Sunday, August 05, 2007

Tản mạn linh tinh

Thử bàn về vị thế của nhà văn trong xã hội Việt Nam. Có một câu có thể tóm gọn: vị thế của nhà văn trong xã hội Việt Nam thua kém rất rất nhiều lần so với vị thế trong xã hội của các nhà văn ở các nước phát triển.

Các nhà văn ở các nước phương Tây có một vị thế rất đáng nể với đời sống xã hội. Nhà văn ở một vị trí đặc biệt, họ là trung gian giữa nghệ thuật và xã hội, giữa tư tưởng và thực tiễn, họ có thể có sức ảnh hưởng lớn tới cả dân chúng và chính quyền. Một nhà triết học, một nhà chính trị học có thể có những luận thuyết, tư tưởng lớn nhưng chính các nhà văn mới là những người có thể cho các tư tưởng đó những hình hài, những cảm xúc, khiến chúng có được sức sống lâu dài.


Từ xưa tới nay, những nhà tư tưởng có ảnh hưởng mạnh mẽ tới quần chúng đều có thể xem là những nhà văn. Hầu hết mọi người biết tới chủ nghĩa hiện sinh nhờ các tác phẩm văn học của Sartre và Camus chứ không phải bằng cách đọc sách triết của Heidegger, Sartre hay Jasper. Tư tưởng Nietzsche được tiếp cận từ góc độ một nhà văn. Và người ta đọc Trang Tử, Hàn Phi Tử hay cả Khổng tử (trong Luận ngữ) không như những cẩm nang triết lý khô khan mà còn là những áng văn hay, những câu chuyện thâm thúy thể hiện triết lý của các triết gia này.


Có thể có rất nhiều nghiên cứu về những sự tồi tệ của chế độ phát xít, chế độ toàn trị hay xã hội tư bản hay sự khủng khiếp của chiến tranh. Nhưng khi nói tới sự kinh khủng của chế độ toàn trị, nhiều người sẽ nghĩ tới cuốn 1984 của Orwell, sự khủng khiếp của chiến tranh- Remarque, Hemingway, Bảo Ninh; các xấu xa và thói đạo đức giả trong xã hội tư bản- Jack London hay Theodor Dreiser; sự cô đơn của con người trong một thế giới ngày càng ít tính cá nhân- Kafka…Cho tới những năm 60 của thế kỷ 20, các nhà văn từng được coi như những người hướng dẫn về tinh thần và tư tưởng cho các thế hệ, những Sartre-Camus ở châu Âu, Jack Kerouac- Alan Ginsberg ở Mỹ. Ngày nay, các nhà văn không còn có được những vị trí có ảnh hưởng mạnh mẽ như thế trong xã hội (cùng với việc giảm sút vai trò của sách và gia tăng các kênh thông tin khác như truyền hình, điện ảnh và Internet). Nhưng họ vẫn có những vị trí đặc biệt trong cái gọi là lương tri xã hội. Văn học là sự phản ánh toàn diện và đầy đủ nhất về cả tư tưởng và lương tri xã hội.

Lấy ví dụ về vấn đề khủng bố và tình hình Trung Đông. Nếu người phát biểu là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về Trung Đông, tôi sẽ quan tâm tới khía cạnh nghiên cứu của ông ta trong việc đó. Nếu đó là một chính trị gia, well, tôi sẽ quan tâm tới khía cạnh thực tiễn của nhận định của ông ta, và ngầm giả định một sự thiên kiến nhất định do ảnh hưởng bởi niềm tin chính trị của ông ta. Nếu đó là một nhạc sĩ/họa sĩ/ca sĩ/diễn viên điện ảnh, tôi sẽ chỉ quan tâm tới việc đó như là ý kiến riêng của một celebrity. Nhưng nếu là một nhà văn nổi tiếng thì tôi sẽ để ý tới phát biểu đó như một đại diện (ở mức độ nào đó) của giới trí thức. Tất nhiên thực ra đó vẫn là phát biểu của riêng ông ta. Nhưng tôi vẫn cứ cho rằng văn học là một cầu nối giữa đạo đức và tư tưởng, là nơi mà người ta có thể và cần phải dung hòa được giữa Chân, Thiện và Mỹ. Sự phức tạp và yêu cầu cân bằng đó khiến các nhà văn trở thành người đại diện đầy đủ hơn cả cho giới trí thức, như là một giao điểm giữa tư tưởng (chân), lương tâm (thiện) và tâm hồn (mỹ) của người trí thức. Hơn nữa, họ còn vừa là trí thức vừa là nghệ sĩ. Và vì thế tiếng nói của họ có thể xem như tiếng nói đại diện cho giới trí thức và nghệ sĩ, mà trong bất cứ một xã hội nào thì giới trí thức- nghệ sĩ cũng là những người tiên phong, hướng dẫn đời sống tinh thần của toàn bộ xã hội.

Còn địa vị các nhà văn hay rộng hơn là người viết ở Việt Nam? Khỏi phải nói cũng biết là nó tệ như thế nào. Thời phong kiến: Nguyễn Trãi bị tru di, Nguyễn Du lạy lục hai triều đại, tới khi chết rồi còn bị Tự Đức dọa đánh, Cao Bá Quát cũng bị tru di (may là lúc đó chết rồi). Thời thực dân: “Nhà văn An Nam khổ như chó”. Thời XHCN “văn chương phải đạo” (Hoàng Ngọc Hiến), “viết phải lựa” (Hữu Thọ). Thời nào cũng thế, nhà văn ở Việt Nam chưa bao giờ có vị trí như những trí thức độc lập có chính kiến riêng. Tư tưởng duy nhất có thể có và được chấp nhận trong xã hội là tư tưởng “phò chính thống” (từ của Phạm Thị Hoài). Thế nên chẳng có gì ngạc nhiên là địa vị họ bèo bọt như lá cuốn chiều thu, một cơn gió nhẹ cũng đưa họ ngơ ngác rẽ tới nẻo nào chẳng biết. Với một cái nghề mà thân phận bèo bọt thế thì trách gì họ đều coi văn chương như một cuộc chơi, lấy gì để neo họ được.


Thế nên mới thấy buồn cười khi chủ đề café văn học của một nhóm văn sĩ và nhà phê bình ở Việt Nam được lấy tên là “Sức mạnh của ngôn từ”. Bởi vì ở Việt Nam, những ngôn từ có sức mạnh không phải là ngôn từ của các nhà văn. Thế nên lại càng buồn cười hơn khi sức mạnh của ngôn từ ấy lại dễ dàng bị bẻ gẫy chỉ bằng một cái roẹt bút của Sở Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Buồn cười nhưng cũng không có gì ngạc nhiên, dù rằng không muốn lại phải nói lại cái câu của ông G.S Hoàng Ngọc Hiến mà các văn nghệ sĩ và nhân dân Việt Nam thông minh, cần cù lao động và yêu chuộng hòa bình rất ưa chuộng “Cái xứ mình nó thế”


Trích đoạn về phản ứng của những diễn giả tham dự buổi café văn học đó sau khi buổi café bị cấm trên blog của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Vẫn buồn cười và không ngạc nhiên. Không bình luận gì thêm.


“Lê Hoàng quay lại trêu Phạm Xuân Nguyên:-"Có ông vào tôi biết thế nào cũng cấm! Ở Sàigòn thiếu gì người MC tại sao phải nhờ một thằng Hà Nội?". Anh Nguyên không vừa: -"Ngồi ở bàn này ai Hà Nội nhất? Không phải là ông thì ai? Ông là dân Hàng Đào, tôi vẫn là dânmiền Trung kia mà! hù hù!". Lê Hoàng quay sang Trâm:-"Hôm nay làm chủ đề gì em?". Trâm tưởng anh Hoàng không biết thật, nhắc:-"Sức mạnh của ngôn từ!". Hoàng tru tréo: -"Ối giời ơi! Cái chủ đề gì mà gớm thế! Sức mạnh của ngôn từ thì thảo luận với nhau hàng năm không hết làm ***** gì xong một buổi? Sức mạnh sức méo! Nó cấm cho là phải!..". Hoàng chỉa mũi dùi quay sang Nguyên:-"Tại sao lại lấy chủ đề "vật" thế? Sao không lấy những chủ đề khác như "Nhà văn và nhuận bút", Thu nhập Nhà văn" hay "Nhà văn kiếm tiền thế nào trong kinh tế thị trường"? Cứ thị trường vào là an toàn!!! Đề với chả tài..." Nguyên cười hóm: "Thì thị trường như "Gái nhảy", "Trai nhảy" của ông là an toàn chứ gì!". Hoàng đốp lại: -"Tôi làm phim thương mại chứ không làm phim thị trường!"...



Lại thử hỏi "đùa" nhau về sự cấm. Tại sao cấm cafê văn học nhỉ? Lê Hoàng đùa, bảo, những chương trình của Hội đồng Anh mới, và đây là “hậu quả của việc dân chủ quá trớn”. Trâm cho hay Sở Văn hóa thông tin TP.HCM trước khi có công văn cấm đã yêu cầu phải "cung cấp cụ thể bản danh sách khách mời và đối tượng được mời" (!?) thì mới cho làm nhưng British Council không thể cung cấp được! Bởi người được mời và người đã đến dự không hoàn toàn là một. Họ yêu văn chương thì họ đến chứ không ai muốn bị phiền toái, muốn bị "liệt kê" tên tuổi vào một bản danh sách cả! Muốn tất cả "đi chỗ khác chơi" thì thiếu gì cách "diễn"! Anh Nguyên nói:-"Nếu Sở không đồng ý với tư cách của diễn giả hay MC thì cũng có thể gợi ý cho Ban tổ chức thay đổi. Sao lại tùy tiện cấm ngang như vậy! Còn gì văn hóa nữa!?". Nhưng rồi anh cười cười giễu nhại một lời hát của nhạc sĩ Xuân Hồng:-" Suy cho cùng cũng là "lỗi" tại mình. Bởi cách đây 30 năm ông Xuân Hồng đã viết "tuổi lớn rồi vẫn như ngây thơ". Mình không ngộ ra làm chi! Khổ!"!”


Nhưng có cái này thì ngạc nhiên và không buồn cười. Đó là phản ứng trên mạng của các bạn ở một diễn đàn vẫn hay tự hào là trí tuệ nhất Việt Nam, tập trung nhiều trí thức nhất. Không có một lời nào than phiền về cách xử trí thiếu văn hóa của Sở Văn hóa TPHCM, trái lại toàn các ý kiến kẻ cả dè bỉu nặng nề (thậm chí thô bỉ) những người tham dự. Một thái độ phản trí thức ở mức cực đoan như thế lại trong số những người có thể được coi là trí thức. Dù rằng có thể Hội thảo đó là nhạt nhẽo và không ích lợi gì mấy. Dù rằng những người tham dự Hội thảo chưa thể được coi là đại diện của văn học Việt Nam (nhưng có nhất thiết là cần đại diện và lấy tiêu chuẩn gì để chọn đại diện).. thì đó cũng là một hoạt động văn hóa lành mạnh ở một xứ sở đã quá thiếu các hoạt động văn hóa lành mạnh và làm gì cũng phải dấm dúi thậm thụt!. Chẳng nhẽ dân chủ là khi bạn có thể nói xấu chế độ ở quán bia (và đôi khi trên mạng) nhưng lại không thể tham dự công khai một sinh hoạt văn hóa? Và trí thức là người thấy hả hê khi thấy người trí thức khác bị bịt miệng?

Tôi nghĩ đó là một sự thảm hại về tinh thần (mentality) trong số rất nhiều người có học ở Việt Nam. Biểu hiện trước hết là một sự dè bỉu đối với bất kỳ những nỗ lực nào của một số người muốn cái dây trói tinh thần của họ nới lỏng hơn một chút.

Trích vài ý kiến trên diễn đàn:

“Anh ngồi xem vỗ tay tán thưởng như xem khỉ diễn trò, lại thêm bọn bồi bút chuyên xỏ xiên chọc ngoáy BBC hò reo cổ vũ. Cứ như là cái lũ vô công rồi nghề ấy là đại diện cho cả nền văn học Việt Nam không bằng.”

“Bình thường bọn viết lách đã lôi nhau lên mạng chửi nhau không ra cái chó gì. Bây giờ lại kéo nhau ra giữa chợ lâu xâu bâu này. Hoa mĩ thì gọi là đàm luận, thực ra là táng nhau trước sự chứng kiến (cổ súy) của mấy thằng mắt xanh mũi lõ, cảnh tượng lố bịch vậy còn để tiếp diễn thì hỏi dân tình ta còn mặt mũi nào. Dẹp cho lành mạnh.”

...

Kết lại bằng một bài thơ của Tagore:

Bài 28 tập Lời dâng


Những chướng ngại thật là dai dẳng
Vậy mà khi thử phá chúng đi
ta nghe đau nhói trong lòng
Ta ham muốn tự do,
Nhưng tưởng vọng đến nó
Ta lại thấy mình xấu hổ.
Ta biết chắc
sự giàu sang vô giá là ở nơi ngươi,
và biết ngươi là người bạn quý nhất của ta,
vậy mà ta chẳng lòng nào xua đi
bao rác rưởi đầy ngập cả căn phòng.

Tấm vải phủ trên mình ta
là tấm vải bụi nhơ và chết chóc;
Ta ghét nó,
vậy mà ta vẫn thiết tha ôm nó vào lòng

Nợ của ta khá lớn,
những điều sơ hở thì nhiều,
và nỗi nhục nặng nề, sâu kín;
Vậy mà khi đòi hỏi cho những sự tốt lành
thì ta lại run lên
vì sợ lời cầu xin kia được chấp thuận

Rất có thể vấn đề đối với Việt Nam hiện nay không phải là dân chủ, mà cũng không phải là cặp nhị nguyên dân trí hay dân chủ (cái nào nên có trước- con gà hay quả trứng?), mà chính là cái mentality của người Việt.

No comments: