Tuesday, August 07, 2007

Why not the worst

Đọc bài của bạn Trang, bên cạnh phản ứng có thể hiểu được của bạn khi tác phẩm bị chê (phản ứng mà giờ hay được gọi bằng cái câu “Ai cho mày chê con tao xấu” của Phan Thị Vàng Anh) thì tôi có một số nhận xét sau:

Thứ nhất về cách tôi chê tác phẩm của Dương Thụy và phỏng đoán là có thể có những ẩn ứng về tình dục trong tác phẩm là một điều bình thường. Các nhà phê bình vẫn có những giả thuyết như ảnh hưởng của chứng bất lực, sợ đàn bà của Kafka lên các tác phẩm của ông, hay ám ảnh về tình dục và bạo dâm từ đời tư bản thân trong các tác phẩm của Elfried Jelinex…Đó là nhận xét của một số nhà phê bình chuyên nghiệp đối với các tác phẩm của các nhà văn lớn. Ở đây, tôi cũng chỉ đặt một vấn đề có thể có các mặc cảm bạo/khổ dâm trong các tác phẩm của Dương Thụy với tư cách một nhà văn, và hoàn toàn không nói gì về đời tư của chị Thụy mà cá nhân tôi không hề quen biết. Cũng xin nói thêm ở đây là việc tồn tại các liên tưởng khổ/bạo dâm trong tác phẩm hoàn toàn là điều bình thường và không có gì xấu. Nhà phê bình nghệ thuật Susan Sontag có câu thế này: Khiêu dâm chẳng có gì xấu cả. Xấu xa là tả về nó một cách tồi tệ. Sự vụng về, ngớ ngẩn của Dương Thụy trong việc mô tả cảm xúc và cả ức ẩn tình dục mới là điều đáng quan tâm. Ở Mỹ hàng năm người ta vẫn có giải thưởng trao cho các cảnh mô tả sex tồi tệ, vô duyên nhất trong các tác phẩm văn học và điện ảnh cũng vì thế.

Tuy nhiên, nếu điều này thực sự làm phiền lòng nhà văn Dương Thụy và những người yêu mến chị thì tôi cũng xin lỗi.

Nội dung thứ hai quan trọng hơn. Bạn Trang viết “Tại sao tự dưng anh lại bỏ những cuốn sách đầy tính học thuật sâu sắc để đọc truyện giải trí làm gì? Mà sao anh không chọn sách giải trí cho nam giới lại chọn sách giải trí cho phụ nữ, lại còn phụ nữ Việt Nam (!), để rồi lại bực mình vì chúng mà tuôn xa xả trên blog như thế? Tôi chịu, không thể trả lời được, chỉ biết bắt chước người xưa tự bảo rằng mình không phải là người ta, sao biết cái bực của người ta”. Ở đây bạn Trang có một giả định ngầm hiểu là sách viết cho phụ nữ thì chỉ có phụ nữ mới nên đọc và nên nhận xét hay phê bình về nó. Nói theo kiểu Huệ Tử thì đàn ông không phải là phụ nữ nên không thể đánh giá chính xác tác phẩm dành cho phụ nữ. Giả định đó không hợp lý vì một tác phẩm được viết ra không có quy định ai là người được đọc hay nên đọc, và mỗi đối tượng đọc sẽ có cách hiểu và đánh giá khác nhau theo cảm tính và kinh nghiệm của bản thân. Lấy ví dụ cuốn Harry Potter vốn là sách dành cho trẻ con nhưng số người lớn đọc nó còn nhiều hơn số trẻ con (theo một bài báo link từ trang Arts & Letters Daily- Và tất nhiên các bài điểm sách trên báo về Harry Potter cũng không có bài nào do các cậu bé 15 tuổi viết cả). Các tiểu thuyết vốn được viết nhằm vào đối tượng bạn đọc là phụ nữ như của Jane Austen ngày nay trở thành các tiểu thuyết kinh điển được giảng dạy trong các trường Đại học và được nhiều chuyên gia có râu và không râu, mặc bra và không mặc bra phê bình, diễn giải. Thế nên ý kiến sách của gái là để gái đọc, giai có lén đọc thì không nên nói gì là hòan toàn không hợp lý. Lập luận của bạn Trang do đó thể hiện một sự thiếu hụt về logic.

Hơn nữa, những nhận xét của tôi là những nhận xét của một người đọc cụ thể, là đàn ông, 30 tuổi, phản ánh đánh giá của riêng tôi và hoàn toàn không quan tâm tới việc người đọc nhận xét đó phải tin vào nó. Một người đọc có thể cảm động và thích thú với “Oxford thương yêu”, có sao đâu, tôi không nghĩ mình có trách nhiệm phải thuyết phục anh ta/cô ta/ cháu bé là cuốn sách đó dở thế nào. Đơn giản, tôi chỉ nêu nhận xét của mình.

Còn những câu như “Tại sao tự dưng anh lại bỏ những cuốn sách đầy tính học thuật sâu sắc để đọc truyện giải trí làm gì?” thì quả thực rất buồn cười, bản thân tôi vẫn đang tự hỏi câu đó từ 15 năm nay mà vẫn chưa tìm ra câu trả lời (cũng không mong được ai trả lời giúp)
.

Nội dung thứ ba, có thể quan trọng hơn cả, là cách phản ứng trước một tác phẩm mà người đọc thấy là không hay trong thế giới Internet ngày nay. Theo bạn Trang, cách ứng xử hợp lý nhất khi thấy tác phẩm không hay (theo chủ quan) là không quan tâm tới nó, quẳng nó sang một bên chứ không cố đọc hết nó, rồi nếu có mà đọc thì đọc xong cũng cấm kêu, “xê ra cho người ta làm văn sĩ”. Phản ứng này của bạn Trang theo tôi là rất chủ quan và có tính áp đặt. Mỗi người đều có cách ứng xử riêng của mình khi đọc một tác phẩm hay dở (cũng như khi chọn một cuốn sách hay dở). Nói thực, đối với tôi, đọc một cuốn sách rất dở nhiều khi lại là một thú vui. Thú vui ấy lại càng thích thú trong trường hợp tác giả cuốn sách dở lại cứ nghĩ là mình viết hay. Trường hợp này cũng xảy ra trong điện ảnh. Các phim của đạo diễn Ed Wood được nhiều người xem rất hâm mộ vì nó quá dở nhưng đạo diễn thì luôn tin tưởng là phim của mình rất hay, và xem phim của ông, người ta sẽ được cười sảng khoái vì cái sự dở một cách hồn nhiên của nó.

Vì lý do tại sao người ta đọc sách dở thì có thể xem bài tiểu luận này “Why not the worst” trên tờ NY Times. Có đoạn như sau “Bad books have an important place in our lives, because they keep the brain active. We spend so much time wondering what incredibly dumb thing the author will say a few pages down the road. One caveat: As with bad movies, a book that is merely bad but not exquisitely bad is a waste of time, while a genuinely terrible book is a sheer delight.”.

Đọc sách dở cũng là một sự thích thú. Và việc nhận xét về nó thì vừa là một sự thích thú vừa có một ý nghĩa tích cực. Nếu không lầm thì bạn Trang cũng hay tham gia một diễn đàn (mở) mà trong đó có phương châm “making fun of stupidity”. Và tôi nghĩ rằng ắt hẳn bạn cũng đã từng có nhiều lúc cũng “making fun of stupidity”. So, it happened and happens all t
he time!

Quan trọng hơn, một tác phẩm chính thức ra đời thì công chúng có toàn quyền nhận xét về nó theo ý họ. Bạn lo ngại những nhận xét “sắc cạnh” có thể giết chết tác phẩm, hay cảm hứng của tác giả (còn cái ý bạn nêu ra “mạng sống của không chỉ một con gà” thì tôi hơi sợ nên xin không được đưa vào). Nhưng cái đáng quan tâm hơn là các nhận xét đó có chính xác không hay là có sai sót, và tác phẩm đó có thực sự hay, hấp dẫn hay dở theo chủ kiến của người viết. Những lời phê bình khen ngợi hay vuốt đuôi thì có quá nhiều rồi, và cũng không ít những lời chê ngớ ngẩn, vơ đũa cả nắm đối với các tác phẩm nổi nổi (hai loại này tồn tại trên cả báo chí lẫn trên các blog). Và tất nhiên cũng không thiếu những lời khen nửa vời, chê nhỏ nhẹ “thiện chí”. Nếu một nhà văn sợ các lời chê “sắc cạnh” đến thế thì có nên xuất bản tác phẩm của mình không vì một khi tác phẩm đó đã được xuất bản thì nó không còn là sản phẩm của riêng nhà văn đó nữa rồi. Với lại, những người phê bình (ở đây không chỉ tôi- tôi chỉ là người đọc sách) khi viết phê bình thì đối tượng họ nhằm vào không phải là các nhà văn, mà là những độc giả đã, đang, hay có thể đọc cuốn đó. Và vì thế trách nhiệm của một người phê bình không chỉ là giới thiệu những cuốn sách hay mà còn là trình bày quan điểm của họ với các cuốn sách mà họ coi là dở, nhưng lại đang làm mưa làm gió trên thị trường (hai ví dụ: Phạm Lưu Vũ từng có bài phê bình Totem Sói và phê bình cả việc không có nhà phê bình nào phê bình cuốn sách đó; nhà phê bình có lẽ là nổi tiếng nhất thế giới hiện nay là Harold Bloom từng phê phán hiện tượng Harry Potter một cách rất nặng nề cho dù sở trường của ông này là Shakespeare!).

Điểm cuối cùng là về tính chất của blog. Blog là một trang web cá nhân và người viết blog thể hiện quan điểm cá nhân của mình với đối tượng người đọc có thể là bất kỳ ai, một nhóm nhỏ hay chỉ riêng mình. Và tất nhiên người đó chịu trách nhiệm với những gì mình viết trên blog của mình. Như thế hẳn là đã đủ cho tính trách nhiệm cho việc khen/chê rồi. Nếu bạn đọc trên blog tôi cảm thấy những lời tôi nói là thiếu cơ sở, hàm hồ, vô tình hay thậm chí là “độc ác” thì đó là quan điểm của các bạn. Tôi không thể có ý kiến gì.

Entry này bắt nguồn từ Thư hàng tuần của Trần Thu Trang nhưng cũng không hẳn chỉ để trả lời bài trên blog và website của Trần Thu Trang. Rộng hơn nó thể hiện quan điểm của tôi về cách ứng xử xung quanh việc viết văn, đọc sách và đọc/viết blog.

Cuối cùng cũng mong rằng đây sẽ là trao đổi và bày tỏ ý kiến cá nhân chứ không phải là “khẩu chiến” hay “bút chiến” gì.

PS: Với các bạn comment phê phán tôi trên blog của bạn Trang, tôi cũng mong sẽ nhận được các ý kiến phê phán thực sự chứ không phải mấy câu vuốt đuôi kiểu: Ph.D mà hóa ra chỉ nghĩ được thế thôi…(nghe buồn cười lắm!).

No comments: