Tại sao văn hóa Nhật lại ám ảnh nhiều với sex, nhất là các hình thức sex kỳ quặc nhất có thể? Tại sao các sách văn học Nhật, từ các tác giả kinh điển cho tới các tác giả nhằm tới người đọc teen lại hay có ám ảnh về hai thứ: tình dục và cái chết?
Tại sao người Nhật là dân tộc ít làm tình nhất trên thế giới (theo điều tra về hành vi sex toàn cầu của Durex)?
Tại sao các ấn phẩm khiêu dâm của Nhật Bản lại nhiều nhất trên Internet. Các trang web về khiêu dâm trẻ em hầu hết đều xuất phát từ Nhật?
Khác với các nước phương Đông khác như Trung Hoa hay Ấn Độ, nơi nghệ thuật tình dục được trau chuốt nhằm tăng sự khoái lạc và thỏa mãn (trong các cuốn sách như Tố Nữ Kinh hay Kamasutra), ở Nhật sự trau dồi nghệ thuật tình dục được hướng theo các khía cạnh mỹ cảm. Người Nhật tìm kiếm cái đẹp, cái khác lạ, khai thác cảm xúc theo những hướng cực đoan nhất chứ không phải đi tìm sự thỏa mãn và hài hòa trong tình dục. Họ cũng có một thái độ thẩm mỹ tương tự với cái chết.
Susan Sontag viết “What pornography is really about, ultimately, isn't sex but death.”
Có lẽ là thế, thái độ với sex trong văn hóa Nhật không phải là tìm kiếm ở nó ý nghĩa trong việc tận hưởng cuộc sống mà là đặt nó trong mối tương quan giữa sống và chết, ứng xử với nó như cách người ta ứng xử với cái chết.
Thái độ đó không có ở các nước phương Tây theo đạo Thiên Chúa, nơi người ta tìm được sự yên ổn với cái chết trong mối quan hệ cá nhân giữa con người và Thượng đế. Cũng không có ở các nước phương Đông vô thần như Trung Hoa hay Việt Nam, nơi đa phần người ta vẫn tin vào cõi âm, và có một thái độ thực dụng trong việc hưởng thụ cuộc sống trước khi chết. Văn hóa Khổng giáo ở các nước này chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi lời của Khổng tử: Việc của quỷ thần là việc của quỷ thần, ta chưa biết hết việc của ta sao bàn tới việc của quỷ thần? (trích dẫn theo ý, không chính xác nguyên văn).
Người Nhật là dân tộc vô tín ngưỡng nhất, trên thực tế, họ không có lòng tin với cả Thiên Chúa hay cõi bên kia. Thần thánh với người Nhật là hiện hữu trong chính con người ở cuộc sống này. Cũng như các pharaon Ai Cập, vua Nhật cũng là hiện thân của thánh thần. Nhưng cũng chính bởi sự không có lòng tin vào một sự tồn tại sau khi chết, cũng không thể gác nó sang một bên như văn hóa Nho giáo, mà văn hóa Nhật bị ám ảnh sâu sắc bởi sự chết. Một cái chết danh dự, một cái chết đẹp là những hình ảnh có sức sống và được kính trọng sâu sắc trong văn hóa Nhật. Tại sao câu chuyện về 47 Ronin lại được hâm mộ thế (trong khi xem sử Tàu, mấy người còn nhớ các chuyện như Điền Hoành cùng 300 tráng sĩ đâm cổ tự vẫn)? Phải, nó nói tới lòng trung thành, nhưng một yếu tố mạnh hơn, nó nói tới thái độ với cái chết. Những năm lưu lạc của các Ronin trước khi họ có hành động cuối cùng chỉ là khoảng thời gian chuẩn bị cho cái chết của chính họ.
Và cùng với ám ảnh về cái chết là các ám ảnh về tình dục như là một thử nghiệm về cái chết (và sự đau đớn). Chẳng phải trong tình dục là khi người ta cảm thấy gần gũi với cái chết nhiều hơn cả- một trạng thái khác của being, một hành trình đơn độc?.
Cốt lõi của văn hóa Nhật, do đó nằm ở ám ảnh với cái chết và chủ nghĩa duy mỹ cực đoan của họ. Và những thứ này lại gắn với yếu tố tôn giáo, niềm tin vào sự cô độc của con người trong một thế giới duy nhất, một cuộc sống duy nhất mà con người được biết. Ở đây, tôi không nói là người Nhật hoàn toàn không tin vào ma quỷ, thần thánh, Thượng đế hay cõi bên kia. Nhưng tôi nghĩ sâu thẳm bên trong, họ là dân tộc ít đức tin nhất vào những gì tồn tại bên ngoài thế giới mà họ đang sống. Và đó cũng là lý do trí tưởng tượng của họ phát huy cao độ nhất. Một khi bạn không bị ràng buộc bởi một niềm tin cố định thì bạn có thể tưởng tượng (và tin vào) tất cả mọi thứ như là một sự lựa chọn cho mình. Không có niềm tin sẵn có, bạn sẽ phải lựa chọn niềm tin (hoặc lựa chọn việc không tin).
(inspired by FR's blog).
No comments:
Post a Comment