Đề nghị này của ông Nhân rất có vấn đề.
Bộ trưởng GD-ĐT đề nghị giới thiệu nữ Thứ trưởng
Tại sao Phó Thủ tướng Nhân lại đề nghị Thứ trưởng phải là nữ? Một chính sách như thế rõ ràng có sự phân biệt giới tính.
Về cách tuyển dụng ở các nước phát triển, có hai hình thức. Thứ nhất là việc tuyển dụng hoàn toàn không phân biệt giới tính, màu da, chủng tộc, tôn giáo. Cách thứ hai là tuyển dụng trên cơ sở ưu tiên những nhóm thiểu số và bị thiệt thòi hơn như người da màu, phụ nữ, người tàn tật...Ở bên Mỹ, cách sau này gọi là "affirmative actions", nhưng bản thân "affirmative actions" cũng là vấn đề gây tranh cãi. Ở Việt Nam, chính sách xét tuyển theo khu vực, ưu tiên cho đồng bào thiểu số, gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sĩ, học đại học cử tuyển... cũng nằm trong những "affirmative actions". Những chính sách ưu tiên này có những tác dụng khác nhau, và có người ủng hộ, có người không, nhưng nói chung, trong hầu hết các xã hội, người ta vẫn áp dụng chúng ở các mức độ khác nhau. Nhưng thường người ta chỉ áp dụng "affirmative actions" trong khâu tuyển dụng chứ còn việc đề bạt lên các chức vụ cao hoàn toàn dựa vào năng lực của ứng viên.
Việc ông Nhân yêu cầu ứng cử viên Thứ trưởng phải là nữ không nằm trong cái gọi là "affirmative actions". Thứ nhất, những chính sách ưu tiên khi tuyển dụng, đề bạt của chính phủ phải là những chính sách được đưa vào luật, chứ không thể là một quyết định tùy hứng dù của Phó Thủ tướng. Thứ hai, trong trường hợp này, việc tuyển dụng nữ Thứ trưởng không phải là nhất thiết, mà năng lực mới thực sự là điều cần quan tâm hơn. Để khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong các vị trí cao, Bộ GD-ĐT có thể nói rõ sẽ ưu tiên cho ứng viên là nữ, chứ không nên giới hạn trong việc chỉ cho phép phụ nữ ứng tuyển vào vị trí Thứ trưởng được đưa ra. Làm như vậy sẽ vượt quá cả phạm vi chính sách ưu tiên và trở thành chính sách phân biệt giới tính, vi phạm Luật bình đẳng giới, trong đó quy định "Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức" (khoản 4, điều 11). Tuy nhiên ở đây, vấn đề không phải vì Phó TT Nhân cho rằng cần ưu tiên phụ nữ để tăng sự đại diện của phụ nữ trong chính quyền mà vì ông cho rằng vị trí Thứ trưởng phụ trách mầm non, báo chí, quan hệ cộng đồng... thích hợp với phụ nữ hơn. Bản thân thái độ này của ông cũng có sự phân biệt giới tính trong đó. Và vì thế ông tự nhiên giới hạn cho vị trí Thứ trưởng này nhất định phải là phụ nữ.
Để so sánh, giả sử vài tháng tới, ông lại ra tiêu chuẩn tuyển Thứ trưởng phụ trách giáo dục Đại học và Sau Đại học phải là nam giới vì nam giới học Đại học và sau Đại học nhiều hơn, tuyển Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính phải là nữ giới (vì nhiều nữ giới làm kế toán-tài chính hơn nam giới), Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng phải là cựu quân nhân, Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc phải là người dân tộc....Như thế liệu có hợp lý không?
Trong công văn "hỏa tốc" của Phó Thủ tướng Nhân còn có điểm, theo tôi là không hợp lý. Đó là yêu cầu Thứ trưởng tương lai phải tốt nghiệp ĐH Sư phạm và từng đi dạy ít nhất 5 năm. Tại sao vị trí Thứ trưởng này lại nhất thiết phải tốt nghiệp ĐH Sư phạm? Một người từng tốt nghiệp ĐH Sư phạm cách đây 25 năm nhưng chuyển nghề đã lâu thì liệu có nhớ gì về những gì mình từng học không? Một người quản lý giáo dục nếu từng công tác giáo dục sẽ là lợi thế nhưng không nhất thiết người đó phải từng học Sư phạm. Ngay Bộ trưởng Nhân cũng chưa từng học ĐH Sư phạm ngày nào và vẫn làm Bộ trưởng đấy thôi. Việc ông Nhân tìm kiếm nhân sự ở cả những cơ quan không làm về giáo dục (gửi công văn tới UBND các tỉnh, mời đối tượng là Phó Chủ tịch các tỉnh) chứng tỏ ông cũng cho rằng những nhà quản lý chuyên nghiệp không nhất thiết phải hoạt động trong một ngành hẹp. Thế nhưng, yêu cầu phải tốt nghiệp ĐH Sư phạm- chứ không phải là tốt nghiệp Đại học- của ông đã hạn chế hoàn toàn yếu tố thu hút những người giỏi về làm Thứ trưởng.
Để so sánh, hầu hết những nhà kỹ trị ở Mỹ đều làm việc hết sức linh động, đảm nhiệm những vị trí quản lý những nhà chuyên môn mà không nhất thiết phải thực sự làm chuyên môn đó. Các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đều là những người ngoài quân đội. McNamara làm Chủ tịch ở hãng Ford trước khi được mời làm Bộ trưởng Quốc phòng. Sau khi làm Bộ trưởng Quốc phòng, ông ta lại sang làm Chủ tịch World Bank, một tổ chức chuyên về kinh tế và phát triển. Colin Powell làm tướng trước khi làm Bộ trưởng Ngoại giao. Hay như Bộ trưởng Giáo dục của Mỹ hiện nay Margaret Spellings, chưa từng làm quản lý giáo dục hay đi dạy học bao giờ nhưng vẫn được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục. Trong khi một nhà quản lý giáo dục chuyên nghiệp và từng làm giáo sư, phó Chủ tịch (provost) Đại học Stanford Condi Rice thì lại được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng.
Monday, October 06, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment