- Chỉ thị ở post dưới hẳn là có thật vì tất cả các báo đưa tin đều gọi các nhà báo là nguyên nhà báo cả. Đi tới tận cùng của sự ngu xuẩn thì mọi thứ lại trở thành tầm thường (banality).
- Hai báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên chưa thấy đưa bài tường thuật vụ xử. Có lẽ sẽ không tường thuật? Các tường thuật chi tiết lại thấy ở những tờ như VNN và Vnexpress. Các tường thuật này khá sâu, có lẽ sâu hơn mức mong muốn của Ban Tuyên giáo, và thể hiện thái độ thiện cảm với hai nhà báo. Không biết sau vụ này, Ban Tuyên giáo có phạt hai tờ này không!
- Anh Chiến bị đề nghị xử nặng quá: 24-30 tháng tù giam! Anh Hải được đề nghị án treo nên cũng nhẹ nhàng.
- Không biết mức xử đề nghị với anh Chiến và Hải có liên quan tới thái độ "hợp tác" của hai anh với cơ quan điều tra không?. Chắc hẳn là có. Anh Chiến vẫn rất cứng cỏi khẳng định sự vô tội của mình, còn anh Hải thì nhận tội.
- Nhưng mặt khác, xét về phía chính quyền thì án xử cho hai người khác nhau, và thái độ của hai người trong phiên tòa khác nhau cũng sẽ là một đòn ly gián đối với giới báo chí.
- Hai bị cáo công an cũng phủ nhận tội. Đây là một phiên tòa mà ngoài anh Hải thừa nhận tội, ba bị cáo khác đều cho rằng mình vô tội.
- Thực ra tranh luận của luật sư là cho có thôi, chứ án phạt thì tòa đã có sẵn rồi, nhiều khả năng sẽ như đề nghị VKS (tù giam cho hai ông Huynh, Chiến; tù treo cho hai ông Quắc, Hải) hoặc chỉ xê xích chút xíu. Nhưng quan trọng hơn, các luật sư đã bảo vệ cho bị cáo trên tinh thần họ vô tội và không phải chịu trách nhiệm hình sự cho những việc họ làm.
+ Update:
Đang nghe băng ghi âm: anh Hải rất nhũn nhặn và bình tĩnh, dường như đã biết trước anh sẽ nhận mức án thế nào. Anh Chiến sôi nổi và vẫn tin là mình vô tội. Chủ tọa phiên tòa giọng khá mềm mỏng khi chất vấn anh Hải nhưng thường xuyên tỏ ra sốt ruột và liên tục ngắt lời anh Chiến, có lẽ với dụng ý cố tình tạo ra ức chế ở bị cáo. Một điểm tớ hơi ngạc nhiên là vai trò quá lớn của chủ tọa phiên tòa. Trong khi ở Mỹ hay các nước theo hệ thống luật này quá trình chất vấn và tranh biện do công tố viên (tức đại diện Viện Kiểm sát) và luật sư thực hiện, chủ tọa phiên tòa chỉ có chức năng dẫn dắt phiên tòa, chấp nhận điều này, bác điều kia chứ không can thiệp sâu vào quá trình chất vấn bị can như thế. Trong khi theo dõi phiên tòa này thấy dường như chức năng của Chủ tọa phiên tòa như một công tố viên thứ hai, thực hiện nhiệm vụ buộc tội còn bị cáo có nhiệm vụ phải chứng minh là mình không phạm tội đó. Nghĩa là có sự ngầm hiểu người ra tòa là người phạm tội và phải có nghĩa vụ chứng minh là mình vô tội, chứ không phải người ra tòa là người vô tội và công tố viên có nhiệm vụ chứng minh là người đó có tội. Có lẽ đó cũng là lý do hiếm khi những vụ án ở Việt Nam khi đưa ra xử, bị cáo được kết luận là vô tội.
Tuesday, October 14, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment