Đang là giữa mùa thu, cây cối vàng rực, những ngày rực rỡ nắng vàng ươm, gió lộng xen kẽ với những ngày mưa ướt át, trời âm u buồn.
Nhưng chỉ hai tuần nữa là màu vàng sẽ hết, sau đó là màu xỉn của những chiếc lá còn sót lại trên cành.
Hai tuần tiếp sau nữa, những cái lá sẽ chết khô và lần lượt rời cành.
Và hai tuần sau đó nữa sẽ là tuyết, và cơn lạnh của mùa đông. Và trời màu xám. Và áo jacket. Và con đường tuyết phủ. Và ngày sập tối lúc 5h chiều. Và tuyết đậu cửa sổ.
Tôi nghĩ mùa thu là mùa duy nhất thực sự gợi cho người ta niềm luyến tiếc kể cả khi nó đang rực rỡ. Xuân Diệu từng viết như thế về mùa xuân "Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua. Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già" nhưng tôi luôn cảm thấy có gì không thực trong những câu thơ này.
Nhưng với mùa thu, bạn gần như có thể nhìn thấy mùa đông khi ngắm mùa thu. Và cảm được sự run rẩy của gió, của lá.
Như vẻ đẹp của người đàn bà tìm thấy tình yêu khi không còn quá trẻ, chỉ đủ để bừng lên trước khi lụi tàn vào những ngày đông u ám.
"Since you went away the days grow long
And soon I'll hear old winter's song
But I miss you most of all my darling
When autumn leaves start to fall"
Và mùa đông? Ai trải qua mùa đông ở những xứ lạnh mới hiểu được sao bài hát Here Comes the Sun của Beatles lại có sức lay động như vậy.
"Little darling, the smiles returning to the faces
Little darling, it seems like years since it's been here
Here comes the sun, here comes the sun."
Tại sao Noel lại vào 24/12, ở chính giữa mùa đông xứ lạnh, khi những ngày lạnh nhất còn chưa đến? Trong khi Tết âm lịch lại thực sự là thời điểm chấm dứt mùa đông. Noel giữa mùa đông như là một cách để người dân xứ lạnh tự làm cho nhau vui, mang lại sự ấm áp cho nhau và cho mình để chống lại những ngày đông lạnh lẽo, khắc nghiệt đang đến. Đó cũng chính là lý do người ta muốn quây quần giữa những người thân trong ngày Giáng sinh. Ngày lễ thực sự để đón chào mùa xuân ở xứ lạnh là Lễ Phục sinh. Chúa sống lại cũng vào lúc mùa xuân trở lại.
Còn ở Á Đông, ngày chào đón năm mới cũng là ngày chào đón mùa xuân.
Wednesday, October 08, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment