Friday, October 17, 2008

Xung quanh phiên tòa báo chí

Vài ý nhỏ, ghi ra vì chưa rảnh để viết đầy đủ

-Không ít nhà báo không hiểu rằng chuyện hai nhà báo bị bắt không chỉ là chuyện trong nghề, một tai nạn nghề nghiệp hay là gì đó. Tự do báo chí có liên quan mật thiết tới tự do ngôn luận và báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong việc giám sát chính quyền. Tất nhiên, với những người coi báo chí không phải là chủ thể giám sát chính quyền mà là công cụ để chính quyền giáo dục, phổ biến chính sách cho nhân dân thì tôi không có ý kiến gì thêm. Ai cần thêm một cái loa tuyên truyền?
Thật xấu hổ cho những người nào tự nhận mình là nhà báo khi nghĩ báo chí thực sự là công cụ của Đảng.



- Dù hai nhà báo có đúng hay sai, những tin tức của họ sai ở mức độ nào, bịa đặt tới đâu thì phiên tòa này là một trò hề không thể chối cãi mà bất kỳ ai chỉ để tâm theo dõi một chút là có thể thấy. Và trên blog của một số nhà báo danh tiếng, họ đều cố tình không nhắc tới tính chất "phường tuồng" của phiên tòa, trong khi phân tích đồng nghiệp của họ sai như thế nào, cần thông cảm, đoàn kết etc. ra sao. Tất cả những bài viết né tránh tính chất phường tuồng của phiên tòa, theo tôi, không thể gọi là khách quan và trung thực.



- Xin hỏi những nhà báo và những người không phải nhà báo: nếu một nhà báo đưa tin sai do vô tình phạm phải, do tin vào các phát ngôn của cơ quan điều tra thì theo các bạn, họ có nên chịu trách nhiệm hình sự không? Câu hỏi này là câu hỏi tự vấn về quan điểm của mỗi người, không liên quan tới pháp luật cụ thể.

Về pháp luật, cần thấy rằng Luật Báo chí và Luật Hình sự rất mập mờ về vụ này, và hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí tùy tiện của người cầm quyền. Có thể thấy rõ ngay trong vụ hai nhà báo, khi tội danh được thay đổi vào thời điểm cuối.



Note: Ở các nước dân chủ, nhà báo đưa tin sai không chịu trách nhiệm hình sự. Theo bạn, ở Việt Nam có nên như thế không?


- Quay trở về vụ việc cụ thể. Lấy gì đảm bảo rằng những người viết bài (trên báo và trên blog) rằng Chiến, Hải và các đồng nghiệp theo dõi PMU18 khi xưa viết sai, được Quắc/Huynh mớm tin, cũng đang viết sai và được những quan chức công an, chính quyền khác mớm tin, hay đơn giản là chép lại lời Trung tướng Vũ Hải Triều đọc chính tả *?


Nói cách khác, liệu công chúng có thể biết được rằng ai viết đúng, ai viết sai không? Hay kẻ ngã ngựa là kẻ sai, và kẻ sống sót là kẻ đúng.
Tôi đọc blog của những người được coi là thạo tin nhất trong giới báo chí và không có một chi tiết nào chứng tỏ rằng Chiến, Hải viết sai. Nói cách khác, trong khi phê phán Chiến/Hải lấy tin thiếu tỉnh táo và kiểm chứng, họ cũng làm y như những bài báo của Chiến, Hải và những người khác trước kia: tức là nói như đinh đóng cột rằng người này sai, người kia sai. Trong khi nói chính xác thì anh Chiến còn có băng ghi âm làm bằng về nguồn tin, chỉ có điều những băng ghi âm của anh không được công bố, và chúng ta đành phải "tin" cơ quan bảo vệ pháp luật rằng các băng ghi âm này không có giá trị gì.

- Cái này là một comment có sửa trên blog V+, có thể có liên quan ở đây, có thể không:

"Ở trên tất cả các quốc gia dân chủ trên thế giới, không có chuyện nhà báo phải ngồi tù vì đưa thông tin sai lệch. Nhà báo có thể bị kiện, có thể phải bồi thường, có thể bị sa thải, có thể bị mất uy tín, có thể bị tẩy chay nhưng không thể bỏ tù nhà báo vì anh ta đưa tin không chính xác.

Ngay việc vu khống (tức là cố tình đưa tin sai để bôi nhọ) ở các nước dân chủ cũng không phải là tội hình sự. Người bị vu khống có thể khởi kiện người vu khống nhưng đó là quan hệ dân sự và trong quan hệ dân sự thì không có án tù. Ông Tiến có quyền kiện nhà báo Hải ra tòa vì tội vu khống, như trước kia chủ nhà hàng Phố Núi đã kiện VNN và thắng kiện (hoặc VNN dàn xếp bên ngoài tòa- chi tiết cụ thể tôi không rõ). Nhưng còn việc bắt nhà báo bỏ tù vì đưa tin sai thì lại là một việc khác, và thực chất yếu tố có đưa tin sai hay không trong vụ án này không thực sự là yếu tố quyết định cho việc khởi tố và cho mức án xử.

Cái tâm lý cứ thằng nào làm sai cái gì là tống nó vào tù hết sức phổ biến trong xã hội Việt Nam. Về cơ bản, điều đó thể hiện thái độ thiếu tôn trọng quyền con người, lẫn lộn giữa các mối quan hệ có tính dân sự và hình sự.

Lấy ví dụ, nếu có một vụ tai nạn xảy ra và có người chết vì tai nạn. Người nhà nạn nhân trong lúc phẫn uất có thể muốn kẻ gây tai nạn phải chết. Nhưng trong tất cả mọi luật pháp thì người gây ra tai nạn chết người sẽ không bị xử tử vì tai nạn đó. Đó là vì luật pháp dựa trên cơ sở phán xét xã hội của số đông, vì những lợi ích số đông, và tính tới quyền lợi cũng như trách nhiệm của các bên liên quan.
Bởi vì luật pháp không phải là sự trả thù. Và nếu có một ông Thứ trưởng nào bị mất chức "oan", một ông tướng Công an không được vào TW "oan" thì đó cũng không phải là lý do hợp lý để khoác tấm áo "công lý" lên sự trả thù.


+ Về những dư luận quanh cá nhân hai anh Chiến/Hải thì cũng có nhiều điểm đáng bàn. Nhưng chắc để lúc khác. Theo tôi, nếu không kể việc tung tin hỏa mù cố ý của một số người thì việc này phản ánh cách tư duy, cách chấp nhận thực tế theo như mình mong muốn của người đọc hơn là cá nhân cụ thể hai anh này thế nào.



* Trong audio buổi nói chuyện của Trung tướng Vũ Hải Triều và Trưởng ban Tuyên giáo Tô Huy Rứa, có đoạn cử tọa (không rõ chính xác là những đối tượng nào, hình như là các báo cáo viên (?) của Ban Tuyên giáo) yêu cầu ông Triều nói chậm lại để có thể ghi chép. Ông Triều vừa cười vừa nói: tôi cứ nghĩ là đến đây để báo cáo nên không chuẩn bị tài liệu, chứ đọc thế này như đọc chính tả thì hay quá.




No comments: