Saturday, October 04, 2008

Entry for October 04, 2008

Nhà xuất bản Trẻ thu hồi tập truyện Tột đỉnh tình yêu của tác giả Nguyễn Thúy Ái vì trong đó có truyện ngắn "Trở về Lệ Chi viên" xây dựng hình ảnh Nguyễn Trãi là một nhân vật xấu.
Không biết có ai đọc truyện ngắn này chưa?

Trên SGGP có bài của Vũ Hạnh lên án tác giả Thúy Ái và truyện ngắn này, gọi Thúy Ái là "kẻ đốt đền".

Theo báo Văn nghệ TP HCM thì trong truyện ngắn này: "Nguyễn Trãi đã bị miệt thị như một kẻ đầy âm mưu, dã tâm, mê sắc dục và háo danh đến nỗi dâng vợ cho vua để mưu cầu lợi danh ở tuổi cuối đời. Còn Nguyễn Thị Lộ thì là một phụ nữ nhà quê vô học, gian dâm và cả... bạo dâm."

Còn theo tác giả Trí Nhân trên SGGP: "
...dưới ngòi bút của Thúy Ái thì Nguyễn Trãi dù gì cũng chỉ là một lão già háo sắc, đa dâm mà bất lực, nhỏ nhen, hèn hạ, cúi mình xin cho vợ cái chức danh vô nghĩa Lễ nghi học sỹ để dễ hiến thân cho ông vua trẻ, cầu danh cho chồng... Thật không khác gì kẻ tiểu nhân!

Người vợ trẻ của ông - Nguyễn Thị Lộ, là người đức hạnh, giỏi giang, người đời cảm thương số phận người đàn bà tài sắc đa đoan ấy. Vậy mà ở đây tác giả tạo ra một Nguyễn Thị Lộ không khác gì những cô cave mạt hạng thời nay: vô học, trốn chúa lộn chồng, già giặn ngón chơi, biết khai thác triệt để cái vốn tự có để đổi đời cấp kỳ cho mình và cho cả gia đình, dòng họ."

Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất có thể viết hư cấu về một danh nhân lịch sử theo cách khác với cách hiểu truyền thống về họ không? Trước kia Nguyễn Huy Thiệp từng viết Phẩm Tiết, Kiếm Sắc xây dựng hình tượng Nguyễn Huệ như một ông vua hám gái, võ biền...Hai truyện ngắn này từng khiến ông Thiệp bị phê phán nặng nề. Nhưng rồi thời gian qua, vị trí của ông Thiệp vẫn hoàn toàn được khẳng định. Ở hải ngoại, Nguyễn Gia Kiểng viết Tổ Quốc Ăn Năn (thể loại phi hư cấu) trong đó cũng chê trách nặng nề Quang Trung và cũng hứng chịu rất nhiều búa rìu cho rằng ông Kiểng báng bổ anh hùng dân tộc.

Trong không khí sáng tác tự do thì những chuyện như trên không thành vấn đề. Thái độ tiếp nhận của giới phê bình, của người đọc sẽ là yếu tố quyết định. Nhưng cách phê bình như thế nào mới hợp lý? Theo tôi, giới phê bình nếu không tán đồng với truyện ngắn của Thúy Ái thì cần chỉ ra những thứ như sự không hợp lý của nhân vật, tình tiết, vụng tay...chứ không thể cho rằng vì đó đã là danh nhân, nên phải tuyệt hảo, phải trong trắng...Và nhất là nhân vật Nguyễn Thị Lộ, người có rất ít chi tiết được biết đến trong lịch sử, thì làm sao có thể biết rằng bà thực sự thế nào?

Thứ hai, việc NXB Trẻ thu hồi tập sách này cũng có vấn đề. Trong quyết định của NXB Tuổi Trẻ nêu trong bài báo không hề nhắc gì tới tác giả. Không hiểu việc NXB thu hồi sách như thế có sự đồng tình của tác giả hay không? Một cuốn sách được xuất bản không chỉ là bản quyền của nhà xuất bản mà còn là bản quyền của tác giả. Việc NXB tự ý thu hồi chỉ có thể được áp dụng trong trường hợp tác giả vi phạm hợp đồng với nhà xuất bản và hợp đồng quy định rằng NXB được phép thu hồi; hoặc là trong trường hợp bất khả kháng khi kiểm duyệt không cho xuất bản. Còn nếu không thì rõ ràng NXB đã tự ý vi phạm hợp đồng và tác giả hoàn toàn có quyền kiện NXB. Bản thân quyết định thu hồi không nhắc tới việc tác giả có đồng ý hay không với việc thu hồi cũng là một hành động có tính cửa quyền, thiếu tôn trọng tác giả.

Nhưng bỏ qua các khía cạnh pháp lý thiếu rõ ràng thì việc NXB Trẻ ban đầu bảo vệ tác phẩm này và cho rằng mình làm đúng (bà Nguyệt, Giám đốc NXB ban đầu nói:" theo tôi NXB Trẻ đã làm đúng nhiệm vụ của mình khi cấp phép xuất bản tác phẩm trên. Vấn đề nội dung của tác phẩm, theo tôi đây không phải là một tác phẩm lịch sử mà thuần túy là một tác phẩm văn học."), rồi sau đó lại quyết định thu hồi với lý do không rõ ràng ( "Tập truyện ngắn Tột đỉnh tình yêu liên kết với NXB Trẻ trong đó có truyện ngắn Trở về Lệ Chi viên đã có những câu từ thiếu sự tôn trọng và gây nhiều hiểu lầm về danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi".) cho thấy sự thiếu bản lĩnh của nhà xuất bản này.

Thực chất, đánh giá con người lịch sử Nguyễn Trãi không dễ dàng chút nào. Thơ văn Nguyễn Trãi tràn đầy tinh thần yêu nước, thương dân, và thương bản thân mình, nhưng cuộc đời của ông rất phức tạp. Riêng hành động dâng thiếp cho vua (vì theo chính sử, vua ngủ với Thị Lộ, thiếp của ông rồi đột tử) như thế cũng khó lý giải động cơ một cách thực sự thuyết phục và cách hiểu của tác giả Thúy Ái cũng có những cơ sở của mình. Người đọc có thể bất bình, thậm chí phẫn nộ khi thấy hình tượng danh nhân bị bôi nhọ, nhưng đó là quyền của người đọc, tại sao lại phải cấm đoán, không cho người đọc tiếp cận với một cách nhìn khác về danh nhân.

Phải chăng vì người ta e ngại rằng một cách nhìn "phi chính thống" với danh nhân lịch sử rồi sẽ dẫn tới việc đánh giá lại những danh nhân lịch sử khác, gần gũi hơn? Và trong một chế độ mà hệ thống phân loại con người được xác định rạch ròi (kiểu Nguyễn Trãi tốt, Nguyễn Huệ tốt, Nguyễn Ánh xấu, Tự Đức xấu...) theo những tiêu chuẩn nặng tính giai cấp thì việc đánh giá lại nhân vật lịch sử sẽ làm lung lay hệ thống giá trị được dựng lên?

Cũng liên quan tới việc đánh giá lại, gần đây cuối cùng Phan Thanh Giản cũng được minh oan, và đã có một trường trung học mang tên ông. Hy vọng ngày nào không xa, sẽ có những trường mang tên Gia Long, vị vua thống nhất Việt Nam và đưa nước Việt vào thời hùng mạnh nhất ở Đông Nam Á, hay các học giả Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký...

No comments: