Tuesday, October 14, 2008

Entry for October 14, 2008

Sự kiện nhà văn lưu vong chống cộng (và cũng là cựu cộng sản) Kundera có thể từng đóng vai trò chỉ điểm trong vụ án bắt một điệp viên của một nhóm chống cộng Tiệp Khắc cho thấy trong chế độ toàn trị, không có cá nhân nào an toàn, đứng ngoài cuộc cả. Hoặc anh là nạn nhân, hoặc anh là đao phủ, hoặc phổ biến hơn, anh vừa là nạn nhân, vừa là đao phủ, chứ không có con đường thứ ba.

Giả sử sự kiện này là đúng (Kundera đã bác bỏ) thì Kundera có thể cũng từng là đao phủ trước khi là nạn nhân. Có nhiều trường hợp như vậy, từ những đao phủ lừng lẫy thực sự như Yakoda hay Yazov cho tới những trường hợp tinh tế hơn, những người "chém bút" và dùng bút để chém bạn trong văn chương vậy.

Với hầu hết những người từng ít nhiều đóng vai trò đao phủ, sau khi đã qua giai đoạn đó, họ đều phẩy tay và cố quên nó đi. Kundera lựa chọn cách gán tội cho nhân vật và chỉ để tội đó là ý nghĩ. Trong Cuộc sống không ở đây, ông cho nhân vật chính, một nhà thơ yêu nước, yêu chế độ, tưởng tượng tới việc tố cáo anh trai của bạn gái. Trong The Joke, ông cho nhân vật chính bị bạn gái phản bội và tố cáo chỉ vì một câu nói đùa trên tấm bưu thiếp. Đó có thể cũng là một cách phẩy tay của Kundera trước quá khứ của mình, biến nó thành một cái gì nửa thực, nửa hư. Trong tác phẩm của Kundera, dưới chế độ toàn trị, bất kỳ ai cũng có thể trở thành kẻ tố cáo và một người có thể bị kết án bởi những lỗi ngớ ngẩn nhất. Đó có thể là sự thực, nhưng cũng có thể là cách Kundera tạo ra để xoa dịu trách nhiệm của mình. (Nếu ai cũng có thể thành kẻ tố cáo, chỉ điểm thì việc tôi có chỉ điểm cũng không phải là điều gì quá đáng. Nếu ai cũng có thể bị tù đày thì việc gã đó bị tù đày cũng chỉ là sự không may).

Mặc dù thực ra mà nói, việc Kundera có thể đã làm là hoàn toàn có thể hiểu được bởi kẻ bị ông tố cáo (giả sử việc này là đúng) đích thực là điệp viên của một tổ chức người Tiệp lưu vong được Mỹ và Anh giúp đỡ, có sự hợp tác với cơ quan tình báo Mi6 của Anh. Ở bất kỳ quốc gia nào, chế độ nào thì việc tố cáo gián điệp cũng được coi là trách nhiệm công dân. Nhưng trong lăng kính thời hậu cộng sản và với thế giới quan sau này của nhà văn thì việc này lại trở thành một thứ gần với tội lỗi, một sự tiếp sức cho chế độ cộng sản ở Tiệp Khắc. Nhất là việc đó lại khiến cho người bị ông tố cáo phải ngồi tù 14 năm và một trong những người giúp đỡ anh ta xâm nhập trái phép vào Tiệp Khắc bị xử tử (theo Timesonline).

Cũng nói thêm trước Cách mạng Mùa xuân Prague năm 1968, Kundera vẫn là một đảng viên Cộng sản trung thành, cho dù trong những năm 1960, ông đã có những hoài nghi với người Nga và chế độ Stalinist. Nhưng những thanh trừng của chế độ Stalinist được tái lập sau cách mạng 1968 với Kundera nói riêng và với trí thức Tiệp Khắc nói chung đã khiến Kundera phải lưu vong ở nước ngoài và trở thành người tố cáo sâu sắc các chế độ độc tài toàn trị ở châu Âu.

No comments: