Wednesday, August 08, 2007

Kinh không chữ

Ý này viết nhân đọc một entry blog của Phương Tít.

Trong Tây du ký có đoạn thầy trò Đường Tăng khi tới được Tây Trúc bị hai vị tôn giả Anan- Ca Diếp đòi hối lộ. (Anan là học trò cưng nhất của Thích Ca khi còn ở kiếp người và cũng là họ hàng của thái tử Tất Đạt Đa). Họ không chịu hối lộ nên nhận phải kinh không chữ. Thử diễn giải xem (chắc chắn là over-interpretation, nhét giẻ vào miệng tác giả rồi nhưng đôi khi việc diễn giải như thế cũng là một cách để đầu óc đỡ lười).

Chân kinh mà không chữ thì mới đúng theo tinh thần của đạo Phật. Bởi đã là chân lý mà phải nói ra, phải viết ra, sử dụng tới ngôn ngữ để diễn tả thì chân lý đó cũng đã không còn toàn vẹn rồi (Lão Tử nói: Đạo khả đạo phi thường đạo, Phật tổ niêm hoa vi tiếu). Lẽ ra khi nhận được kinh không chữ thầy trò Đường Tăng phải ngộ đạo nhưng họ vẫn không ngộ mà nghi là các vị chân giả tráo đồ. Vì thấy họ vẫn chưa tới tầng giác ngộ hiểu được lẽ diệu huyền của kinh không chữ, Phật mới cho họ kinh có chữ, tức là đã hạ chân lý xuống một mức độ đơn giản dễ hiểu cho phù hợp với chúng sinh còn nhiều u mê.

Đến đoạn chân kinh bị ướt, mất một số trang do Đường Tăng quên hỏi hộ con rùa cũng có ý nghĩa. Thứ nhất, con người sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu biết đầy đủ được lời chỉ dạy của Thích Ca cả. Thứ hai, con người cũng không nên cứ bám vào những lời chỉ dạy đó, coi đó là toàn diện, hoàn hảo. Kinh Phật mất đi vài trang chính là để cho người ta khỏi bị giáo điều, để tự đi tìm chân lý chứ không phải chỉ tụng kinh, đọc sách là có thể nắm bắt được. Thứ ba, phải chăng trong mong ước đắc đạo, thầy trò Đường Tăng (cũng như nhiều người mong đắc đạo khác) đã hơi ích kỷ hoặc vô tình, quên đi những ưu tư khắc khỏai của kẻ khác –mối ưu tư mà đối với Đường Tăng là chuyện vụn vặt, nhưng với con rùa lại là câu hỏi theo đuổi hàng trăm năm. Với sự vô tình với chúng sinh đó, Đường Tăng đã phải trả giá bằng một bộ kinh mất đi vài trang quý.


Thế còn việc đất Phật mà các vị đệ tử Như Lai cũng đòi hối lộ là sao? Ở đây có lẽ tác giả muốn nói tham sân si là thứ ở trong lòng, trừ diệt nó còn khó hơn việc đã tới được cửa Phật. Tham sân si này có thể là từ phía hai vị tôn giả khi họ đòi lễ vật. Nhưng cũng có thể là không, họ chỉ thử lòng thầy trò Đường Tăng thôi. Nhưng chắc chắn là tham sân si vẫn còn nhiều trong lòng thầy trò Đường Tăng nữa. Họ tiếc rẻ cái bát ăn bằng vàng, giận dữ với việc các tôn giả đòi lễ vật, và sau cùng thì hối lộ cho các vị tôn giả trong hậm hực. Tức là họ vẫn còn nhiều tục niệm chưa rửa được dù đã tới được đất của Như Lai- họ mới chỉ qua được chặng đầu trên đường thành Phật, mà cũng không phải là chặng khó nhất. Diệt trừ ma quái, vất vả chịu đựng gian khổ, bất công…tuy có khó khăn nhưng vẫn là con đường có mục đích rõ ràng, có bàn tay Phật chỉ đường và để nương tựa khi gặp tuyệt đường, và đó vẫn là những kẻ thù, tà mà ở ngoại thân. Còn chặng tiếp theo trừ tham sân si thì họ vẫn chưa làm được, và đó mới là khó khăn. Đến được xứ Phật đâu có phải là đã thành Phật?

Đấy cũng chỉ là một cách diễn giải nhưng có lẽ Ngô Thừa Ân thâm thúy và hiểu nhiều về đạo Phật chứ không chỉ viết Tây Du Ký như một câu chuyện dân gian mua vui cho thiên hạ.

No comments: