Đọc bài của chị 2 4 6 về chữ sến thấy có nhiều cái hay. Nó cũng gần với lý do tại sao tôi (hay) thích nghe nhạc sến, (đôi khi) thích đọc thơ sến, nhưng lại hay khó chịu khi phải đọc truyện, tiểu thuyết sến hay xem phim sến.
Khi nghe nhạc sến, đọc thơ sến người nghe/người đọc có cảm giác nghỉ ngơi. Đôi khi nó cũng đánh thức những cảm xúc bên trong của con người. Hơn nữa, để viết một bài nhạc sến hay hoặc một bài thơ sến hay cũng không phải là việc dễ dãi.
Ở góc độ nào đó, nhiều bài nhạc Trịnh Công Sơn, và có lẽ là 100% nhạc Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Đoàn Chuẩn- Từ Linh đều có thể xếp vào nhạc sến (tất nhiên từ nhạc sến này hiểu theo nghĩa khác với từ nhạc sến người ta hay dùng chỉ nhạc phổ thông ở đồng bằng Nam bộ mà Tuấn Vũ, Chế Linh, Hương Lan hay hát). Gọi sang trọng hơn thì là nhạc tình hay nhạc lãng mạn, nhưng thực ra đó cũng là nhạc sến, với các hòa âm tròn trịa, đơn giản, người nghe biết trước là mình sẽ được nghe gì. Nghe nhạc sến cũng như nghe một bài thơ tình lãng mạn được hòa âm với những giai điệu nhẹ nhàng và thường quen thuộc. Có thể gọi đó là sự dễ dãi nhưng là sự dễ dãi giữa mình với mình, mình biết đó là sự dễ dãi và mình có thể làm chủ được sự dễ dãi đó. (Tuy nhiên cũng không hoàn toàn thế, ví dụ phần lời trong nhiều bài của các tác giả trên rất biểu cảm, phức tạp, và khiến người nghe không thể tiếp nhận một cách thụ động).
Còn về truyện sến? Trích đoạn này trong bài của chị 2 4 6:
“Nhiều tác giả lười biếng, thay vì kể chuyện, họ kể chuyện ngụ ngôn hay quasi ngụ ngôn.
Viết chuyện ngụ ngôn là đi đường tắt. Chẳng cần phải tả cô gái thích làm diễn viên, chỉ cần gọi cô là cừu non. Chẳng cần phải tả anh đạo điễn Việt kiều, chỉ cần gọi anh là cáo. Thế là mọi người ai cũng biết tất cả về họ.
Có người thẳng thắn nhận là mình đang viết truyện ngụ ngôn hay quasi ngụ ngôn, nhưng lại cũng có vô số người dùng thủ pháp của thể loại này trong văn mình một cách có ý thức hoặc vô thức nhưng lại cho là mình viết truyện hiện thực hay siêu thực. Kết quả là truyện sến. Một định nghĩa của sến là dùng những hình ảnh đã xài nhiều thành mòn và sáo, còn định nghĩa kia đương nhiên phải theo sau là xếp con người, sự việc vào những cái ngăn kéo.”
Tại sao các truyện sến và phim sến lại dễ gợi nên sự phản cảm trong tôi. Có hai lý do. Thứ nhất các truyện/phim sến phản ánh sự lười biếng của tác giả trong việc tìm tòi, đi ra ngoài những công thức đã có sẵn, những kiểu mẫu nhân vật có sẵn. Và vì lười biếng, tác giả đó sẽ trở nên nhạt nhẽo do chấp nhẫn những kiểu công thức có sẵn. Mà một tác giả lười biếng và nhạt nhẽo thì tệ hại hơn bao giờ hết. Kundera đại khái có nói là nếu thế gian này có thêm một anh thợ sửa ống nước nhạt nhẽo thì cũng chẳng sao nhưng một tác giả nhạt nhẽo thì sẽ có thêm một điều tồi tệ. Bởi vì một tác giả nhạt nhẽo sẽ lấy đi thời gian của người đọc- thời gian mà người ta có thể dành cho những cuốn sách có giá trị hơn. Tệ hơn, tôi nghĩ một tác phẩm nhạt nhẽo còn góp phần tạo ra sự tầm thường hóa các giá trị trong cuộc sống, tầm thường hóa nghệ thuật và biến những thứ “kitsch” trở thành một thứ gần như chuẩn mực.
Lý do thứ hai, có thể với một cách nhìn hơi cổ điển, tôi hiểu truyện và phim là các câu chuyện về cuộc sống: về xã hội, về cá nhân, về tương tác giữa các cá nhân với nhau, về các tình huống tồn tại của con người, về những khả năng có thể xảy ra trong cuộc sống…Khác với thơ và nhạc là sự đánh thức cảm giác và những tưởng tượng thiên về cảm xúc, truyện và phim gợi ra trí tưởng tượng bằng hình ảnh và các tình huống có tính logic qua các câu chuyện được kể. Truyện sến và phim sến như vậy không chỉ là sự lười biếng mà còn là sự giả dối, nó đánh lừa con người rằng cuộc sống là một câu chuyện được biết trước, nó chia tách các nhân vật thành những kiểu mẫu có trước, nó tầm thường hóa tình yêu và tâm lý con người theo những công thức cho trước. Và chính vì thế, truyện và phim sến có thể làm nhạt nhẽo cuộc sống hơn bao giờ hết.
Dân tộc Việt Nam là dân tộc có truyền thống sến, nhất là trong thơ và nhạc. Thử đọc thơ Việt và nhạc Việt hẳn sẽ thấy nhạc tính đều đều, tròn trịa với những nội dung không ngọt ngào thì cũng đìu hiu của nó. Nhưng dù sao nhạc sến và thơ sến cũng không nguy hiểm (ngoại trừ việc làm cho ai cũng tưởng mình là người yêu âm nhạc/thi ca, hay là những nhà thơ-cũng là vô hại thậm chí còn hơi dễ thương). Nhạc/thơ dù sao cũng là những yếu tố thể hiện âm tính. Trong khi có thể coi văn/phim như những mặt dương tính. Thế nên nếu cả truyện và phim mà cũng sến, nhạt nhẽo, công thức, thiếu trí tưởng tượng và khả năng đặt vấn đề nữa thì nền văn hóa –nghệ thuật của chúng ta sẽ trở nên sến toàn bộ.
Và cái nguy hiểm khi các giá trị sến lên ngôi là gì? Đó là khi tất cả đều trở nên nhạt nhẽo, những lời tán tỉnh trở nên công thức, những lời tỏ tình nhạt nhẽo, những tình cảm lẽ ra chân thực bỗng trở nên sáo rỗng, và đôi khi khiến chúng ta cười nửa miệng tự giễu mình vì nghĩ rằng như thế là “sến”…
No comments:
Post a Comment