Về Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam.
Bản thân cái tên gọi của Trung tâm này đã khó chấp nhận. Tại sao lại là "di sản tiến sĩ"? Phải chăng chỉ tiến sĩ mới được coi là trí thức? Vậy bao nhiêu nhà trí thức Việt Nam từ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh cho tới Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn ...hẳn sẽ không được đưa vào trong diện "bảo tồn di sản" bởi họ đâu phải là tiến sĩ?
Thế nhưng hình như tiêu chuẩn của Trung tâm không phải là như vậy, như đoạn dưới đây cho thấy trung tâm còn bảo tồn di sản của giáo sư Đào Duy Anh và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả hai đều không phải là tiến sĩ: Ông Đào Duy Anh mới có bằng Thành chung (tương đương cấp 2) trường Quốc học Huế. Hồ Chí Minh thì còn chưa có bằng Thành chung do đang học thì bị đuổi học (vì tham gia biểu tình chống sưu thuế). Tuy sau này Hồ Chí Minh có làm nghiên cứu sinh để lấy bằng Phó Tiến sĩ tại Đại học Phương Đông nhưng ông cũng bỏ dở để sang Trung Quốc làm cách mạng.
Vậy nếu Trung tâm này chỉ là Trung tâm "bảo tồn di sản tiến sĩ" thì nên chỉ bảo tồn những ai có di sản tiến sĩ, còn nếu không thì nên đổi tên, ít nhất cũng là "Trung tâm Bảo tồn Di sản Trí thức Việt Nam"- một cái tên trung tính và đỡ nặng mùi bằng cấp hơn.
Trung tâm bảo tồn di sản Tiến sĩ Việt Nam sẽ “lấy nó nuôi nó”
"Cũng lời ông Huy, bản thảo, bản nháp, sổ tay...của các nhà khoa học chính là những di sản quý cần sưu tập. Mới đây, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã tìm thấy một số ghi chép của người cha bác sỹ Đặng Văn Ngữ. GS Đào Thế Tuấn cũng cho biết đã tìm thấy 8 trong số 20 cuốn sách quý của phụ thân- GS Đào Duy Anh.
Chiều 27/9 vừa qua, nhiều giáo sư đã trao tặng Trung tâm CPD những hiện vật của mình như bức ảnh chụp chung với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng của GS.TSKH Phạm Minh Hạc, của GS Phạm Trương Thị Thọ, một bộ tập sách do Quan Hải tùng thư xuất bản năm 1929 do GS Đào Duy Anh và nhà cách mạng Phan Đăng Lưu viết, hay một bản gỗ của Trung tâm lưu trữ quốc gia 3, bao gồm tất cả các chữ ký mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng trong suốt cuộc đời.... Công viên Văn Miếu đương đại này sẽ gồm các khu tưởng niệm, mô phỏng Văn Miếu cũ và hệ thống văn bia mới dành cho các nhà khoa học, tiến sĩ thời cận - hiện đại. Tên tiến sĩ được ghi trên nền đá hoa cương. " Trung tâm này định xây dựng hệ thống văn bia mới dành cho các nhà khoa học, tiến sĩ. Chưa rõ tiêu chuẩn để được lên bia ở "Văn Miếu mới" này là gì? Ai là Tiến sĩ thì cũng được dựng bia (hay mua bia), hay phải qua xét tuyển, hay là đóng tiền kiểu như vào các danh sách Who's Who của các tổ chức tiểu sử danh nhân?
Chỉ có điều chắc chắn là những người bán bia sẽ đắt hàng. Theo Bộ trưởng Nhân thì tới năm 2020, Việt Nam chúng ta sẽ có 20.000 tiến sĩ (chưa kể số đã qua đời). Giả sử Văn Miếu mới này cũng theo tinh thần Văn Miếu cũ là Tiến sĩ sẽ được dựng bia thì sẽ có 20.000 tấm bia tiến sĩ chi chít tại Hòa Bình, chưa kể vài nghìn tấm bia của các tiến sĩ đã qua đời. Bà con người Mường ở đây sẽ tha hồ ngắm nghía di sản trí thức của đám người Kinh, bà con chung dòng máu thời Hùng Vương. Và cuối tuần sẽ có hàng đoàn xe của các Tiến sĩ từ Hà Nội dẫn vợ con, bạn bè, cấp dưới, bồ bịch, người yêu lên Hòa Bình nghỉ mát, nhân tiện rẽ qua Công viên Văn Miếu mới để "cho em thấy rùa đội bia tên anh nhá". Tha hồ mà phát triển du lịch, đưa đồng bào trung du tiến kịp với thủ đô!. Ông Bộ trưởng Nhân cũng có thể sẽ hài lòng vì việc được có tên trên bia sẽ là động lực kích thích nhu cầu nhiều người bỏ thời gian và/hay tiền bạc để đi học Tiến sĩ hơn.
