Thưởng 1.000USD/bài báo - không phải việc của Nhà nước
"...
3. Những ai đã có công trình được đăng trên các tạp chí hàng đầu thế giới đều biết rõ: họ không những không nhận được một xu nhuận bút mà thậm chí có thể họ hay cơ quan của họ còn được tạp chí đó yêu cầu “đóng góp” tiền (cỡ 50 đến vài trăm USD cho bột bài) để giúp duy trì hoạt động của tạp chí. Định kỳ, các bài thật xuất sắc có thể nhận được các giải thưởng danh giá có khi cũng chỉ có giá trị tượng trưng một vài ngàn USD, trừ các giải rất đặc biệt.
4. Vấn đề rắc rối tiếp theo của chủ trương này là: nếu cứ đăng được 1 bài báo trên 1 tạp chí khoa học nước ngoài là được Bộ GD-ĐT chi cho 1.000 USD thì ngân quỹ của Bộ sẽ chẳng mấy cạn kiệt. Chủ trương sẽ có thể tạo ra những khuyến khích ngược rất tai hại.
Thí dụ, nó sẽ khuyến khích nhiều “nhà khoa học” hám tiền, hám danh đăng “kết quả nghiên cứu” của mình trên các tạp chí quốc tế chẳng mấy nổi tiếng. Ai cũng biết các tạp chí được gọi là “khoa học quốc tế” cũng có cả ngàn lẻ một loại, từ thượng hạng đến “làng nhàng”. Và số lượng bài đăng trên các tạp chí không có chất lượng cao sẽ chẳng góp mấy cho sự phát triển của nền khoa học nước nhà.
5. Vậy là phải phân loại các tạp chí mà các bài báo của các “nhà khoa học” Việt Nam có công trình đăng trong đó. Ai có thẩm quyền phân loại? Chắc chắn không phải là Bộ GD-ĐT Việt Nam. Có thể đưa ra các tiêu chí nhất định để phân loại, rồi phải tổ chức ra hàng trăm hội đồng chuyên ngành để đánh giá. Với cách làm như hiện nay ở ta chắc chắn sẽ có rất nhiều cãi cọ quanh các hội đồng “tư vấn” này và giữa họ với nhau. Để làm việc vô bổ đó sẽ rất tốn thời gian, công sức và tiền của của nhân dân."
Ý 3: Tùy tạp chí, có tạp chí sẽ yêu cầu nộp tiền submission hoặc theo số từ, nhưng đa số tạp chí không yêu cầu người gửi phải nộp tiền.Ý 4 và 5: Lo ngân sách của Bộ cạn kiệt vì "nhiều" bài đăng tạp chí quốc tế quá! Thật là hão. Nếu thế thì quá tốt. Nếu Việt Nam một năm có 1000 bài đăng báo quốc tế thì cũng chỉ hết có 1 triệu đô-la hay 15 tỷ. Ngân sách giáo dục đại học năm 2007 theo Vụ thống kê Bộ GD-ĐT là 297 tỷ. Như vậy, để có 1000 bài báo quốc tế thì cũng chỉ tương đương 5% ngân sách giáo dục đại học. Vấn đề không phải là thiếu tiền mà là làm sao có được nhiều bài báo quốc tế như thế, để mà "giải ngân" cho hết 1 triệu? Một so sánh khác, như tôi nhớ, chính phủ định đầu tư 100-200 triệu đô-la để xây dựng đại học Việt-Mỹ. Và vừa rồi, chính phủ quyết định đầu tư 100 triệu đô-la bằng vốn vay để xây dựng đại học Việt-Đức.
Thêm nữa, các tạp chí trong mỗi chuyên ngành đều có xếp hạng chỉ số, ví dụ chỉ số Thompson Scientific Citation Index. Dễ dàng có thể lên được 1 danh sách các tạp chí theo các hạng, của các ngành và có thể yêu cầu tối thiểu những tạp chí có thứ hạng như thế nào mới được trả tiền khi đăng chẳng hạn. Chẳng ai hơi đâu lại lập ra "hàng trăm hội đồng chuyên ngành để đánh giá." như bác A nghĩ tới.
Thực ra tôi cũng cho là chính sách $1000 một bài báo của ông Nhân mang tính thi đua, bề nổi (và nói chung hầu hết các chính sách khác của ông Nhân cũng vậy) nhưng phản biện của ông Quang A không được thuyết phục. Thay vì đầu tư $1000 một bài báo nên đặt điều kiện đăng tạp chí quốc tế để xét lên phó giáo sư, giáo sư chẳng hạn, và nên thay đổi cơ chế để các trường tự chọn giáo sư thay vì giáo sư là do nhà nước phong như hiện nay. Và một việc nên làm hơn nhiều là các trường đại học cần có một khoản ngân sách để có thể truy cập vào các cơ sở dữ liệu như JSTOR, Sciencedirect...để giáo viên và sinh viên có thể download các bài báo trên các tạp chí thế giới. Thư viện trường cũng có thể đặt cả hardcopy một số tạp chí quốc tế quan trọng. Điều đó là quan trọng hơn nhiều so với việc đặt phần thưởng $1000 cho một bài báo quốc tế. Thay vì đặt phần thưởng thì Bộ Giáo dục có thể khuyến khích các trường, các khoa đặt phần thưởng hay ít nhất là hỗ trợ chi phí đăng tải, in ấn này nọ. Một việc nữa là có thể đầu tư vốn ngân sách tập trung vào một số tạp chí tương đối mạnh của Việt Nam, ví dụ trong ngành Toán, tôi nghe một số bạn học Ph.D. Toán nói có một số tạp chí trong nước khá tốt, có thể đầu tư cho các tạp chí này, yêu cầu bài báo trên đó viết bằng tiếng Anh và kêu gọi các cộng tác viên trong và ngoài nước gửi bài đăng..., để đưa những tạp chí này trở thành tạp chí quốc tế.
No comments:
Post a Comment