Nhân chuyện văn sĩ trẻ và chick-lit, nói thêm một chuyện khác. Chuyện này nhân việc lúc nãy tớ vào trang web của Trần Thu Trang thấy có câu này “Nhưng do một số nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, tôi quyết định chọn tác phẩm sinh sau đẻ muộn [Phải lấy người như anh] để thực sự bắt đầu cho cuộc chơi văn chương của mình”. Và tớ nhớ ra rằng thỉnh thoảng đọc trên báo chí, các tác giả trẻ cũng hay nói một ý tương tự :“chơi văn chương”.
Dường như với họ, văn chương chỉ là để chơi? Hay là họ dùng chữ “chơi văn chương” thì sẽ có vẻ sang hơn, hoặc tạo cảm giác họ là người đa tài, chỉ ghé vào việc viết văn chút thôi mà đã làm được thế? Hoặc là vì họ không thấy tự tin vào khả năng và tác phẩm của mình, hoặc họ nói thế để tự cảm thấy yên lòng, để bào chữa cho việc họ chưa dành đủ thời gian và nỗ lực cho công việc viết văn? Có thể có nhiều lý do mà tớ không biết chính xác nhưng thực sự khi đọc thấy việc các nhà văn trẻ (thôi gọi là người viết trẻ cho các bạn ấy yên tâm mà có lẽ cũng chính xác hơn) có thái độ coi việc viết văn chỉ là “chơi văn chương” tớ cảm thấy có một sự thiếu nghiêm túc và chuyên nghiệp trong thái độ với công việc viết văn. Và còn thấy thiếu cả sự say mê nữa. Nếu như đúng là họ có thái độ thiếu chuyên nghiệp, thiếu nghiêm túc và thiếu cả say mê thì liệu còn có thể trông mong gì từ tác phẩm của họ? Nhớ cách đây lâu lâu, Cao Việt Dũng có bài viết trên VNN đại ý bảo là ở Hà Nội có quá nhiều những người chơi văn chương (hay nghệ thuật nói chung) trong khi lại có quá ít những người thực sự nghiêm túc với công việc văn chương (hay nghệ thuật nói chung).
Không nhất thiết người viết văn phải kiếm sống bằng nghề viết văn, thậm chí ở Việt Nam chắc hầu như chẳng có ai kiếm sống bằng việc viết văn. Nhưng thái độ với công việc viết văn cần được thể hiện nghiêm túc hơn. Việc những người viết văn đều bày tỏ rằng họ xem nhẹ việc viết văn (có thể trong thâm tâm họ không thế) hay tự phân trần rằng họ viết một cuốn tiểu thuyết nào đó một cách rất nhẹ nhàng như là một thú vui không phải là một tín hiệu tốt cho thấy lao động thực sự và nghiêm túc của họ. Kafka khi xưa là tiến sĩ Luật, kiếm sống bằng nghề mài đũng quần trong văn phòng và hầu như không xuất bản được một tác phẩm nào trong đời. Thế nhưng khi sáng tác, ông cực kỳ nghiêm túc, các bản thảo được ông sửa đi sửa lại hàng chục lần, các sáng tác của ông cũng thường xuyên được đọc cho bạn bè nghe để góp ý.
Xin trích một đoạn trong bài của chị 2 4 6- một người viết và blogger tớ rất nể trọng- bàn về tính chuyên nghiệp:
“Bạn nào đã xem phim HMRBL có thể còn nhớ cảnh chiếc xe ngựa đi qua một cánh đồng trải suốt một chân đồi rộng. Suốt buổi sáng hôm quay tôi đã đi nhặt rác trên cánh đồng (bất tận) đó. Lúc nhặt mới biết người ta vứt bao nhiêu bao ni lông ngoài đồng. Mọi người trong đoàn đều từ chối làm cái việc không mấy danh giá này, không ai đồng nghĩa việc đi làm phim với việc đi nhặt bao ni lông. Vì vậy, họ thiếu chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp không phải là hiểu nghệ thuật, có ý tưởng hay, tác phẩm đột phá. Ý tưởng, khi đến, hoặc đi, nó không màng tác giả của nó có chuyên nghiệp hay không. Người chuyên nghiệp là người thấy công việc mình đang làm là trung tâm của đời mình, ít nhất là trong lúc mình làm nó. Đủ gắn bó và trách nhiệm để đi nhặt bao ni lông trên cánh đồng, nếu mình quyết định điều đó cần thiết cho công việc, bất kể công việc đó hay hay dở.
Cúi nhặt bao ni lông trên đồng chỉ mỏi lưng thôi, chứ không khó. Nhặt bao ni lông trong một trang sách, giữa những chữ viết, ý nghĩ, hình ảnh, cấu trúc… thực khó hơn bao nhiêu lần. Đó là lúc tác phẩm cần sự chuyên nghiệp hơn lúc nào hết. Tác giả phải đứng lui ra để có được khoảng cách giữa mình và tác phẩm, phải dụi mắt, uống nước lạnh, để không đắm chìm trong tình yêu dành cho mọi thứ gì mình viết ra. Rồi lại phải đốt đi đốt lại ngọn đèn cầy bên trong lòng vì nó cứ hay tắt đi khi bụng mình đầy nước lạnh. Không có chút lửa cần thiết, tâm tưởng cũng u tối, theo một cách khác.
Tôi nói với cô bạn rằng tôi viết, nhưng không chọn viết là một nghề, và như vậy, khi tiểu thuyết đến giai đoạn cần sự chịu cực chịu khổ của một người xem việc viết là trung tâm của đời mình, nghĩa là cần đến một người chuyên nghiệp, thì tôi gặp mâu thuẫn mãnh liệt. Thật khó giải thích với mọi người, và với mình, rằng người ta có thể bỏ ra hai năm làm việc nghiêm túc cho một tác phẩm chỉ mang lại đủ tiền ăn sáng cho mấy mẹ con trong hai tuần. Còn nếu viết không phải để kiếm tiền ăn sáng, thì vì cái gì?
Chắc chắn là phải vì một cái gì khác rồi. Tôi biết nó là cái gì. Điều tôi không biết, đó là tình yêu đó – tạm gọi viết là một thứ tình yêu – nó là một chuyện may hay chuyện rủi.”
Bạn có thể cảm thấy mình chưa đủ tính chuyên nghiệp hay chưa sẵn sàng cho nó? Cũng tốt thôi nếu bạn thực sự hiểu được điều này. Nhưng nếu như một nền văn học mà trong đó đa số người viết văn đều ảo tưởng là “chơi văn” thì hay hơn, sang hơn so với “công việc viết văn” thì nền văn học đó là một nền văn học ngắc ngoải (cũng chính vì ý thức viết văn/thơ là để chơi mà các nhà nho thời xưa dù làu thông kinh sử, chữ nghĩa, nhưng hầu như không viết được cái gì dài dài đòi hỏi nhiều công sức. Quanh quẩn chỉ các bài thơ chén tạc chén thù, không “Thu hứng” thì cũng “Thu ẩm”, hết hứng với hết ẩm thì cũng hết thơ, nhưng xuân thu nhị kỳ làm và
i bài thơ là đủ thành thi sĩ!). Và chắc chắn là không có ý thức về tính chuyên nghiệp, người viết văn sẽ khó lòng tạo ra một sản phẩm độc đáo. Rất hiếm nhà văn viết tiểu thuyết vào các chiều chủ nhật mà lại viết ra được một cái gì đó có giá trị.
No comments:
Post a Comment