Ở Việt Nam, tất nhiên những điều kiện đó tương tự chưa thể được đáp ứng. Người tàn tật ở Việt Nam thường được đối xử bằng một thái độ thương hại chứ hoàn toàn không phải là bình đẳng. Dù vẫn biết thế nhưng đọc hai bài này trên Vnexpress không khỏi cảm thấy khó chịu trước thái độ phân biệt đối xử và không hề có thiện chí với người tàn tật của hãng hàng không Pacific Airlines. Thứ nhất, phải khẳng định hãng này không phải là hãng hàng không thân thiện cho người tàn tật vì không cung cấp các dịch vụ hỗ trợ đi lại cho người tàn tật. Khi bán vé cho người tàn tật, nhân viên bán vé cũng không tư vấn khách hàng về việc hãng không có dịch vụ hỗ trợ đi lại, để tới khi tới giờ bay mới bắt khách hàng phải trả thêm $50 (gần bằng tiền vé) phí dịch vụ sử dụng xe lăn. Tệ hơn là khi khách hàng tới sân bay thì người cung cấp dịch vụ lại thu ngay xe lăn và bắt khách hàng phải tự chống nạng đi bộ ra cửa trong tình trạng phải bế con nhỏ (việc làm này thuộc trách nhiệm liên đới giữa người bán dịch vụ là Pacific Airlines và người cung cấp dịch vụ là nhà ga Nội Bài).
Pacific Airlines bị hành khách khởi kiện
Pacific Airlines ghi danh 'đen' tên khách khởi kiện
Và khi gia đình khách hàng quyết định khởi kiện để đòi $25 từ Pacific Airlines do không làm tròn nhiệm vụ ở nhà ga Nội Bài thì hãng không những không tìm cách thỏa hiệp, không xin lỗi, không bồi thường mà còn có hình thức trả đũa bằng cách lưu riêng tên người khởi kiện để gửi tới tất cả các đại lý của hãng. Mặc dù hãng này nói là họ không cấm bán vé cho người khởi kiện trong tương lai nhưng riêng việc phân biệt đối xử một cách công khai như thế đã là không chấp nhận được.
Tất cả những việc làm này tạo ra một hình ảnh xấu của Pacific Airlines. Hiện nay trong một số mailing list ở nước ngoài đang có kêu gọi ký thư kiến nghị (petition) phản đối việc làm của Pacific Airlines. Một trong những người ký tên là ông John A. Lancaster, cựu cố vấn về vấn đề người tàn tật cho Tổng thống Clinton- ông này gọi việc làm của Pacific Airlines là bất hợp pháp và không thể chấp nhận được. Bà Huệ Tâm Hồ Tài, giáo sư lịch sử trường Harvard, thì tỏ ra hy vọng các cựu chiến binh Việt Nam sẽ được huy động để lên tiếng phản đối việc làm của Pacific Airlines.
Như vậy, chỉ vì sự thiển cận, cứng nhắc, thiếu tôn trọng khách hàng, cùng với cách cư xử thiếu tình người trong và sau vụ việc mà Pacific Airlines đang tạo ra một hình ảnh xấu về một hãng hàng không nội địa. Và chắc chắn là việc tổn hại hình ảnh này sẽ gây thiệt hại cho hãng nhiều hơn con số $25 rất nhiều. Sau các sự cố liên tục của Vietnam Airlines, mà mới đây nhất là việc một phi công bị kết án tù ở Úc vì mang lậu tiền, thì giờ đến thái độ cửa quyền của Pacific Airlines với khách hàng. Nhưng biết làm sao khi ngành hàng không hiện vẫn đang là độc quyền và chỉ có duy nhất hai hãng này được phép cung cấp các dịch vụ bay nội địa ở Việt Nam.
2. Bài này có một đoạn của ông Dương Trung Quốc có những nhầm lẫn không đáng có, không hiểu do ông viết nhầm hay do báo in nhầm.
“Năm 1995 là năm Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Cùng năm đó, tôi viết lời giới thiệu và đứng tên để xuất bản cuốn Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) của Archimedes Patti. Cuốn sách được xuất bản tại Mỹ mười năm trước đó (1985). Tác giả của cuốn sách từng là người chỉ huy cao nhất của Cơ quan Tình báo chiến lược (OSS - tiền thân của CIA) đã có mặt ở Việt Nam khi Cách mạng Tháng Tám 1945 vừa thành công.”
Thiếu tá Patti là người chỉ huy cao nhất của OSS ở Việt Nam (tức là sẽ chỉ huy vài người nữa) chứ không phải là chỉ huy cao nhất của OSS. Thế nhưng đọc câu trên thì sẽ dễ hiểu nhầm là Patti là người đứng đầu OSS!.
3. Bài này trên báo Lao Động viết về diễn đàn do báo Lao Động tổ chức bàn về blog và quản lý blog. Đọc hơi buồn cười vì thấy các lợi ích của blog được kể ra đều là các hoạt động tương tự mùa hè xanh, thanh niên tình nguyện…như ủng hộ nạn nhân chất độc dioxin, làm từ thiện, hiến máu nhân đạo…Hoặc lợi ích khác là để các bạn trẻ chia sẻ tâm tư tình cảm…Trong khi vai trò của blog như là nơi chia sẻ thông tin, phát biểu quan điểm… thì không được nhắc tới.
Bên cạnh ích lợi blog thì các đại biểu tham dự hội thảo cũng nhắc tới tác hại của blog. Một tác hại được các bạn kể ra rất thấm thía là nói xấu đồng nghiệp sau lưng trên blog. Xem ra tác hại của blog cũng giống tác hại của uống bia nhỉ, uống ba cốc bia vào là thế nào cũng nói xấu cái thằng đồng nghiệp không có mặt. Thế mà chưa thấy hội thảo nào bàn về ảnh hưởng của bia với các vấn đề quan trọng như “Bia cũng là Thế giới thực!”, “xây dựng quy chế văn hóa uống bia”, hay “Làm thế nào để hạn chế Bia đen (và phát huy Bia đỏ)”.
Với những lợi ích và mặt hạn chế như trên của blog, thiết nghĩ nên chuyển việc quản lý blog cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thay vì Bộ Văn hóa hay Bộ Công an. Đoàn Thanh Niên sẽ đóng vai trò định hướng blog, để tuổi trẻ Việt Nam sống có lý tưởng hơn, theo gương Bác Hồ vĩ đại…Đoàn Thanh niên hiện đã quản lý và định hướng báo Tuổi trẻ thì tất nhiên sẽ không khó khăn gì để có thể quản lý thành công blog. Để quản lý blog hiệu quả, có thể thiết lập hệ thống blog như một mạng lưới có ban bệ, trong đó người đứng đầu sẽ là Blog Trưởng (hoặc Bí thư Đoàn thanh niên Blog), ở dưới là các hệ thống blog thành viên như kiểu marketing đa cấp. Blog Trưởng sẽ do Bộ Văn hóa hay Đoàn Thanh Niên “cắm người” và chịu trách nhiệm chung về hoạt động của mạng lưới blog theo đúng “lề đường bên phải”. Có thể tham khảo thêm chính sách của Thương Ưởng nước Tần, chia các gia đình thành từng nhóm, mỗi nhóm có 10 nhà. Hễ một nhà phạm tội mà 9 nhà kia không báo quan là chém sạch cả 10 nhà.
No comments:
Post a Comment