Sunday, October 26, 2008

Entry for October 26, 2008

Kinh quá, giờ cảnh sát giao thông cũng được trang bị súng bắn đạn cao su để xử lý người không đội mũ bảo hiểm!. Không thấy nói tới những trường hợp nào thì CSGT được dùng súng này. Nếu người vi phạm chạy thì họ được quyền bắn không? Được dùng súng này bắn vào những phần nào trên cơ thể, trong những tình huống nào? Tại sao cơ quan cảnh sát không công khai quy định này nếu như họ có một quy chế cụ thể cho việc dùng súng của họ?

Ở các nước, súng đạn cao su thường được trang bị cho cảnh sát chống bạo động, để giải quyết các vụ bạo động. Súng bắn đạn cao su được xếp cùng các thứ vũ khí không gây chết người cho cảnh sát bạo động như lưu đạn hơi cay, súng hơi cay....Tuy vậy thỉnh thoảng vẫn có những vụ chết người do súng đạn cao su, nhất là nếu bắn trực diện, do đó người ta thường hạn chế cao nhất việc sử dụng súng này, kể cả trong chống bạo động.

Ở Việt Nam, thời gian gần đây cũng có không ít các vụ cảnh sát bắn dân bằng súng đạn cao su. Đó còn là khi cảnh sát giao thông chưa được trang bị súng này mà chỉ cảnh sát hình sự hay cơ động.

Ví dụ:

- Ở Quảng Nam, 5 cảnh sát điều tra dùng súng đạn cao su bắn dân do tranh chấp phòng karaoke.

- Ở Bình Phước, một trưởng công an xã dùng súng đạn cao su bắn mù mắt dân do anh này cãi lại, không chịu đi về nhà.

- Ở Hải Phòng, cũng xảy ra vụ cảnh sát bắn súng đạn cao su vào người dân không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, có ảnh chụp đăng lên một loạt blog.

Ngoài ra còn không ít các trường hợp lạm dụng súng hay vũ khí khác của cảnh sát để giải quyết các ân oán riêng tư, đôi khi chỉ vì cãi nhau những chuyện vớ vẩn. Ở Hà Nội, một thiếu úy công an nổ nhiều phát đạn súng thật vào một người dân do tranh cãi phát sinh khi viên thiếu úy để xe trước cửa nhà người dân này. Ở thành phố Hồ Chí Minh, một kiểm sát viên say rượu hoa dùi cui, dí súng vào đầu nhiều người đi đường để tìm cướp! Ở Đà Nẳng, một cảnh sát múa kiếm ở sân bay, gây xôn xao dư luận trong cả nước (và hình phạt cho anh ta: 5 triệu đồng, đình chỉ công tác 3 tháng, không truy tố hình sự). Trước đó vài năm, cũng viên cảnh sát này từng nổ súng vào tiếp viên ở nhà hàng karaoke (và bị xử lý: cảnh cáo!).

Và có lẽ còn rất nhiều vụ nữa mà tôi không biết hay báo không đăng. Rõ ràng, quy chế kiểm soát việc sử dụng vũ khí của ngành cảnh sát rất có vấn đề. Có vấn đề hơn nữa còn là ở đạo đức của rất nhiều cảnh sát, khi họ sử dụng vũ khí của họ một cách rất tùy tiện, bất chấp nguy hiểm tới tính mạng người dân.

Giờ đây, nếu trang bị súng đạn cao su cho hàng vạn cảnh sát giao thông trên cả nước, cho phép họ bắn người vi phạm đội mũ bảo hiểm nếu có sự chống lại (liệu bỏ chạy có được coi là chống lại?) thì sẽ còn bao nhiêu tai nạn xảy ra nữa- cả tai nạn trực tiếp từ súng đạn cao su, tai nạn gián tiếp do người bị bắn không làm chủ được tay lái dẫn tới tai nạn, cả tai nạn do đạn bắn lạc vào người đi đường khác? Đó là chưa kể việc những cảnh sát này có thể sử dụng vũ khí đó để giải quyết các tranh cãi cá nhân ở nhà hàng, quán karaoke hay trên đường phố do có sẵn vũ khí trong tay và tin rằng nếu có bắn thì cũng không gây ra chết người nên sẽ không bị truy tố hình sự!. Liệu trong năm tới, bên cạnh những báo cáo về những thành tích trong việc xử lý vi phạm giao thông, Tổng cục Cảnh sát có đưa vào đó những con số về số người bị thương hay thậm chí có thể tử vong bởi việc cảnh sát sử dụng vũ khí có phép và trái phép?

Vẫn với tư duy cảnh sát giao thông có thể dùng súng đạn cao su bắn người không đội mũ bảo hiểm không chịu chấp hành lệnh dừng xe thì giả sử như quy chế ngực lép, chân ngắn không được đi xe máy được thông qua chính thức, liệu sắp tới cảnh sát giao thông có được trao quyền bắn đạn cao su vào người ngực lép, chân ngắn, nhẹ cân, hay bị trĩ nếu họ "chống lại" người thi hành công vụ, ví dụ không dừng xe hay không cho kiểm tra vú? Tất nhiên khả năng cảnh sát giao thông có quyền kiểm tra chiều cao, cân nặng hay vòng ngực người đi đường là rất nhỏ nhưng với nền luật pháp tùy tiện, không có gì rõ ràng như ở Việt Nam thì mọi thứ đều có thể xảy ra. Và khi mọi sự xảy ra, người ta sẽ dần dần quen với nó, thích nghi với nó, và không cảm thấy nó tùy tiện, ngớ ngẩn, lố bịch hay bỉ ổi nữa. Có quá nhiều ví dụ về những thứ lố bịch hay bỉ ổi được người ta coi là bình thường hay thậm chí là cần thiết trong xã hội hiện nay.

No comments: