Sunday, August 05, 2007

Vietnamese Spies

Tớ thử tổng hợp về các nhà tình báo có tiếng của Bắc Việt trong chiến tranh Việt Nam:

1. Phạm Ngọc Thảo. Nhà tình báo chiến lược nổi tiếng. Dân Công giáo địa chủ Nam Bộ nhưng gia đình đa phần theo Cách mạng (anh trai ông Thảo từng làm Phó Chủ tịch UB Hành chính kháng chiến Nam bộ). Từng làm Tỉnh trưởng Bến Tre, đại tá quân đội VNCH, truy phong đại tá quân đội nhân dân Việt Nam. Phạm Ngọc Thảo là trường hợp điệp viên cao cấp, có tính độc lập rất cao trong công việc. Một ví dụ là khi bị truy lùng, ông được đề nghị ra khu nhưng vẫn tự quyết định ở lại để mưu việc lớn. Bản thân ông đã tham gia ít nhất là ba âm mưu đảo chính: cùng Trần Kim Tuyến âm mưu đảo chính Ngô Đình Diệm (nhưng sau đó Tuyến bị điều đi Đài Loan), cùng tham gia cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963. Cùng tướng Lâm Văn Phát làm đảo chính lật đổ Nguyễn Khánh (nhưng rất tiếc là đuổi được Nguyễn Khánh thì Nguyễn Cao Kỳ lại lên cầm quyền). Footnote là chị gái của Lâm Văn Phát chính là bà Lâm Thị Phấn, điệp viên Việt Minh và nhân vật nguyên mẫu phim Người đẹp Tây Đô do Việt Trinh đóng. Ông bị bắt và ám sát trong tay lực lượng An ninh quân đội lúc này do Nguyễn Ngọc Loan nắm. Cho tới khi chết, ông vẫn không bị nghi là điệp viên Cộng sản dù tất cả mọi người đều biết tới lý lịch theo Kháng chiến của ông (từng làm tới Trưởng ban Mật vụ Nam bộ, Tiểu đoàn trưởng). Nhưng chắc chắn một điều là ông bị khá nhiều thế lực tướng lĩnh sợ và ghét, bằng chứng là cái chết của ông (có không nhiều tướng lĩnh hay sĩ quan cao cấp bị thanh toán trong khoảng thời gian sau đảo chính Diệm. Trong khi đảo chính thì có một Đô đốc và vài sỹ quan cấp tá bị giết). Hình như không sĩ quan cấp tướng nào bị ám sát cả (có một viên tướng tên là Nguyễn Văn Hiếu bị ám sát sau này thời Thiệu nhưng vì lý do liên quan tới kinh tế)
Phạm Ngọc Thảo được coi là một người theo đường lối Quốc gia. Cho tới nay, ngay cả nhiều người ở hải ngoại vẫn coi ông là người theo đường lối Quốc gia và không phải là Cộng sản. Vợ con ông vẫn sống bình an ở hải ngoại. Trong cuốn hồi ký của Trương Như Tảng (cựu Thứ trưởng Tư pháp Chính phủ Lâm thời Miền Nam Việt Nam), Phạm Ngọc Thảo được mô tả như một nhân vật bí ẩn, một người theo chủ nghĩa dân tộc và sẵn sàng làm tất cả để ngăn cản quân Mỹ vào Việt Nam.

Theo tớ, Phạm Ngọc Thảo là nhà tình báo vĩ đại nhất của Việt Nam. Sự vĩ đại của ông không chỉ ở những gì ông làm được (và định làm mà không thành) mà còn ở sự hy sinh, cái chết đầy bi kịch của ông. Khác với các nhà tình báo khác, ông hoạt động đơn tuyến, một mình, chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ cấp cao nhất (Lê Duẩn) chứ không phải từ các nhân vật chỉ huy tình báo trong Nam như ông Mười Hương (Trần Quốc Hương).

Phạm Ngọc Thảo là nhân vật nguyên mẫu cho tập trường kỳ tiểu thuyết Ván bài lật ngửa của Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng), tiểu thuyết X30 phá lưới và bộ phim Ván bài lật ngửa.


2. Phạm Xuân Ẩn: Thiếu tướng tình báo QĐNDVN.

Nếu ông Thảo là nhà tình báo vĩ đại nhất của miền Bắc thì ông Ẩn là nhà tình báo hoàn hảo nhất. Ông là ký giả của hãng tin Reuteu và tờ Times. Ông chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Mười Hương và Mai Chí Thọ. Nhiều người xem ông là một tình báo viên hoàn hảo trên mọi phương diện. Ông hoàn thành mọi công việc một cách xuất sắc, cung cấp rất nhiều thông tin giá trị, và giữ vỏ bọc của mình cho tới phút chót. Ông được phương Tây chú ý nhiều một phần cũng vì ông có quan hệ rất rộng với giới báo chí phương Tây. Ông còn là người bí ẩn bởi ông có nhiều mối quan hệ với tình báo Mỹ (được Lansdale bảo trợ đi học ở Mỹ), tình báo Sài Gòn (bạn của Trần Kim Tuyến và sau này cứu Trần Kim Tuyến chạy thoát khỏi miền Nam). Chính vì thế sau này ông cũng bị nghi kỵ trong chính quyền mới về khả năng là gián điệp kép cũng như cả về thái độ ưa thích nước Mỹ và chỉ trích nhiều việc trong chính quyền một cách công khai của ông. Sau 1975, ông không được phép ra nước ngoài.

Có một số cuốn sách cả tiếng Việt và tiếng Anh về ông. Tiếng Anh có cuốn A perfect spy mới xuất bản gần đây về con người Phạm Xuân Ẩn. Trong các cuốn sách lịch sử về chiến tranh Việt Nam cũng hay nhắc tới tên ông.

3. Vũ Ngọc Nhạ: Thiếu tướng tình báo. Ông được biết tới nhiều hơn cả nhờ cuốn tiểu thuyết Ông Cố Vấn của Hữu Mai- một cuốn tiểu thuyết tình báo khá thú vị (mặc dù chắc bịa cũng không ít, hy vọng là bịa các chi tiết nhỏ thôi). Ông cũng xuất thân Công giáo, và thân cận với cha Hoàng Quỳnh và (có thể) giám mục Lê Hữu Từ. Ông làm cố vấn không chính thức cho hai tổng thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, chủ yếu trên phương diện quan hệ với giáo dân gốc Bắc. Ông còn là người chỉ huy cụm gián điệp nổi tiếng A22 trong đó có Huỳnh Văn Trọng làm Phụ tá Tổng thống Thiệu (từng làm Tổng trưởng chính phủ Bảo Đại) và một nhà tình báo nổi danh khác là Lê Hữu Thúy làm việc trong cơ quan tình báo Sài Gòn. Tổ này chắc có thể so sánh với tổ tình báo Cambridge ở Anh của Kim Philby. Nhưng tổ này cũng bị vỡ và ông Nhã cùng nhiều đồng nghiệp phải đi Côn Đảo một thời gian. Sau năm 1975, ông cũng bị thất sủng một thời gian dài.Sách về ông: có cuốn Ông Cố Vấn của Hữu Mai. Ngoài ra còn một bộ phim (rất tệ) dựng theo cuốn này.

4. Lê Hữu Thúy: Thiếu tướng tình báo. Ông là nguyên mẫu của cuốn tiểu thuy
ết Điệp viên giữa sa mạc lửa- một cuốn tiểu thuyết tình báo hay và có vẻ khá chân thực. Ông từng làm cố vấn cho Năm Lửa (Trần Văn Soái), chỉ huy quân Hòa Hảo và có vai trò trong việc xúi quân Bình Xuyên- Hòa Hảo đánh nhau với quân của Ngô Đình Diệm. Sau khi Năm Lửa về hàng, ông làm Trưởng phòng An ninh trong Nha An ninh Quân đội của Đỗ Mậu và tổ chức cụm Tình báo Chiến lược A25 (thường xuyên phối hợp họat động với cụm A22 của Vũ Ngọc Nhạ). Sau khi bị Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung của Dương Trung Hiếu (là tổ chức phản gián do Ngô Đình Cẩn thành lập) phát giác, ông bị bắt nhưng rồi được thả ra và làm việc ở Bộ Chiêu Hồi với chức danh Ủy viên Phụ tá Bộ trưởng.

Có thông tin cho rằng bốn ông Thảo, Ẩn, Nhạ, Thúy là bốn nhân viên tình báo kỳ cựu với nhiều công tích nhất của miền Bắc.

5. Đặng Trần Đức: Thiếu tướng tình báo. Từng làm việc trong cơ quan tình báo Sài Gòn.Đã có một loạt bài trên báo Thanh Niên về ông trong dịp ông qua đời năm 2004.

6. Nguyễn Đình Ngọc: Thiếu tướng. Ông là giáo sư Toán đại học Sài Gòn. Có bằng Tiến sĩ ở Pháp sau đó có giảng dạy một thời gian bên Pháp trước khi về Sài Gòn. Công việc của ông ở Sài Gòn trước 75 có vẻ khá bí ẩn và rất ít thông tin công khai về các công việc này của ông. Ông cũng mất năm ngoái. Ông cũng có nhiều đóng góp cho khoa học (từng làm Phó trưởng ban chỉ đạo CNTT ở Việt Nam). Ông có chân trong Hội đồng quản trị của Trường Đại học Thăng Long trước khi qua đời. Như những người từng có dịp tiếp xúc với ông nhận xét thì ông có lối sống rất đặc biệt, khắc kỷ, và giản dị tới mức khó tin. Một ngày chỉ ăn một gói mỳ và đi lại đều bằng xe đạp, mặc đồ như từ 30 năm trước. Ông cũng nổi tiếng về tài xem tử vi – có người bảo ông là người xem tử vi giỏi nhất Việt Nam và trước kia thường xem cho các tướng lĩnh, lãnh tụ VNCH.

Các tình báo viên của miền Nam thì có quá ít thông tin chính xác để có thể tổng hợp và nhận định được.

PS: Hồi bé tớ có đọc một cuốn tiểu thuyết tình báo nhiều tập (mà mình cũng không có dịp đọc hết) giờ quên mất tên về thời kỳ chống Pháp trong đó có nhân vật Lê Minh là tình báo Việt Minh và một cô Hoa kiều tên là Tiểu Mai. Hình như cuốn này cũng dựa trên nguyên mẫu thật. Không biết có ai biết tên cuốn sách đó là gì không và nhân vật nguyên mẫu là ai?

À về tiểu thuyết tình báo ngày trước còn có bộ Sao Đen của Triệu Huấn cũng khá hay nhưng hình như không dựa trên nguyên mẫu thật.

(Đã sửa một số thông tin nhầm lẫn về hai ông Lê Hữu Thúy và Đặng Trần Đức).

No comments: