Với tiêu đề “Muốn Quản Lý Blog Cũng Như Định Trói Cẳng Chim Trời”, có vẻ như nhà báo Huy Đức ủng hộ cho việc không quản lý blog. Sau khi khẳng định một số mặt tích cực của blog, Huy Đức khẳng định ý khó quản lý blog trong bài như sau: “Đặt vấn đề cấp phép cho blog, nghĩ, cũng như đòi buộc dây vào cẳng những chú chim trời. Sự xuất hiện của blog cho thấy năng lực kinh ngạc của internet. Trong kỷ nguyên hiện nay, có lẽ, chỉ những ai chưa từng một lần online mới có thể nghĩ, thông tin là thứ còn có thể bưng bít hay kiểm soát.”
Trong đoạn trên có thể hiểu theo hai ý: thứ nhất là blog nhiều như chim trời nên khó kiểm soát giống như buộc dây vào cẳng chim trời. (Ví dụ này khá thú vị thậm chí có thể còn gợi nên một gợi ý nào đó vì trên thực tế các nhà nghiên cứu động vật vẫn gắn một số thiết bị vào một số mẫu chim trời nhất định để theo dõi hành vi và tập quán của chúng). Ý thứ hai có phần mập mờ hơn, có vẻ như Huy Đức cho rằng việc quản lý blog là đi ngược lại lợi ích xã hội, vì đó cũng là một hình thức bưng bít hay kiểm soát thông tin (nếu chúng ta đồng ý là bưng bít thông tin là việc làm có hại cho xã hội).
Đến đoạn dưới, sau khi đề cập tới hiện tượng blog đen, tác giả lại viết “Không cần bất cứ một văn bản quản lý internet hay quản lý blog nào nữa để xử lý những cái “đen” đó. Bộ Luật Hình sự đã có những điều khoản để buộc tội các hành vi này. Vấn đề là làm sao để xác định được ai là chủ nhân của các blog “đen” đó. Tất nhiên, cũng như “cướp tiệm vàng”, đừng đòi hỏi, mọi kẻ phạm tội đều bị bắt giữ”.
Vậy, ở đây tác giả cho rằng có thể căn cứ vào các thông tin trên blog để tiến hành truy tố các đối tượng blog đen, chứ không cần một văn bản pháp lý riêng về việc quản lý blog. Việc bắt giữ hay truy tố này có thể thực hiện ở một số đối tượng nhất định sau khi đã xác định được nhân thân của họ?.
Đáng chú ý là điều khoản 88 Bộ Luật Hình sự về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN Việt Nam” trong đó có tội “Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tội này rất chung chung, vì thế mà sức mạnh của nó lại càng đáng sợ, do rất khó định nghĩa được chính xác thế nào là “chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Ví dụ bàn về Cải cách ruộng đất, về Nhân văn giai phẩm, về quan hệ Việt- Trung hay về các ý kiến đa nguyên đa đảng có được coi là “chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”? Hoặc các than phiền về một số cơ quan công quyền, một số cấp chính quyền? Hay việc chụp ảnh những người khiếu nại đất đai và đưa lên blog (như chị gì ở Sài Gòn mới bị công an gọi lên) ?..
Một điều nữa là để khởi tố dựa trên cơ sở chứng cứ là blog thì cơ quan an ninh cần phải nhận được sự hợp tác của nhà cung cấp dịch vụ, cụ thể trên Yahoo360 sẽ là hãng Yahoo. Liệu nhà cung cấp dịch vụ Yahoo có đồng ý hợp tác với cơ quan an ninh để họ khởi tố các trường hợp mà cơ quan an ninh quan tâm? Bởi vì chỉ có sự hợp tác chính thức của nhà cung cấp dịch vụ mới đủ tạo ra cơ sở pháp lý chính thức cho cơ quan an ninh truy tố theo tội “tuyên truyền chống Nhà nước XHCN” hay tội “lưu hành văn hóa phẩm đồi trụy”. Bằng không, tất cả chỉ là suy đoán và không có cơ sở hợp pháp, kể cả khi người viết blog dùng tên thật, địa chỉ thật thì vẫn không thể đương nhiên cho rằng đó chính là tác giả viết blog (ví dụ như việc vừa rồi, một bạn nào đó đã lập blog lấy tên Thủ tướng, post ảnh Thủ tướng..).
Bỏ qua các khía cạnh pháp lý, thì một vấn đề quan trọng hơn liên quan tới khía cạnh đạo đức của pháp luật. Đó là khả năng mâu thuẫn giữa quyền tự do ngôn luận của công dân (được ghi trong Hiến pháp) và tội “tuyên truyền chống Nhà nước XHCN”. Nếu một công dân phát biểu chính kiến của mình thì có thể coi đó là một hành vi “tuyên truyền” hay không? Trước hết, blog vẫn mang tính chất của một trang web cá nhân, một thứ nhật ký cá nhân (lưu ý là nhật ký cá nhân thường chỉ cho cá nhân đó nhưng cũng không nhất thiết như thế). Liệu cơ quan công quyền có thể truy tố cá nhân dựa trên những gì họ viết trên nhật ký cá nhân không? Chuyện này cách đây vài mươi năm (thời chị Trâm, anh Thạc chẳng hạn) sẽ được coi là hoàn toàn đương nhiên nhưng trong thời đại ngày nay thì …
Cũng lưu ý là ở nước ngoài cũng chưa có luật nào quản lý blog hay chưa có tiền lệ về việc truy tố trên cơ sở những gì viết trên blog. Hôm trước đọc báo thấy nói về luật của Trung Quốc, của Malaysia nhưng tớ google mãi mà không ra luật nào của Malaysia về quản lý blog, còn Trung Quốc thì dự định đưa luật ra nhưng bị phản đối kinh quá nên phải bỏ.
Cách đây mấy hôm đọc blog của Joe thấy bạn này nói là Yahoo Việt Nam sắp hợp tác với chính quyền để loại bỏ một số từ nhạy cảm trên blog (như Google hay/và Yahoo từng làm ở Trung Quốc?). Không biết chuyện đó thực hư thế nào? Và nếu quả thật như vậy thì các blogger sẽ cảm thấy thế nào?
Quay lại bài báo của Huy Đức, bài này nêu ra một hiện tượng, một vấn đề đáng quan tâm nhưng không có kết luận gì, đúng như tác giả viết “đây chưa phải là phần kết của một bài viết”. Và đọc xong cũng khó biết được thực sự quan điểm của tác giả là gì? Có thể đoán là tác giả không ủng hộ việc quản lý blog bằng một quy định pháp lý riêng. Nhưng còn việc cơ quan công quyền có nên ra tay với “blog đen” hay không, hiểu thế nào là “blog đen”, nếu ra tay thì ra tay ở mức độ nào, thì tác giả không nêu ra chủ kiến.
Bây giờ đã gần hết thập kỷ đầu của thế kỷ 21, và trong thời đại toàn cầu hóa, khi người ta ngày càng hay nói tới từ “thế giới phẳng” như một sự hội nhập thông tin thì sử dụng các biện pháp hành chính, hay hình sự để “định hướng” nội dung các blog liệu có phải là một điều nên làm hay ít nhất là đáng làm không?
PS: Nhiều bạn có vẻ coi bài của Joe hoàn toàn chỉ là đùa. Tất nhiên là bạn Joe đùa nhưng bạn ấy có cơ sở để đùa.
Có thể đọc thêm về sự hợp tác của Yahoo với chính phủ Trung Quốc trong việc khởi tố người bất đồng chính kiến, và hợp tác của Google trong việc lọc các từ nhạy cảm. Thế nên việc Yahoo sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong các việc tương tự là hoàn toàn có thể.
“Google's cooperation with the Chinese government in censoring the Internet has already sparked outrage from free speech advocates and U.S. lawmakers who accuse it of betraying its corporate motto, "Don't be evil." The firm announced last month that it was launching a censored search engine, Google.cn, to improve its service in China, where its regular site and its search results are sometimes blocked.
Dubbed the "eunuch edition" by some Chinese Internet users, the new search engine withholds results from Web sites the governing Communist Party finds objectionable, and returns limited results when users enter politically sensitive keywords.”
New York Times
"Yahoo, the Internet search company, provided information last year that helped authorities in China convict a Chinese journalist for leaking state secrets to a foreign Web site, court documents show."
No comments:
Post a Comment