Trong khi khoa học Việt Nam ở vị trí thế nào so với thế giới là điều ai cũng biết, trong khi hiện tượng học giả, chạy điểm, làm luận án tiến sĩ thuê hết sức phổ biến, thì các tiến sĩ Việt Nam nên tự lấy làm xấu hổ chứ lại còn nghĩ tới chuyện dựng bia để lưu danh sử sách, không biết để làm gì đi nữa.
Thực ra ý tưởng sưu tầm các di sản của những nhà khoa học, những trí thức đã qua đời hay đang hoạt động với những cống hiến nổi bật cũng là một ý tưởng cần thiết. Nhưng nên dừng nó ở hình thức hoạt động của bảo tàng, ví dụ như Bảo tàng Dân tộc học chỗ ông Nguyễn Văn Huy (con TS Nguyễn Văn Huyên, cựu Bộ Trưởng Giáo dục) có thể xin kinh phí Nhà nước để thực hiện hoạt động này. Chứ đừng biến nó thành một động thái kinh doanh không ra kinh doanh, lưu trữ không ra lưu trữ, chỉ để phỉnh nịnh bản thân và phỉnh nịnh lẫn nhau, và làm cho cái tâm lý trọng bằng cấp thái quá, mua bán bằng cấp trong xã hội càng thêm phổ biến.
Phụ chú: Một vài thông tin liên quan
Khảo sát trên thị trường bằng cấp tuần qua của tổ chức EID (Economist Intelligence Database)* cho thấy, trong khi tất cả các chỉ số tài chính-kinh tế trên thị trường thế giới và Việt Nam đều giảm sút do lo ngại khủng hoảng tài chính toàn cầu thì giá cả thuê làm luận án Tiến sĩ tăng vọt tới 200%, giá thuê làm luận án Thạc sĩ tăng 157%, giá viết bài đăng tạp chí chuyên ngành trong nước tăng 278%, giá đi học hộ, điểm danh hộ ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân tăng 87%, ở trường Đại học Ngoại thương tăng 70%. Số tiền đấu giá để đi học Tiến sĩ bằng học bổng ngân sách cũng tăng đáng kể, tuy chưa có con số chính xác. EID lo ngại diễn tiến trên sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình lạm phát ở Việt Nam, vốn đã rất nóng bỏng thời gian quá. Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng đang có ý tưởng đề nghị Chính phủ xem xét hoãn Công viên Tiến sĩ (tên không chính thức của Công viên Văn Miếu) do lo ngại sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng giá cả thị trư
ờng trong cả nước, đặc biệt tại các thành phố lớn.
Xem ra thị trường bằng cấp Việt Nam xem ra có phản ứng rất tích cực trước động thái dựng bia tiến sĩ của Tiến sĩ Huy và đồng sự, nhất là sau phát biểu của ông Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH-TT-DL, Tiến sĩ Đặng Văn Bài. "Chúng ta có những đỉnh cao văn hóa do các giáo sư viện sỹ mang lại. Những đỉnh cao ấy làm nên thành tựu văn hóa. Chúng tôi đánh giá cao mô hình trung tâm này vì nó xã hội hóa được."
Được biết, Cục Di sản Văn hóa đang có kế hoạch mời Tổ chức New7wonders.com** sau khi kết thúc cuộc bầu chọn 7 kỳ quan di sản thiên nhiên, sẽ mở cuộc bầu chọn 7 kỳ quan di sản văn hóa và Trung tâm Văn Miếu mới tại tỉnh Hòa Bình của Việt Nam sẽ chính thức tham dự (tất nhiên, sau khi đã "xã hội hóa").
Ngoài ra, trong tuần qua còn có 15 vụ dọa kiện báo chí của một số tiến sĩ*** vì cho rằng báo chí in thiếu chữ Tiến sĩ trong các bài viết có liên quan tới những người này, trong đó có 1 vụ vì tuy bài báo có chữ "tiến sĩ" trước tên người nhưng do "sơ suất biên tập" (theo đính chính của Tòa soạn), chữ "tiến sĩ" đã không được viết hoa như nó luôn luôn, rất mực, hết sức cần phải như thế bởi vì "hiền tài là nguyên khí quốc gia" (vẫn trích dẫn trong bài đính chính).
*Tổ chức EID vừa tuyên bố là mình không tồn tại.
** Đây là tin đồn, New7wonders đã kịch liệt bác bỏ tin đồn này!
*** Thông tin chưa kiểm chứng. 15 tờ báo mới có công văn đề nghị blog Somewhere Land đính chính tin này. Nay xin đính chính là chưa có tờ báo nào bị ông tiến sĩ nào dọa kiện vì đăng thiếu chữ "Tiến sĩ" cả. Nhưng một số bạn phóng viên có kể rằng có những ông Tiến sĩ từng hoạnh họe vì thiếu chữ Tiến sĩ ghi trong phong bì được phát khi dự họp.
Saturday, October 04, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment