập ra một triều đại độc lập. Trong khi ông coi nhẹ vai trò của Đinh Tiên Hoàng, cho rằng đó là do yếu tố thời cuộc, hết loạn rồi trị thôi, không có một Đinh Bộ Lĩnh này thì sẽ có một Đinh Bộ Lĩnh khác.
Các sử gia sau này thiên về quan điểm của Ngô Sĩ Liên, cho rằng thời độc lập của Việt Nam được bắt đầu từ khi Ngô Quyền đuổi được quân Nam Hán (938) chứ không phải khi Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước và xưng Đế.
Lê Văn Hưu nói: Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đến, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Tiền Ngô [Vương] nổi lên không chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của bậc đế vương. Nhưng hưởng [21b] nước không được lâu, chưa thấy hiệu quả trị bình, đáng tiếc thay !
Lê Văn Hưu nói: Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu [3a] quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu Vương chăng
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vận trời đất, bĩ rồi ắt thái, Bắc Nam đều cùng một lẽ ấy. Thời Ngũ đại bên Bắc triều [Trung Quốc] suy loạn rồi Tống Thái Tổ nổi lên. Ở Nam triều [nước ta], 12 sứ quân phân chia quấy nhiễu, rồi Đinh Tiên Hoàng nổi lên. Không phải là ngẫu nhiên mà do vận trời vậy?
8. Những kẻ thua cuộc không có tiếng nói trong lịch sử?
Giả sử Lê Hoàn thua quân Tống, Việt Nam mất nước thì sau này chắc hậu thế sẽ tha hồ rủa Lê Hoàn như một Hậu Lý Nam đế từng cướp ngôi, ám sát Triệu Quang Phục rồi để mất nước. May mắn (và tất nhiên là nhờ tài năng của Lê Hoàn) mà Lê Hoàn đã thắng trận và thế là lại có câu chuyện Dương Vân Nga mặc hoàng bào để tiễn chàng ra trận cứu nguy cho sơn hà trong các vở kịch, truyện lịch sử sau này. Còn cái chết của cha con họ Đinh, cũng vì thế mãi mãi sẽ là một nghi án không thể làm rõ.
Ngô Sĩ Liên từng trách sao sử gia đời trước sao chỉ biết ghi Lê Hoàn mắng Nguyễn Bặc mà không biết lời Nguyễn Bặc đối đáp ra sao. Lịch sử quả không có chỗ cho kẻ thua cuộc. Những vụ án đầy bí hiểm như cái chết của cha con họ Đinh, thực hư chuyện Lê Văn Thịnh hóa hổ, cái chết của Lê Thái Tông và vụ án vườn Lệ Chi… sẽ mãi mãi là những bí ẩn không bao giờ có lời giải. Người ta vẫn hay nói “Lịch sử sẽ phán xét” nhưng phán xét như thế nào thì lại không phải là chuyện dễ biết. Vì sách sử do con người viết, sẽ có những điều không biết hay không thể viết. Sẽ có những người bị hàm oan trong lịch sử, sẽ có những kẻ thủ ác được tôn vinh…cho dù các nhà viết sử có công bình khẳng khái như Đông Hồ viết bốn chữ “Triệu Thuẫn giết vua”. Còn những nhà viết sử uốn bút theo lời kẻ mạnh thì không nói làm gì.
Nguồn: Đại Việt sử ký toàn thư.
No comments:
Post a Comment