Monday, October 13, 2008

Entry for October 13, 2008

Văn Chinh phê phán hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh (và nhân tiện cả Nguyễn Khải)- bài đăng trên trang web mới tinh của Hội nhà văn VN. Sau khi dẫn câu chuyện Khổng Tử với Nhan Uyên, tác giả chuyển sang câu chuyện Zhukov kể về "nhân cách Stalin". Khổ thân cho Khổng Tử, thánh nhân mà phải đứng chung với bạo chúa!

Văn Chinh cũng mắng Nguyễn Khải đã trót ăn cơm của Đảng thì cuối đời nên ngậm miệng thì hơn. Và thái độ mà Văn Chinh cho rằng đạt tới đạo "trung dung" là cười cười, nói lảng sang chuyện khác, kiểu gì thì hậu thế cũng nói về nó và "đó mới là đạo của người quân tử"!. Nhục thật. Tức là Zhukov kể tốt về nhân cách Stalin thì là "làm cho bản chất con người Stalin hiện ra sống động và chân thực." Còn Nguyễn Khải nói lên những suy nghĩ cuối đời về cái thời mà ông ta sống, về chế độ mà ông ta phụng sự thì lại thành một kẻ ăn cháo đá(i) bát, không theo "đạo của người quân tử". Hóa ra viết hồi ký cũng có nhiệm vụ ca ngợi chế độ và lãnh tụ, và bịt mắt, bưng tai trước những cái xấu của chế độ? Và viết hồi ký như thế sẽ được gọi là trung thực. Còn viết hồi ký như Nguyễn Đăng Mạnh hạ thần tượng các văn nghệ sĩ nổi tiếng hay như Nguyễn Khải bóc trần, phê phán chế độ ông từng phụng sự thì trở thành những kẻ không biết đạo "trung dung".

Theo Văn Chinh thì cần như thế vì những cái xấu xa ấy "
không đương thời thì hậu thế, thể nào cũng có người nói về nó". Nhưng nếu như người có liên quan, người sống trong cái xấu đó, hiểu biết tường tận về nó lại theo đạo "trung dung" của Văn Chinh không nói tới nó thì làm sao người đời sau biết được rằng nó xấu? Nếu các sách sử của các nước đều bị đốt, trừ sách sử của nhà Tần và nhà Tần không bị đổ thì chẳng phải người đời sau đều chỉ biết tới nước Tần, chứ làm sao biết được sử các nước khác, cũng chỉ biết tới Lý Tư chứ không thể biết được Hàn Phi Tử, Khổng Tử, Mạnh Tử. Nếu Khrustsov không tố cáo Stalin thì làm sao người ta biết được Stalin tàn bạo tới mức độ nào?

Cái sự hèn hạ, tự bịt mắt, che tai để cầu lấy thái bình, tán tụng khen ngợi lẫn nhau để cùng nhau mua lấy hư danh, rồi lại chê cười những kẻ không muốn tự bịt mắt mình ấy chẳng biết nên gọi là gì theo sách Tàu? Là đạo đức của kẻ vô tri? Hay có thể mượn lời Mạnh Tử, mà một người ham trích sách Tàu như Văn Chinh hẳn đọc:

"..Ấy là những kẻ hay chê cười...Ðối với cuồng sĩ họ trách rằng: "Mấy ông ấy có chí cao nguyện lớn để làm gì?...".Ðối với quyến sĩ, họ trách rằng: "Mấy ông ấy làm gì mà ăn ở khác đời? Làm gì mà lãnh đạm với đời? Ðã sinh ra và sống ở đời này, thì cứ làm việc đời nầy đi. Miễn được khen là tốt rồi". Họ nịnh đời bằng cách che giấu điều tốt đẹp của người và khoe khoang việc xứng đáng của mình. Phường như thế là hương nguyên vậy".

Rõ một phường hương nguyện, chỉ quen nịnh đời, và tụng niệm lẫn nhau. Cái mà phường hương nguyện sợ nhất là trách nhiệm cá nhân, là khi người ta có thể chỉ vào mình mà phẩm bình. Nguyễn Khải cũng là người hiểu sâu sắc nhất tính chất "hương nguyện" đó của phường văn, với chủ trương "khen cho mày chết" (theo blog của Nguyễn Quang Lập).

Và cuối cùng sau khi đề nghị GS Mạnh tự thu hồi sách, Văn Chinh lấy một câu nói làm câu kết (Văn Chinh cho rằng câu này của GS Hoàng Ngọc Hiến): "Tự do, với số đông là một bi kịch". Không biết chính xác có phải câu này của GS Hiến không, và nếu có thì trong văn cảnh nào. Nhưng trong văn cảnh này thì câu nói của Văn Chinh, thư ký tòa soạn trang web Hội Nhà văn Việt Nam trên trang web của Hội cũng không khác mấy lời tâu của Lý Tư với Tần Thủy Hoàng khi đề nghị thực hiện chính sách ngu dân, để duy trì sự ổn định của triều đại*.

(Về hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh thì tôi không bàn tới, vì dù sao GS Mạnh cũng đã yêu cầu không phổ biến).


Trích bài của Văn Chinh:
Về cuốn hồi ký gây xôn xao trên mạng của một giáo sư

"Nguyễn Khải khi viết nó, hơn tôi 17-18 tuổi, vậy mà ông chưa đạt đến độ trung dung. Hẳn ông từng đọc truyện sử Tàu, thấy nhân vật khi được hỏi về triều đại mà ông ta phụng sự, chỉ cười cười nói lảng sang chuyện khác chứ nhất thiết không bêu xấu nó. Nhân vật ấy biết chắc không đương thời thì hậu thế, thể nào cũng có người nói về nó, lịch sử không bao giờ để sót cái điều muốn di lý cho đời sau. Chẳng lẽ ông không nhận ra, đó mới là đạo của người quân tử? Nay thể chế và đất nước tạo cho ông thành đạt, vinh quang; thành đạt và vinh quang thì ông hưởng trọn, còn cái xấu xí của nó thì ông hùa theo đám đông mà bêu xấu nó một cách văn vẻ là lý cố gì vậy? Theo tôi, nếu Nguyễn Khải thấm truyện lịch sử Tàu, thì ông không viết Nghĩ muộn, trước khi nhắm mắt hoặc chỉ nên nói “Được, được!” hoặc nhờ con cháu nói với mọi người rằng cho ba cảm ơn và xin lỗi nếu có việc gì, có nhời nói nào của ba g
ây hoạ cho ai. Hoá ra không chỉ có TS HNH dịch triết học rất giỏi mà không thấm triết học vậy!
"




Chú thích *: "... nay Hoàng đế đã thâu tóm cả thiên hạ, phân biệt trắng đen mà định ra điều duy nhất được tôn trọng. Những kẻ học Nho theo cái học riêng củ amình lại cùng nhau chê cười pháp luật rồi đem dạy cho người ta. Khi nghe lệnh ban xuống thì họ đều lấy cái học riêng của mình để bàn tán. Khi vào triều, thì trong bụng chê bai. Ra đường thì bàn bạc chê vua của mình để lấy danh, làm cho khác người để tỏ là cao, bày cho kẻ ở dứoi phỉ báng. Nếu như thế mà không cấm thì ở trên uy thế của nhà vua sẽ bị giảm sút; ở dưới các bè đảng sẽ nổi lên. Nên cấm làm hơn. Thần xin đốt tất cả các sách sử, trừ những sách sử của nhà Tần. Trừ những người làm chức bác sĩ, ai cất giấu Kinh Thư, Kinh Thi, sách vở của trăm nhà thì đều đem đến các quan thú, quan úy mà đốt đi, hai người dám bàn nhau về việc Kinh Thi, Kinh Thư thì chém giữa chợ, lấy đời xưa mà chê đời nay thì giết cả họ. Quan lại biết mà không tố cáo, thì cũng bị tội. Lệnh ban ra trong ba mươi ngày không đốt sách thì khắc vào mặt cho đi thú để xây và canh giữ trường thành. Những sách không bỏ là sách thuốc, sách bói, sách trồng cây. Ai muốn học pháp luật thì thờ quan lại làm thầy.


(Sử ký Tư Mã Thiên- Tần Thủy Hoàng bản kỷ).


+ Đọc câu này mới buồn cười: Văn Chinh giải thích cho chi tiết ông Mạnh kể chuyện Lê Đức Anh tới nhà Lê Đức Thọ, khi ông Thọ báo đang tiếp khách văn, ông Anh bèn đi giật lùi.

"Ông cấp dưới biết ngay một ngụ ý, nên đi lui dài hơn là để hô ứng với cấp trên, chứ còn đi lui vốn là phép lịch sự tối thiểu khi đến nhà ai mà nhà ấy đang bận tiếp khách."

Không hiểu ông Chinh sống ở xứ nào mới có cái tục "
đi lui vốn là phép lịch sự tối thiểu khi đến nhà ai mà nhà ấy đang bận tiếp khách."? Tôi chưa bao giờ thấy chuyện khách đến nhà ai thấy chủ đang tiếp khách bèn đi giật lùi như "phép lịch sự tối thiểu" cả. Chắc xứ ông Chinh ở là xứ "Hội nhà văn Việt Nam" và ở xứ đó người ta vẫn có quy tắc lịch sự là đi giật lùi khi tới nhà thượng cấp mà gặp cảnh thượng cấp đang tiếp khách? Việc đi giật lùi, không dám quay lưng trước mặt chủ nhân với ông Chinh chỉ là phép "lịch sự tối thiểu" làm tôi tò mò không rõ nếu muốn "lịch sự tối đa" thì theo ông Văn Chinh, người ta có thể làm những gì?

Vâng, với những người vẫn có thói quen đi giật lùi, kiếm sống bằng cách đi giật lùi đúng cách, thì Tự do đúng là bi kịch thật.

No comments: